Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, buổi công diễn các đồ án tốt nghiệp “BAK22TT Graduation Fashion Show” phải dời sang tận tháng Bảy. 11 bộ sưu tập với hơn 40 mẫu trang phục được thực hiện để lại nhiều ấn tượng với Hội đồng đánh giá, các nhà thiết kế và bạn trẻ yêu thời trang tại TP. HCM.
Từ hiện tượng tự nhiên đến nhân vật văn học
Lấy ý tưởng từ vụ cháy rừng lớn nhất ở nước Úc, Võ Đức Thịnh thực hiện bộ sưu tập chủ đề “Australia - The Flow Of Time” thể hiện 4 giai đoạn: trước, trong và tàn tích lẫn hồi sinh. Các thiết kế mang phong cách thập niên 80 với điểm nhấn là cầu vai rộng, dáng suôn kết hợp với đính kết, thêu, đắp ren…
Sinh viên Trần Nữ Kiều Trinh lựa chọn thực hiện đồ án với ý tưởng là những ảnh chụp các cửa sông nhìn từ trên cao. Trang phục thể hiện các con sông đang đổ ra biển, với giải pháp cấu trúc đối xứng và bất đối xứng. Màu xanh chủ đạo chuyển sắc từ đậm sang nhạt kết hợp xử lý bề mặt vải tạo hiệu ứng những dòng chảy uốn khúc, đan xen giữa các phần đất liền, bao bọc các cù lao.
Được Hội đồng đánh giá đồ án khen ngợi khi lựa chọn chất liệu trong văn học để thể hiện trên trang phục, sinh viên Lê Thị Xuân tâm sự: “Là người yêu thích những giá trị truyền thống và nền văn học Việt Nam, mình muốn làm một điều gì đó để kết nối văn học với thời trang. Nghe thì có vẻ 2 mảng này không liên quan nhiều đến nhau”.
Theo Xuân, khi chọn khai thác hình tượng nhân vật văn học, Xuân gặp khó khăn lớn nhất là phải nghiên cứu kỹ các tư liệu và khéo léo biến chúng thành các thiết kế phù hợp để tránh đi ngược lại với giá trị, ý nghĩa của nhân vật nói riêng và tác phẩm văn học nói chung.
Bộ sưu tập của Xuân vì vậy cũng có cái tên đậm chất văn “Ấy ai một chút, đèo bồng xuýt xoa?”, tập trung khai thác những sự kiện xảy ra trong cuộc đời và nội tâm của nhân vật Thị Mịch trong tiểu thuyết Giông tố của nhà văn Vũ Trọng Phụng: Từ một thiếu nữ trong sáng đến khi gặp biến cố và trở thành một thiếu phụ phong lưu, ảo tưởng…
Nhà thiết kế Lê Thanh Hòa, thành viên hội đồng đánh giá đồ án, nhận xét: “Nhiều bộ sưu tập có ý tưởng hay như lấy cảm hứng từ tổ ong, nhân vật văn học, những ký ức, tình cảm dành cho người bà. Hầu hết các tác phẩm có sự nghiên cứu kỹ, chân thật, thể hiện được góc nhìn của bạn trẻ và mang dấu ấn cá nhân rất rõ”.
Hài hòa giữa tính nghệ thuật và ứng dụng
Nổi bật trong các thiết kế có bộ sưu tập MINIHIVE của sinh viên Nguyễn Thúy Phương. Bộ sưu tập lấy cảm hứng từ tổ ong, ứng dụng kỹ thuật rập và xử lý bề mặt để tạo kết cấu lục giác đặc trưng của tổ ong. Thúy Phương cũng được Hội đồng đánh giá rất cao và xuất sắc trở thành thủ khoa của đợt bảo vệ đồ án lần này.
Thúy Phương cho biết: “Điểm khó nhất khi thực hiện đồ án là phải chọn chất liệu vừa có độ óng ánh, vừa cứng cáp để mô tả được cấu trúc vững chắc của tổ ong. Các loại vải thông thường không thể hiện được điều đó. Mình nhắm đến chọn vải tơ tằm tự nhiên nhưng loại này có rất ít màu sắc nên phải tốn rất nhiều thời gian mới chọn được vải ưng ý”.
Theo Tiến sĩ Mã Thanh Cao, Chủ tịch Hội đồng đánh giá đồ án, các cấu trúc sáp ong hình lục giác đã trở thành điểm nhấn của trang phục. Người thiết kế đã biết chọn màu sắc, toát lên sự đơn giản nhưng đẹp về kiểu dáng, nhìn tổng thể hài hòa và kỹ thuật may tốt chứng tỏ một quá trình thực hiện kỹ lưỡng.
Trong khi đó, lấy những trải nghiệm thực tế của bản thân khi bị chứng mù đêm (quáng gà), sinh viên Bùi Nguyễn Xuân Thanh cho ra đời bộ sưu tập “Nyctalopia”. Các thiết kế thể hiện 4 biểu hiện cơ bản: thu hẹp tầm nhìn, phân lớp ánh sáng, không nhìn rõ màu và xuất hiện các viền sáng. Đề tài thể hiện một góc nhìn lạ đối với hình ảnh thành phố về đêm, con người, ánh sáng từ các phương tiện giao thông và các biển quảng cáo.
Nhà thiết kế Đào Lê Diệu Anh (thành viên Hội đồng đánh giá) nhận định: “Xuân Thanh đã truyền tải những trải nghiệm của bản thân vào sản phẩm rất tốt, thấy được sự cân bằng giữa yếu tố thời trang - nghệ thuật và tính ứng dụng”.
Bộ sưu tập khiến người xem xúc động nhất mang tên “Bà Hoa mô-đen” của bạn Ngô Gia Hân, lấy cảm hứng từ chính những bộ đồ thời trang mà bà nội Hân thường mặc ngày xưa. Gia Hân cho biết: “Mình muốn giữ lại những hình ảnh đẹp về bà. Ngày trước, nhiều trang phục bà mặc là do chính tay bà lên ý tưởng và may. Nhìn rất ấn tượng và thời trang”. Khi thực hiện bộ sưu tập, ngoài gặp khó khăn vì hình ảnh về bà không còn nhiều, Gia Hân luôn phải tự nhắc bản thân kiềm chế cảm xúc mỗi lúc nhớ về bà do bà đã mất khi Hân học năm thứ ba đại học.