Đưa môn Văn vào xét tuyển ngành sức khỏe: Nghề Y cũng cần kiến thức xã hội?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những năm trước, một số trường đại học (ĐH) đã đưa môn Lý, môn Ngoại ngữ vào tổ hợp xét tuyển vào ngành Y khoa (bác sĩ đa khoa) để loại bỏ môn Sinh học. Năm nay, đến lượt môn Văn thay thế môn Sinh.

Năm 2022, Trường ĐH Y dược Thái Bình, Trường ĐH Y dược Thái Nguyên tổ chức xét tuyển ngành Y khoa có sử dụng tổ hợp không có môn Sinh học (môn học truyền thống của ngành Y từ xưa đến nay). Bên cạnh tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh truyền thống), Trường sử dụng thêm các tổ hợp A00 (Toán, Hóa, Lý), D07 (Toán, Hóa, Anh).

Đưa môn Văn vào xét tuyển ngành sức khỏe: Nghề Y cũng cần kiến thức xã hội? ảnh 1

TS Lê Đình Tùng (người ngồi bên phải), Trường ĐH Y Hà Nội đang tư vấn tuyển sinh cho thí sinh năm 2023 Ảnh: Nghiêm Huê

Trước đó, Học viện Quân y, Trường ĐH Y dược Hải Phòng đã xét tuyển tổ hợp A00 đối với ngành Y đa khoa.

Năm nay, Trường ĐH Văn Lang vừa thông báo xét tuyển ngành Y khoa có 2 tổ hợp không có môn Sinh học là A00 và tổ hợp mới có sử dụng môn Ngữ văn là D12 (Ngữ văn, Hóa học, tiếng Anh). Ngoài ra Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) và Trường ĐH Tân Tạo (Long An) sử dụng tổ hợp có môn Ngữ văn để xét tuyển là B03 (Toán học, Ngữ văn, Sinh học) trong phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường ĐH Duy Tân thêm tổ hợp A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn) để xét tuyển ngành Y khoa bên cạnh các tổ hợp B00, D90 (Toán, Khoa học Tự nhiên, tiếng Anh) và D08 (Toán, Anh, Sinh học).

Việc một số trường ĐH đưa môn Ngữ văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y khoa đã khiến dư luận dậy sóng. TS Phạm Hiệp, Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Giáo dục EdLab Asia cho rằng yêu cầu chuẩn đầu vào của các ngành nói chung và ngành Y nói riêng như thế nào cần nhìn từ chuẩn đầu ra. Với ngành Y, nếu mục tiêu đào tạo có yêu cầu năng lực môn Ngữ văn thì việc xét tuyển là hợp lý. Chia sẻ với báo chí, đại diện Trường ĐH Duy Tân cho rằng các bệnh viện mong tuyển được bác sĩ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn biết cảm thông, chia sẻ với người bệnh.

Lê Hữu Hiếu, sinh viên năm cuối ngành Y khoa, Trường ĐH Y dược TPHCM cho biết khi vào trường Y, có thể chia môn học thành 2 nhóm chính: các môn cơ sở và môn chuyên ngành. “Để việc học hiệu quả và có năng lực chuyên môn giỏi thì mọi môn học đều quan trọng. Do đó các kĩ năng đọc hiểu, phân tích, tổng hợp thông tin và ghi nhớ đóng vai trò nền tảng cho việc học Y khoa. Ngoài ra năng lực ngoại ngữ và kĩ năng tìm kiếm thông tin cũng rất hữu ích cho việc học”, Hiếu nói.

Đồng thời cho biết môn Sinh rất quan trọng đối với ngành Y khoa. Đây là một ngành khoa học sức khỏe, nghiên cứu về sự sống của con người, do đó cần nền tảng vững chắc từ môn Sinh học vốn là môn khoa học về sự sống. “Người có mong muốn theo đuổi ngành Y khoa nên tìm phương pháp để học tốt môn Sinh học, điều này sẽ tạo nhiều thuận lợi cho học kiến thức các môn Y khoa cũng như có niềm đam mê về khoa học sự sống, từ đó có thể trở thành một bác sĩ giỏi toàn diện”, Hiếu nhận định sau gần 6 năm học Y khoa.

GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội khẳng định thêm những năng lực ngành Y khoa cần đầu vào ở người học để có thể theo học suốt quãng thời gian có thể là 6 năm, 8 năm và có thể là 9 năm liên tục cũng như học tập cập nhật suốt đời gồm: năng lực tiếp thu khối lượng lớn kiến thức; năng lực học tập liên tục với cường độ cao; năng lực bền bỉ, kiên nhẫn; năng lực sáng tạo; năng lực chịu đựng áp lực, vất vả. Các kiến thức nền tảng kiến thức người học cần phải có là khoa học tự nhiên quan trọng nhất, nhưng cũng cần có kiến thức khoa học xã hội vì nghề Y vốn là sự kết hợp giữa hai nền tảng kiến thức này.

Là cơ sở đào tạo Y khoa lâu đời và lớn nhất Việt Nam, từ trước đến nay, Trường ĐH Y Hà Nội chỉ xét tuyển duy nhất 1 tổ hợp đối với ngành Y khoa là B00. GS. TS Nguyễn Hữu Tú khẳng định khi nào không còn còn kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển nữa thì Trường mới đưa ra tổ hợp xét tuyển lại.

MỚI - NÓNG