Lần đầu đón Tết Nguyên đán xa nhà
Mới sang Phần Lan du học được khoảng ba tháng, đây là năm đầu tiên mà Trần Bùi Phương Nhi (năm thứ hai, trường Tampere University of Applied Sciences) đón Tết Nguyên đán xa nhà. Cô bày tỏ: “Ở đây, mùa này tuyết rơi nhiều và nhiệt độ xuống rất thấp. Mình cảm thấy buồn, nhớ cái nắng ấm của Gia Lai và nhớ gia đình nhiều lắm. Đây cũng là năm đầu tiên ba mẹ mình đón Tết mà vắng đi hai con gái”.
Tuy vậy, việc học tập và công việc của Phương Nhi vẫn diễn ra bình thường vì Phần Lan không đón Tết Âm lịch. Thay vì bị lấp đầy bởi cảm xúc tiêu cực, cô đã dành thời gian của bản thân để trải nghiệm những hoạt động vui chơi, đón Tết với bạn bè thân thiết. Phương Nhi cho biết, tại thời điểm này, các du học sinh Việt Nam ở Phần Lan thường có hoạt động nấu bánh chưng. Nhưng vì khá bận rộn nên cô chưa có cơ hội tham gia.
Với Phương Nhi, các hoạt động cộng đồng và các trải nghiệm như thế này giúp cô hòa nhập với môi trường mới dễ dàng hơn. |
Thay vào đó, Phương Nhi cùng các bạn tổ chức bữa cơm tất niên với những món ăn truyền thống như: bánh chưng, củ kiệu, thịt kho trứng, nem chả, bò kho... Cô chia sẻ: “Mặc dù hương vị món ăn chỉ bằng 70 - 80% hương vị quê hương nhưng như vậy đã đủ thỏa mãn nỗi nhớ nhà của một người con xa xứ như mình”.
Sau khi cùng ăn bữa cơm giao thừa thì Phương Nhi cùng các du học sinh Việt Nam chúc Tết lẫn nhau và cùng nhau trò chuyện, chơi các trò chơi. Cô bộc bạch: “Không khí đón Tết ở đây cũng khá rộn ràng. Được cùng mọi người tham gia các hoạt động đó khiến mình rất vui vẻ, thoải mái. Thông qua các cộng đồng và các trải nghiệm như thế này, du học sinh như mình có thể dễ hòa nhập với môi trường mới hơn”.
Bên cạnh sự sẻ chia với bạn bè, việc nhận được những tin nhắn, cuộc gọi chúc mừng năm mới của gia đình, bạn bè ở Việt Nam cũng khiến cái Tết nơi xứ người của Phương Nhi thêm phần ấm áp, hạnh phúc.
Tết Nguyên đán khác biệt ở xứ người
Lần đầu tiên đón Tết Âm lịch xa nhà, Trần Thúy Hà (năm thứ nhất, trường ĐH Qwangju, Hàn Quốc) cảm thấy khá bỡ ngỡ với không khí ở nước bạn. Cô giãi bày: “Với mình, Tết ở Hàn Quốc có khá nhiều khác biệt so với ở Việt Nam, từ không khí, cách trang hoàng đường phố đến những hoạt động văn hóa. Không khí Tết ở đây không mấy sôi nổi và khá đơn điệu. Sự xa lạ đó khiến mình nhớ Tết ở Việt Nam và nhớ gia đình rất nhiều”.
Dạo phố với bạn bè vào dịp Tết Nguyên Đán, Thúy Hà đã chụp được nhiều bức hình ưng ý. |
Những ngày nghỉ này, Thúy Hà đã cùng những người bạn thân thiết dạo phố, cùng nhau ăn bữa cơm tất niên và tổ chức những trò chơi nho nhỏ để hâm nóng bầu không khí. Cô bày tỏ: “Dù không được thưởng thức những món đặc sản Tết tại Việt Nam nhưng việc được cùng nhau đùa vui, trò chuyện đã giúp chúng mình vơi đi phần nào nỗi buồn xa xứ. Mình cảm thấy may mắn nhiều hơn vì trong thời khắc Giao thừa, mình vẫn có những người bạn bên cạnh để sẻ chia vui buồn”.
Mặc dù đã đón Tết lần thứ hai tại Hàn Quốc nhưng Nguyễn Hoàng Anh Vũ (năm thứ hai, Viện Giáo dục Ngôn ngữ, trường ĐH Yeungnam) vẫn cảm thấy lạc lõng. Cậu chia sẻ: “Vào dịp Tết Nguyên đán năm ngoái, mình cùng bạn bè tụ tập đón Tết cùng nhau nên nỗi nhớ gia đình được vơi đi ít nhiều. Nhưng năm nay, vì mỗi người đều có việc riêng nên mình phải tự đón Giao thừa một mình ở phòng. Nhìn mọi người đăng ảnh đoàn viên lên Facebook mà mình càng nhớ nhà và tủi thân”.
Anh Vũ đoạt giải Nhất và tham gia buổi lễ trao giải của "Cuộc thi làm video về cuộc sống của du học sinh" do Hội Người Việt Nam tổ chức. |
Thế nhưng, nhờ đoạt giải Nhất và tham gia buổi lễ trao giải của “Cuộc thi làm video về cuộc sống của du học sinh” do Hội Người Việt Nam tổ chức, Anh Vũ đã có cơ hội trải nghiệm một không khí Tết sôi động hơn, “Việt Nam” hơn. Trong buổi trao giải hôm đó, cậu cùng các bạn du học sinh Việt Nam được tự tay trang trí không gian Tết cổ truyền, chụp ảnh, tặng nhau bánh chưng, bánh giò... Anh Vũ chia sẻ: “Trải nghiệm này khiến mình thấy ấm áp và vui vẻ hơn rất nhiều. Mình cảm nhận được không khí Tết tại quê hương và không còn cảm thấy cô đơn nữa”.