Chênh vênh trên giảng đường mơ ước
Khoảnh khắc mới bước chân vào giảng đường báo chí với chuyên ngành Truyền thông chính sách, mình từng cảm thấy vô cùng bỡ ngỡ khi bước vào ngành với tâm thế chưa thực sự rõ ràng về hướng đi của mình. Giữa một môi trường toàn những sinh viên xuất sắc với tư duy sắc bén về chính trị - truyền thông và khả năng viết lách ấn tượng khiến mình đã có lúc cảm thấy lạc lõng, không biết liệu mình có thực sự phù hợp với ngành hay không. Những buổi học về chính sách công, truyền thông đại chúng hay phân tích dư luận xã hội đôi khi làm mình cảm thấy áp lực, bởi đó không phải là thế mạnh của bản thân.
![]() |
Diệu Yến nhận ra rằng, trong thời đại số, một nhà truyền thông, tuyên truyền không chỉ cần giỏi viết, nói mà còn cần có tư duy hình ảnh để làm nội dung hấp dẫn hơn. |
Mình hiểu rằng ngành học của mình yêu cầu sự nhạy bén trong việc phân tích thông tin, triển khai nội dung chính thống và đảm bảo tính chính xác của thông điệp. Thế nhưng, chính bản thân lại cảm thấy những trang tài liệu dày đặc chữ đôi khi chưa thực sự hấp dẫn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Những câu hỏi như: “Làm thế nào để truyền thông chính sách có thể gần gũi hơn?”, “Liệu có cách nào biến những nội dung khô khan trở nên sinh động, dễ tiếp cận hơn không?”,... Những trăn trở ấy khiến mình lạc lõng giữa những buổi học về chính sách, quy trình truyền thông khi chưa tìm thấy “mảnh ghép” kết nối bản thân với ngành học.
![]() |
Diệu Yến không còn xem hội họa là một sở thích bên lề, mà là một kỹ năng bổ trợ quan trọng cho ngành học và nghề nghiệp tương lai. |
Cơ hội nhỏ mở ra chân trời mới
Bước ngoặt đến khi mình tham gia một dự án truyền thông sinh viên và thử sức với việc thiết kế infographic cho một chiến dịch tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Những biểu đồ khô khan khi được minh họa bằng màu sắc, hình ảnh trực quan bỗng trở nên thu hút hơn rất nhiều. Chính từ lúc ấy khiến mình nhận ra rằng thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng đang dần thay đổi, trong kỷ nguyên số, con người không chỉ tiếp nhận thông tin bằng văn bản mà còn bằng thị giác. Một hình thức ngắn gọn, trực quan, đặc biệt là qua hình ảnh, video, infographic có thể truyền tải nội dung chính sách nhanh chóng và hiệu quả hơn hàng trăm con chữ và đó cũng chính là cơ hội để mình sử dụng sở thích, đam mê cá nhân về hội họa trở thành công cụ hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành học của bản thân.
![]() |
Một số tác phẩm poster, infographic ứng dụng vào ngành học của Diệu Yến. |
Từ đó, mình bắt đầu học về thiết kế đồ họa, tận dụng kỹ năng vẽ tay vốn có của mình để thiết kế infographic trực quan, áp phích tuyên truyền cho các chiến dịch truyền thông, thậm chí tham gia vào các dự án báo chí thông qua đồ họa để kể chuyện, thử nghiệm nhiều phương pháp thể hiện khác nhau để tối ưu hóa việc truyền thông chính sách. Không có nền tảng thiết kế chuyên nghiệp, mình phải tự mày mò học từ con số 0. Những ngày đầu, mình đã phải gặp khó khăn khi làm quen với các phần mềm đồ họa, không ít lần chật vật với cách bố cục hình ảnh, màu sắc sao cho vừa đẹp mắt vừa truyền tải đúng thông điệp chính sách. Hơn nữa, truyền thông chính sách đòi hỏi sự chính xác và thận trọng, trong khi nghệ thuật lại có xu hướng sáng tạo, phá cách đòi hỏi mình phải học cách cân bằng giữa sự sáng tạo cá nhân và tính chuẩn mực của nội dung chính thống.
![]() |
Hình ảnh không chỉ là phần trang trí, mà còn là một công cụ truyền thông mạnh mẽ, giúp lan tỏa thông điệp một cách nhanh chóng và sâu sắc hơn. |
Vẽ nên lối đi của riêng mình
Những thử thách ban đầu không khiến mình chùn bước, ngược lại, nó thôi thúc mình tìm ra cách để dung hòa giữa nghệ thuật sáng tạo và tính chính xác của truyền thông chính sách. Mình bắt đầu bằng cách quan sát thật nhiều, từ những infographic của các tổ chức quốc tế, các chiến dịch truyền thông chính sách thành công, đến cách báo chí sử dụng đồ họa để kể chuyện. Dần dần, mình tìm được cách để dung hòa giữa hai yếu tố: Sáng tạo nhưng vẫn giữ được tính chính thống của thông tin cũng như cách tối giản thiết kế để làm nổi bật nội dung chính hay sử dụng màu sắc và biểu tượng phù hợp để thể hiện sắc thái của từng chiến dịch. Mình biết rằng bản thân đã tìm được hướng đi đúng. Những sản phẩm của mình, từ poster tuyên truyền đến infographic và dần nhận được những đánh giá tích cực, giúp những thông điệp chính sách trở nên gần gũi hơn với cộng đồng. Những infographic đầu tiên được sử dụng trên các kênh truyền thông, những tấm áp phích do mình thiết kế xuất hiện trong các sự kiện sinh viên,đó là những thành quả nhỏ nhưng là dấu mốc lớn để mình hiểu rằng: “Khi ta đủ kiên trì, mọi giới hạn đều có thể vượt qua”.
![]() |
Hình ảnh không chỉ là phần trang trí, mà còn là một công cụ truyền thông mạnh mẽ, giúp lan tỏa thông điệp một cách nhanh chóng và sâu sắc hơn. |
Bốn năm đại học đã cho mình nhiều hơn một tấm bằng – đó là hành trình tự khám phá và khẳng định bản thân. Mình không trở thành một họa sĩ, cũng không đi theo con đường thiết kế đồ họa chuyên nghiệp, nhưng bản thân mình đã tìm thấy cách ứng dụng hội họa để nâng cao hiệu quả của truyền thông chính sách. Tất cả đã giúp mình hiểu rằng, đam mê không nhất thiết phải dẫn ta đến một nghề nghiệp cố định, mà nó có thể trở thành công cụ giúp ta làm tốt hơn công việc của chính mình. Mình tin rằng, trong thời đại số, mỗi người trẻ đều có thể tận dụng thế mạnh cá nhân để tạo ra giá trị, không nhất thiết phải trở thành một chuyên gia, chỉ cần biết cách kết hợp khả năng của mình với chuyên môn, mỗi sinh viên đều có thể tìm ra con đường phù hợp.
![]() |
Với vai trò Trưởng ban Tổ chức sự kiện Spotlight 2024 và Phó ban Spotlight 2023, Diệu Yến đã có nhiều đóng góp cho hoạt động của trường cũng như của khoa của mình theo học. |
Hành trình phía trước của mình dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự kiên trì rèn luyện tư duy tích cực và tiếp tục cố gắng tự tạo ra giá trị và năng lượng của chính mình. Kiên trì trên con đường mình đã chọn, thành công sẽ chào đón.
(Ảnh: NVCC)