Theo thói quen nghề, tôi đứng lại quan sát xem thực hư câu chuyện này thế nào.
Sau khoảng 15 phút, có 3 chuyến xe chở đồ từ thiện ghé đến. Và cảnh tượng trước mắt tôi rất hỗn độn. Những người trong trang phục những người lao động nghèo khổ chạy ùa tới, chen lấn để giành giật được những phần quà. Chính những người phát quà cũng ngạc nhiên, hốt hoảng trước cảnh tượng này và chỉ kịp ú ớ kêu mọi người trật tự, xếp hàng nhưng nào có được.
Những chuyến xe sau chở quà, gạo và nhu yếu phẩm tới thì cảnh tượng cũng y như vậy.
Tôi quan sát thêm thì thấy có những nhóm người với tinh thần nhận đồ "rất chuyên nghiệp", chuẩn bị cả bao tải khi có đoàn tới là ra hiệu cho nhóm mình cùng ra lấy đồ. Và khi giành giật xong thì họ chạy vào hẻm cất. Lát sau họ quay ra ngoài ngồi vỉa hè với dáng vẻ mệt mỏi, khắc khổ như đang chờ đợi, hy vọng. Tôi còn thấy có nhóm trong khi đợi những đoàn phát quà đã mang bia lon trong bọc ra được ngụy trang kín, ngồi uống giải khát trong lúc rảnh rỗi đợi đoàn phát quà (!).
Tôi chắc rằng, trong số những người đến giành giật quà khi các đoàn từ thiện đến phát không có bao nhiêu những người lao động đang khó khăn thực sự. Bởi tôi biết họ là những người rất tự trọng kể cả trong những lúc họ đang rất cần sự giúp đỡ.
Để tặng quà cho những người bán vé số bị ảnh hưởng của việc tạm dừng phát hành vé số trong 2 tuần vào ngày 31/3, những bạn trẻ thuộc Hội tình nguyện Gió Yêu Thương đã khảo sát rất kỹ những hoàn cảnh cần trao quà và có kế hoạch phù hợp. (Ảnh: Nguyễn Anh)
Một bạn trong Hội tình nguyện Gió Yêu Thương khi biết câu chuyện tôi kể cũng buồn tâm sự: "Nhóm mình cũng bị vài lần như vậy trong những chương trình phát quà cho người lang thang, cơ nhỡ. Và sau này, tụi mình đã bỏ hẳn, mặc dù những chương trình hết sức ý nghĩa và nhân vă, nếu trao đúng được người cần".
Còn cô giáo thời đại học của tôi cùng nhóm bạn gần đây cũng có cách làm hay, khi tặng gạo, khẩu trang cùng ít tiền lận lưng cho những người bán vé số thông qua quán cơm chay từ thiện. Cô còn trực tiếp vào một số dãy trọ tập trung những người bán vé số ở để tặng quà, qua thông tin từ mọi người chia sẻ. Cô tâm sự: "Ông chủ quán cơm từ thiện là người biết được những hoàn cảnh khó khăn thực sự vẫn thường lui tới quán. Thông qua quán cơm, tụi mình rất an tâm và rất vui khi đã chia sẻ được đúng người cần hỗ trợ". Và khi nhận thấy có nhiều tổ chức cá nhân đang giúp đỡ những người bán vé số thì cô và nhóm bạn lại chuyển hướng tặng quà cho người mù, người khiếm thính đang ở trong cơ sở bảo trợ xã hội Q. Bình Thạnh.
Thiết nghĩ, chuyện người trẻ chia sẻ với những hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn trong xã hội trong lúc cả nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 là rất cần lúc này và đúng với truyền thống của người Việt: "Thương người như thể thương thân". Song những người muốn chia sẻ và trao yêu thương cũng phải có trách nhiệm tìm hiểu chia sẻ đến đúng người cần nhận để tránh tình trạng "lòng tốt bị trục lợi".