Du học sinh ngành tiếng Ả Rập tại Qatar hào hứng với World Cup 2022

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Qua loạt hình ảnh đăng tải trên trang cá nhân, Lan Anh và Ngọc Hương khiến bạn bè ở nhà “ghen tỵ” vì được trực tiếp đón xem những trận cầu đỉnh cao hay các ngôi sao hàng đầu thế giới ở khoảng cách gần hơn bao giờ hết.

Nguyễn Thị Lan Anh (20 tuổi, quê Hải Dương) và Phan Lê Ngọc Hương (19 tuổi, quê Hải Phòng) cùng là sinh viên ngành Ngôn ngữ Ả Rập, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhờ thành tích học tập xuất sắc, hai bạn có cơ hội đi trao đổi một năm tại Đại học Qatar ở thủ đô Doha, Qatar.

Du học sinh ngành tiếng Ả Rập tại Qatar hào hứng với World Cup 2022 ảnh 1

Lan Anh và Hương tại Sân vận động Lusial - sân vận động lớn nhất Qatar.

Háo hức cùng mùa World Cup đặc biệt

Đại học Qatar (QU) được thành lập năm 1977 và hiện là một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, nằm trong Top 250 trường đại học tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng QS. Với lối kiến trúc kết hợp hài hoà giữa phong cách Hồi giáo truyền thống và hiện đại trên tổng diện tích hơn 8km2, QU được liệt kê vào danh sách những khuôn viên đại học đẹp nhất thế giới. Được biết, trong quá trình diễn ra World Cup 2022, đội tuyển Argentina và Tây Ban Nha cùng chọn khu ký túc xá của trường làm đại bản doanh.

“Mặc dù an ninh nghiêm ngặt nên không thể quan sát hay gặp gỡ các cầu thủ nổi tiếng, nhưng cảm giác được sống trong cùng một khuôn viên với Messi hay Gavi cũng khiến mình thấy hứng thú hơn hẳn” - Lan Anh cho biết.

Du học sinh ngành tiếng Ả Rập tại Qatar hào hứng với World Cup 2022 ảnh 2

Cả hai thích thú khi thấy đường phố Doha được trang hoàng rực rỡ đón World Cup.

Trong thời gian diễn ra World Cup, các sinh viên quốc tế như Lan Anh và Hương được chuyển sang sống tại một toà nhà khác để nhường khu ký túc xá cho các đội tuyển. Nơi ở được thiết kế theo dạng căn hộ, có phòng khách, nhà bếp, ban công cùng phòng ngủ với vệ sinh khép kín. Nội thất được trang bị đầy đủ và hiện đại như bàn tiếp khách, tủ quần áo, kệ bếp, tủ lạnh, lò nướng, máy giặt kèm máy sấy. May mắn được ở cùng nhà với năm cô gái người Ai Cập, cả hai vừa có thể củng cố kỹ năng tiếng Anh, vừa được nâng cao vốn từ tiếng Ả Rập.

Cuối tháng 8/2022, lúc mới hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Hamad, hai cô gái ngay lập tức bị choáng ngợp với sự sang trọng, xa xỉ của sân bay tốt nhất thế giới nhiều năm liên tiếp do Skytrax bình chọn. Khoảng thời gian đó, công cuộc chuẩn bị cho World Cup đang được nước chủ nhà gấp rút triển khai. Khi ra khỏi khuôn viên trường vào cuối tuần, Lan Anh và Hương đều ngạc nhiên, ngỡ ngàng, tưởng như không nhận ra thủ đô Doha bởi mỗi ngày lại có thêm nhiều địa điểm được hoàn thành, nhiều công trình mới mọc lên với tốc độ xây dựng chóng mặt.

Cuộc sống của hai bạn trở nên sôi động, náo nhiệt hơn từ ngày giải vô địch bóng đá thế giới bắt đầu. Trên đường phố, xe buýt, tàu điện ngầm hay các khu vực dành cho người hâm mộ, cả hai như bắt gặp một thế giới thu nhỏ khi đám đông mang theo quốc kỳ, trang phục cổ động và hát vang những khúc ca mừng chiến thắng bằng nhiều ngôn ngữ.

Du học sinh ngành tiếng Ả Rập tại Qatar hào hứng với World Cup 2022 ảnh 3

Ngọc Hương đi xem trận đấu Ghana - Bồ Đào Nha tại Sân vận động 974 với mong muốn được trực tiếp thấy Ronaldo đá bóng.

