Du lịch tâm linh nở rộ

TP - Nắm bắt nhu cầu du xuân kết hợp với chiêm bái của du khách, các gói du lịch tâm linh được doanh nghiệp lữ hành tung ra. Bên cạnh những lễ hội lớn đông đúc, nhiều du khách lựa chọn nhiều ngôi chùa vắng vẻ, có phong cảnh đẹp.

Một số tua du lịch tâm linh khởi hành từ Hà Nội và TPHCM trong ngày được săn đón nhiều nhất. Cụ thể, với tua khởi hành từ Hà Nội đi chùa Tam Chúc - chùa Địa Tạng Phi Lai (Hà Nam) có giá 550.000-590.000 đồng/ người, tua Hà Nội đi Yên Tử - chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) dao động từ 600.000-950.000 đồng/ người, tua khởi hành từ TPHCM đi lễ Núi Bà Đen (Tây Ninh) có giá 750.000 đồng/ người...

Doanh nghiệp du lịch lữ hành sớm chuẩn bị phương án đón khách. Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị và truyền thông Cty lữ hành Vietluxtour cho hay, sau Tết là quãng thời gian thuận lợi cho việc hành hương, lễ hội kết hợp du lịch. “Với khách nội địa, họ thường chọn các tua nghỉ dưỡng, hành hương, viếng thăm các thắng cảnh Phật giáo trong và ngoài nước, vừa tham quan kết hợp lễ chùa và dự lễ hội”, bà Trần Thị Bảo Thu nói.

Du lịch tâm linh nở rộ ảnh 1

Địa tạng Phi Lai tự (Hà Nam) hút khách dịp đầu xuân năm mới

Nhiều khách ưa thích các tua ngắn ngày với giá tua hợp lý. Khách đặt tua sau Tết khá sớm, nhiều tua “chốt” lịch từ cuối năm 2023. Phần lớn khách đặt tua dịp này là Việt kiều. “So với cùng kỳ năm trước, lượng khách nội địa thời điểm này tăng khoảng 15-20%. Khách đến TPHCM kết hợp du xuân, thăm viếng các thắng cảnh chùa có xu hướng tăng nhẹ. Đa số khách chọn tham quan thành phố kết hợp khám phá miền Tây, miền Đông, Đà Lạt”, bà Trần Thị Bảo Thu nêu.

Sự hòa quyện giữa lễ hội và du lịch

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, các lễ hội cần phát huy được các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, tinh thần của người dân, cần tập trung thu hút và tăng lượng khách để đóng góp tích cực vào kết quả kinh tế. Lãnh đạo Bộ VHTTDL cho rằng, sự kết hợp giữa văn hóa và du lịch được kỳ vọng sẽ là bệ phóng cho ngành du lịch đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2024.

Chị Trần Ngọc Hà (40 tuổi, Hà Nội) đặt tua đi chùa Tam Chúc, Địa Tạng Phi Lai tự (Hà Nam) cho cả gia đình. "Những năm trước, gia đình tôi lựa chọn các lễ hội lớn nhưng khá mệt vì đông đúc và phải đợi chờ. Năm nay, chúng tôi lựa chọn địa điểm vắng khách có phong cảnh đẹp để vừa vãn cảnh, chụp ảnh mà vẫn có thể hành hương chiêm bái. Thời điểm đầu xuân đi lễ, tôi cầu mong gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, mọi sự hanh thông", chị Ngọc Hà chia sẻ.

Do nhu cầu trẩy hội, chiêm bái đầu năm tăng cao, các khu di tích, chùa chiền... đón lượng lớn du khách. Thống kê từ 10-18/2 (từ mùng 1 đến mùng 9 Tết Giáp Thìn), khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh) đón lượng khách du xuân, chiêm bái lễ Phật là 138.000 lượt, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Từ 7-18/2 tức (28 tháng Chạp đến hết ngày mùng 9 Tết), khu du lịch núi Bà Đen (Tây Ninh) đón gần 1,3 triệu lượt khách đi cáp treo lên núi Bà Đen, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngăn chặn biến tướng

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó chủ tịch CLB Du lịch Thủ đô nhấn mạnh, có đến 60-70% tua nội địa trong tháng Giêng của các công ty thành viên CLB Du lịch Thủ đô là tua du lịch tâm linh. Các tua này tập trung giới thiệu đến du khách các ngôi chùa có phong cảnh đẹp thích hợp để vừa vãn cảnh, du xuân vừa đáp ứng được nhu cầu hành hương, chiêm bái của người dân.

Du lịch tâm linh nở rộ ảnh 2

Du khách tìm kiếm tua du lịch tâm linh đầu xuân với mong muốn chiêm bái mà không đặt nặng cầu cúng

Trong nước, các địa điểm như chùa Tam Chúc, Địa Tạng Phi Lai tự (Hà Nam), khu di tích Yên Tử, chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), núi Bà Đen (Tây Ninh)... là các địa điểm được săn đón nhất. Đối với du khách có nhu cầu du xuân, chiêm bái ở nước ngoài, các ngôi chùa ở Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar... là lựa chọn hàng đầu.

“Sau dịch, người dân vẫn có tâm lý e ngại đám đông nên người dân không còn đổ xô về các lễ hội đông người như trước. Có lẽ việc đi lễ đầu năm không còn mang nặng tính tâm linh, cầu cúng. Vì vậy, du khách ưu tiên chọn những ngôi chùa vắng vẻ, có phong cảnh đẹp, dễ di chuyển... cho chuyến du xuân”, ông Nguyễn Tiến Đạt nêu.

Phó chủ tịch CLB Du lịch Thủ đô cho biết, du lịch tâm linh ở Việt Nam hiện chia làm ba loại hình chính, gồm trẩy hội đầu năm, check-in điểm đến và lễ bái. Một ngách khác kén khách đang hình thành là tua tâm linh chuyên sâu, nhắm đến khách tu tập, yêu cầu hướng dẫn viên có chuyên môn rất cao về Phật giáo.

“Các công ty muốn tổ chức các tua chuyên sâu về tâm linh đòi hỏi người đứng đầu, nhân sự công ty có sự hiểu biết về Phật giáo, đồng thời có sự liên kết chặt chẽ với các chùa để tổ chức những buổi tìm hiểu về Phật pháp hoặc các khóa tu ngắn hạn cho du khách. Loại hình du lịch chuyên sâu có chất lượng cao nhưng lại khó thực hiện do cung không gặp cầu”, Phó chủ tịch CLB Du lịch Thủ đô nêu.

Các chuyên gia du lịch nhấn mạnh, việc xây dựng dòng sản phẩm du lịch tâm linh là hoạt động quan trọng nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, việc khai thác du lịch tâm linh sao cho hiệu quả về mặt kinh tế và không "biến tướng", "thương mại hóa" là điều quan trọng.