Dự thảo Đề án đào tạo chương trình 9 + 5: Nhiều điểm chưa hợp lý

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều chuyên gia nhận định, chương trình đào tạo 9+5 đối với học sinh tốt nghiệp THCS là khó khả thi (ảnh chụp trước ngày 27/4). Ảnh: Diệp An
Nhiều chuyên gia nhận định, chương trình đào tạo 9+5 đối với học sinh tốt nghiệp THCS là khó khả thi (ảnh chụp trước ngày 27/4). Ảnh: Diệp An
TP - Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố dự thảo Đề án Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (chương trình 9+5) với 10 ngành nghề trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật và dịch vụ, với khoảng 4.000 chỉ tiêu. Theo các chuyên gia, có nhiều điểm chưa hợp lý.

Xu hướng bằng cấp

Mô hình có cấu trúc 5 năm, chia 3 giai đoạn, tương ứng với trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng. Trong thời gian đó, người học được học kiến thức văn hóa THPT song song với kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện thí điểm các chương trình 9+ hiện nay nhận nhiều luồng ý kiến trái chiều. TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục ĐH, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nói rằng, dự thảo Đề án đưa ra khung thời gian hợp lý hơn cho hệ đào tạo này.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất là vẫn thể hiện xu hướng về bằng cấp, chưa hướng đến vấn đề năng lực của người lao động sau khi tốt nghiệp, chưa đưa ra giải pháp để hình thành năng lực tốt hơn cho người lao động, giúp họ có lợi thế trong thị trường lao động so với những người học chương trình khác.

“Dự thảo đề án vẫn tập trung kích thích tâm lý về văn bằng cho người học, khi các em học xong với tấm bằng tốt nghiệp THPT và bằng cao đẳng thì có thể học liên thông lên ĐH”. TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục ĐH

Ông Phương còn chỉ ra những bất cập trong việc phân bố thời gian học. Cụ thể, chương trình thiết kế dự kiến kéo dài 5 năm đối với học sinh tốt nghiệp THCS nhưng không lý giải được dành tới 2 năm học sơ cấp để làm gì. Giai đoạn 2 là hệ trung cấp lại ôm quá nhiều khi chỉ có 1 năm nhưng học cả kiến thức nghề và THPT. Giai đoạn 3 là học cao đẳng và học kiến thức giáo dục thường xuyên để thi lấy bằng tốt nghiệp THPT.

Theo ông, đây cũng sẽ là bài toán khó vì hướng đến văn bằng nên mới sinh ra câu chuyện học kiến thức THPT hệ giáo dục thường xuyên. Ông lo ngại liệu có ổn khi học sinh mất 3 năm để học sơ cấp, trung cấp và 7 môn văn hóa; đến khi học cao đẳng lại phải học kiến thức văn hóa hệ giáo dục thường xuyên.

“Người xây dựng dự thảo đề án đã không nhìn thấy được tính logic trong từng giai đoạn trong mô hình này. Đồng thời họ cũng không chứng minh được chương trình 9+5 khác gì so với chương trình đào tạo sơ cấp, trung cấp bình thường nếu học theo chuỗi. Nhìn kỹ lại, dự thảo đề án vẫn tập trung kích thích tâm lý về văn bằng cho người học, khi các em học xong với tấm bằng tốt nghiệp THPT và bằng cao đẳng thì có thể học liên thông lên ĐH”, ông Phương nói.

Cần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Theo TS Lê Đông Phương, dự thảo đề án chỉ căn cứ vào Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Giáo dục nghề nghiệp, còn Luật Giáo dục không được đưa vào. Theo quy định hiện hành, phần giáo dục thường xuyên phải do Bộ GD&ĐT quản lý.

TS Hoàng Công Dụng, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực - Bộ GD&ĐT, cho rằng, cần áp dụng các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, chứ không phải đi tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo chương trình giáo dục phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, cần tăng cường đầu tư trang thiết bị, phối hợp doanh nghiệp nâng cao chất lượng thực hành, thực tập, đội ngũ để ngay sau khi tốt nghiệp, học viên, học sinh có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động

Dự thảo Đề án đưa ra yêu cầu người học phải đạt được hai chuẩn đầu ra. Đó là chuẩn của giáo dục nghề nghiệp và chuẩn của giáo dục phổ thông nếu theo học 5 năm.

“Với thực tế đối tượng học sinh sẽ theo học nghề sau khi tốt nghiệp THCS như hiện nay để đạt được mỗi chuẩn này, chúng ta cũng phải rất vất vả và khó khăn. Nếu người học đạt cả hai chuẩn là điều vô cùng lý tưởng nhưng tôi chưa dám nghĩ đến tỷ lệ đạt là bao nhiêu. Vì đó là điều rất khó khả thi”, ông Dụng nhận định.

MỚI - NÓNG