Vì chi phí đắt đỏ, cả hai ưu tiên mua vé vào sân vận động xem một số trận giữa các đội tuyển được chú ý và có các ngôi sao nổi tiếng, ví dụ như Bỉ, Bồ Đào Nha hay Pháp. Với tấm thẻ thông hành, được cung cấp khi mua vé của một trận đấu bất kỳ, cả hai có thể vào khu vực dành cho người hâm mộ (fanzone) để xem qua màn hình lớn và hưởng ứng không khí bóng đá nếu không trực tiếp vào sân.

Du học sinh ngành tiếng Ả Rập tại Qatar hào hứng với World Cup 2022 ảnh 4

Trải nghiệm lên sóng Truyền hình VTC như những “phóng viên thường trú".

Đang trong kỳ nghỉ đông nên cả hai chìm đắm hết mình trong sự kiện thể thao bốn năm mới có một lần. Gặp gỡ một số đoàn Việt Nam đi xem World Cup, cả hai trở thành hướng dẫn viên, giúp đỡ những người đồng hương trong khi di chuyển và nghỉ ngơi. Cũng nhờ World Cup, cả hai có dịp lên sóng kênh truyền hình VTC với vai trò “phóng viên thường trú” đưa tin từ Qatar vô cùng xịn sò.

Du học sinh ngành tiếng Ả Rập tại Qatar hào hứng với World Cup 2022 ảnh 5

Lan Anh và Hương gặp mặt cộng đồng người Việt tại Qatar nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9.

Đi Trung Đông, học tiếng Ả Rập, khám phá thế giới Hồi giáo

“Mình đăng ký ngành Ngôn ngữ Ả Rập chỉ đơn giản vì thấy lạ và rất bất ngờ khi trở thành thủ khoa đầu vào. Lúc đó mình mới bắt đầu tìm hiểu về 22 quốc gia của thế giới Ả Rập và ngày càng thấy nhiều điều thú vị hơn” - Hương tâm sự.

Theo học ngành ngoại ngữ hiếm, chỉ được hai trường đại học tại Việt Nam mở chương trình đào tạo, Lan Anh và Hương có nhiều cơ hội nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Cả hai đều đồng ý rằng thứ gây đau đầu nhất khi học tiếng Ả Rập chính là vốn từ vựng khổng lồ với số lượng từ đồng nghĩa đôi khi lên tới hàng trăm từ.

Trong quá trình theo học tại khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Ả Rập, các sinh viên với điểm tổng kết cao có nhiều lựa chọn đi trao đổi một năm tại các nước thuộc khu vực Trung Đông và Bắc Phi như Ai Cập, Ma-rốc hay Qatar. Theo chương trình học bổng tại Qatar, Lan Anh và Hương được tài trợ vé máy bay khứ hồi, học phí, nơi ăn chốn ở và sinh hoạt phí hàng tháng 500 riyal (~3,2 triệu đồng).

Du học sinh ngành tiếng Ả Rập tại Qatar hào hứng với World Cup 2022 ảnh 6

Lan Anh cùng cô giáo và các bạn trong lớp học tiếng Ả Rập.

Trong học kỳ đầu, hai bạn được luyện rèn kỹ năng ngôn ngữ tại Trung tâm dạy tiếng Ả Rập dành cho người nước ngoài, trực thuộc Trường Nghệ thuật và Khoa học, Đại học Qatar. Bạn cùng lớp là các sinh viên đến từ châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, một số quốc gia châu Âu và Bắc Phi, nhưng nhiều nhất là các bạn Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Lan Anh, điều khác lạ tại đây là các bạn nữ trong lớp thường mặc trang phục che kín cơ thể như Hijab (chỉ hở khuôn mặt) hoặc Niqab (chỉ hở đôi mắt). Còn Hương lại kể về những lần cả lớp đang chăm chú học thì nghe thấy tiếng chuông báo giờ cầu nguyện. Dù không bắt buộc nhưng thỉnh thoảng cô giáo sẽ cho cả lớp nghỉ giữa giờ để các bạn Hồi giáo, vốn chiếm đa số trong lớp, có thể đến phòng cầu nguyện và tiến hành nghi thức thiêng liêng cần thực hành 5 lần/ngày.

Du học sinh ngành tiếng Ả Rập tại Qatar hào hứng với World Cup 2022 ảnh 7

Ngọc Hương và bạn cùng lớp.

