Tết ngủ cả ngày ở phòng, Tết vẫn đi làm thêm, thậm chí Tết chỉ có thể đón bù vào ngày nghỉ cuối tuần… Đó là những câu chuyện không quá xa lạ đối với các du học sinh Việt Nam tại nước ngoài.
“Nhịn… Tết!”
“Mình nhớ gia đình và mọi người ở Việt Nam lắm chứ. Nhưng vì sự an toàn cũng như sức khoẻ của bản thân, tốt nhất nên đón Tết ở nơi đất khách quê người một mình vậy..." - Jang Hongan chia sẻ.
Ân chia sẻ: “Mình biết là sẽ có nhiều bạn nhớ gia đình, nhớ người thân, muốn được về Việt Nam đón Tết. Nhưng vì dịch bệnh nên nếu về được cũng sẽ có thể ảnh hưởng đến gia đình. Do đó, chúng ta nên chịu khó ‘nhịn’ trong một năm thôi, tự bảo vệ sức khỏe và bản thân thật tốt trước đại dịch. Như vậy thì gia đình cũng bớt lo lắng và yên tâm đón Tết hơn.”
Theo chia sẻ của Ân, thường thì ở Hàn Quốc có hai lễ Tết lớn là Tết Trung thu và Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, Tết Trung thu ở đây thường được tổ chức lớn hơn, còn Tết Nguyên đán thì chỉ dành ra ba ngày là 30 Tết, mùng 1 và mùng 2.
Bên cạnh đó, văn hóa đón Tết riêng của người Hàn cũng khiến không khí Tết ở đây khác hẳn so với Việt Nam. Không khí đón Tết Việt mới luôn là điều mà Ân và các bạn du học sinh khác nhớ nhất. Còn đối với Tết ở Hàn Quốc, theo cảm nhận của chàng du học sinh này, chỉ có thể coi là cái Tết trên danh nghĩa, vốn không thể so sánh.
“Thường thì vào 30 Tết hay mùng 1, các bạn du học sinh ở đây vẫn đi làm thêm. Do vậy rất khó để đón Tết chung. Còn nếu có cơ hội, chúng mình sẽ ở lại nhà nấu ăn với nhau bằng một bữa tiệc nhỏ, may mắn thì sẽ có bánh chưng, giò chả, chứ không có lì xì hay chúc Tết gì cả.
Ngoài ra, ảnh hưởng của giãn cách xã hội tại Hàn hiện nay cũng tạo ra khó khăn cho các du học sinh về việc làm thêm, nhiều bạn đã thất nghiệp hoặc phải làm cả các công việc vất vả khác để có tiền chi trả sinh hoạt phí.” - Hồng Ân chia sẻ thêm.
“Đường về nhà là vào tim ta…”
Martini Tran tên đầy đủ là Trần Thanh Mai, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, hiện cô nàng này đã nhận bằng Thạc sĩ chuyên ngành Kinh doanh Kỹ thuật số (Digital Business) và đang làm việc trong một công ty khởi nghiệp tại Anh. Qua Pháp du học đến nay đã được 6 năm, nhưng Mai chưa lần nào được về đón Tết cùng gia đình. Bởi lẽ, Tết Nguyên đán ở Pháp không được coi là ngày lễ, do vậy Tết không hề được nghỉ.
“Là du học sinh tại nước ngoài thì lúc nào mình và các bạn cũng đều cảm thấy tủi thân mỗi khi Tết đến.” - Martini Tran chia sẻ.
Trong những năm đầu sang Pháp du học, vì học hành bận rộn và bạn bè hầu hết là người Pháp từng học cùng trường mà mình đã không tổ chức đón Tết được nhiều. Sau khi có cơ hội mở rộng kết nối với cộng đồng người Việt bên này, cũng như hội sinh viên Việt Nam tại Pháp, mình đã bớt cảm thấy nhớ nhà hơn.” - Mai chia sẻ.
Theo chia sẻ của Mai, vào dịp Tết Nguyên đán, các du học sinh bên này có thể tụ tập cùng nhau nấu những món ăn Việt Nam, hoặc ngồi lại với nhau xem những MV Tết hay cùng hát các ca khúc Tết Việt để bớt thấy tủi thân hơn. Thế nhưng, không biết có bớt tủi thân hơn không mà xem MV nhạc Tết xong ai nấy đều khóc nức nở vì nhớ nhà. Trong những lúc như này, đường về nhà chỉ có thể là đường cảm xúc dẫn đến trái tim mỗi người trẻ xa quê.
“Vốn là mình đã định về Việt Nam từ tháng 12 năm trước nhưng vì dịch nên đành hoãn lại. Đến nay cũng đã hơn một năm rồi chưa về thăm nhà. Thường mình sẽ về Việt Nam vào mùa hè hơn là Tết. Bởi lẽ, chuyến bay rất dài, mà mình thì lại muốn khi về có nhiều thời gian cho gia đình và bạn bè hơn. Do vậy, mỗi năm mình thường về một lần vào dịp hè.
Mặt khác, do Tết Nguyên đán ở Châu Âu không được nghỉ nên mình vốn không thể về nước dịp Tết. Thậm chí là 30 Tết vẫn phải đi làm như thường, đến cuối tuần chúng mình được nghỉ mới có thể đón Tết cùng nhau.” - Mai chia sẻ thêm.
Chia sẻ về cuộc sống hiện tại của mình tại Paris, Mai cho biết: Hiện ở đây chưa thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên có thực hiện giờ giới nghiêm, sau 18h thì các cửa hàng đều phải đóng cửa, tất cả mọi người sẽ không được đi ra ngoài trừ trường hợp có lý do thích đáng. Đồng thời, mọi người cũng không được tụ tập trên 6 người. Chính những hạn chế này đã khiến cho không khí đón Tết của du học sinh Việt năm nay trở nên nặng nề hơn.
Theo chia sẻ của Mai, từ sau khi chuyển qua sinh sống tại quận 13 (nơi được gọi là quận Châu Á), Mai đã có thể thuận tiện đi chợ để mua sắm những món đồ mang không khí Tết gần gũi như bánh chưng và mứt Tết. Tuy nhiên, hiện tại Mai đang phải chuẩn bị chuyển qua Anh sinh sống, ngày chuyển nhà vào đúng dịp Tết. Vậy nên năm nay sẽ không thể đón Tết cùng bạn bè tại Pháp được.
Qua hai câu chuyện trên có thể thấy rằng, tuy mỗi du học sinh Việt ở mỗi nước sẽ có những cách đón Tết Nguyên đán khác nhau. Nhưng tựu chung lại, không khí đón Tết cổ truyền vẫn là điểm chung lớn nhất giúp tất cả người trẻ xa quê có thể cảm nhận được một năm mới đang cận kề.