Cũng như nhiều du học sinh khác, cả hai trải qua đôi lần sốc văn hoá. Vừa làm quen với thời tiết nắng nóng chói chang như thiêu đốt tại Qatar chưa được bao lâu, cả hai gặp “cửa ải” mang tên đồ ăn. Các món được phục vụ trong căn-tin hầu hết được nấu theo phong cách Ấn Độ với nhiều gia vị cay nồng, thực đơn chủ yếu là đồ chay hoặc không có thịt lợn cũng khiến các cô gái Việt ngao ngán suốt một thời gian. Những khi nhớ hương vị quê nhà, hai bạn thường tìm đến các siêu thị bán đồ Á Đông.

Du học sinh ngành tiếng Ả Rập tại Qatar hào hứng với World Cup 2022 ảnh 8

Lan Anh tại Thư viện Quốc gia Qatar.

“Có lần bạn học nhìn thấy mình đang chơi đùa với một con mèo đen thì lập tức tỏ ra khó chịu, bực bội và tức giận hỏi mình tại sao lại tiếp xúc với quỷ dữ. Hoá ra trong văn hoá Hồi giáo, con mèo đen tượng trưng điềm xấu và ai cũng muốn tránh xa. Mình phải giải thích hồi lâu rằng mình chỉ coi đó như một con vật cưng bình thường và không hề có ý gì xấu gì thì bạn ấy mới dần nguôi ngoai” - Lan Anh nhớ lại.

Những ngày qua, lịch trình của cả hai tất bật, rộn ràng hơn theo trái bóng tròn. Hai cô nàng ấp ủ thực hiện loạt video ngắn để chia sẻ cùng gia đình, bạn bè ở nhà, và quan trọng hơn là đánh dấu những khoảnh khắc của tuổi trẻ. Sau kỳ World Cup đặc biệt nhất trong lịch sử, cả hai cũng rất mong chờ được chứng kiến lễ Ramadan quan trọng của người Hồi giáo vào tháng 4/2023 ngay trên chính mảnh đất Trung Đông này.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Kỳ công phục dựng lồng đèn truyền thống trăm tuổi

Kỳ công phục dựng lồng đèn truyền thống trăm tuổi

SVVN - Trong khi nhiều người trẻ chọn con đường đi tìm cái mới, cái hiện đại để nâng cao đời sống tinh thần của người dân, thì vẫn có những người trẻ chọn hướng quay về với những giá trị xưa cũ của dân tộc: Chị Nguyễn Thị Kim Thủy và anh Nguyễn Hoàng Sơn (cựu sinh viên trường ĐH Kiến trúc TP. HCM), đồng sáng lập cửa hàng quà tặng văn hóa Khởi Đăng Tác Khí (KĐTK).
Chàng trai Hải Phòng kiên trì làm nội dung giáo dục trên TikTok: Không có đường tắt trong dạy và học

Chàng trai Hải Phòng kiên trì làm nội dung giáo dục trên TikTok: Không có đường tắt trong dạy và học

SVVN - Tốt nghiệp trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội, Đặng Quốc Dũng (sinh năm 2000) hiện đang học Thạc sĩ ngành Giảng dạy Ngôn ngữ Anh tại trường Southern New Hampshire. Chàng trai gốc Hải Phòng còn được cộng đồng giáo viên, học sinh biết đến qua kênh TikTok “Dũng Đi Dạy” với những nội dung mang tính giáo dục cao liên quan đến việc dạy và học tiếng Anh.
Hành trình biến ‘giấc mơ nghệ thuật’ trở thành hiện thực của chàng trai từng nặng 100kg

Hành trình biến ‘giấc mơ nghệ thuật’ trở thành hiện thực của chàng trai từng nặng 100kg

SVVN - Từng là nạn nhân của body shaming, bị bạn bè “chê bai, dè bỉu”, chàng trai Nolan với thân hình quá khổ, mang trong mình ước mơ nghệ thuật đã quyết tâm thay đổi, “lột xác” để theo đuổi ước mơ. Bên cạnh đó là những khó khăn vô cùng khác, nhưng cũng không thể “dập tắt” niềm đam mê nghệ thuật của bản thân Nolan.
Áp lực tạo nên kim cương - Hành trình trở mình từ ‘viên ngọc thô’ của nam MC gốc Huế

Áp lực tạo nên kim cương - Hành trình trở mình từ ‘viên ngọc thô’ của nam MC gốc Huế

SVVN - Nguyễn Minh Hiếu - cựu sinh viên điển trai trường ĐH Công nghiệp Hà Nội - là gương mặt MC sự kiện quen thuộc trong cộng đồng MC Hà thành. Ít ai biết rằng, để đạt được những thành công như ngày hôm nay, Minh Hiếu đã phải đối mặt với muôn vàn áp lực, từ đó nỗ lực thay đổi và ghi dấu ấn trong lòng khán giả, trở thành MC/BTV của VTC News.