Dưới bóng cây xoài cùng Phó chủ tịch Hội Nhà văn Cuba

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chúng tôi đến nhà ông Alex Paucides trên chiếc xe Lada do Liên Xô sản xuất. Ở La Habana, đi lại khá khó khăn, gọi xe luôn là một vấn đề. Chính ông Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Cuba đã “điều” chiếc xe này đến đón chúng tôi. May mà nhờ mối này, về sau tôi cứ gọi Carlot – tên anh chàng lái xe trẻ rất đẹp trai với hàm râu quai nón phong cách, để đi lại khắp Thủ đô Cuba.

Sự giản dị tình cờ này hoá ra lại có gì đó rất hợp cảnh hợp tình. Nhà ông Alex ở một khu tập thể lắp ghép với những ngôi nhà chỉ một tầng xinh xắn ngoại ô La Habana. Trước và sau nhà là khoảnh vườn nhỏ. Ông Alex đặc biệt thích cây và hoa tự tay mình chăm sóc. Và khoảnh vườn nhỏ phía sau nơi có cây xoài toả bóng là nơi “cho tôi những giây phút thư thái và đọc sách rất tuyệt”, ông nói.

Dưới bóng cây xoài cùng Phó chủ tịch Hội Nhà văn Cuba ảnh 1

Tranh: Kim Duẩn.

Ông cũng rất hứng thú với “nghi lễ” mời chúng tôi uống nước từ quả cây xoài phía sau nhà. Ông kể đã được tiếp nhiều bạn bè văn chương quốc tế dưới bóng cây xoài già ấy. Và, ông nhấn mạnh “nhà văn Việt Nam đầu tiên đến ngồi dưới gốc xoài này là anh (người viết bài này)”. Thực sự đây là một cơ duyên. Vốn ông Alex Paucides có định liệu một cuộc gặp tôi tại trụ sở mới của Hội Nhà văn Cuba, một cách trang trọng. Nhưng địa chỉ này đang phải sửa chữa, chưa được tiếp quản mà trụ sở cũ thì đã thôi hoạt động. Thời gian ở Cuba của tôi lại hạn hẹp nên mới phải đánh đường đến nhà riêng của ông. Hoá ra đây lại là một điều hay. Nhà thơ Cuba kể, tháng Tư năm nay có một nhà thơ Mỹ đến Cuba để trao tặng ông giải thưởng thơ. Đây là một giải thưởng uy tín do 24 trường đại học lớn ở Mỹ tổ chức và lần đầu tiên một nhà thơ Cuba đoạt giải thưởng này. “Ông ấy đã đến với ngồi với tôi dưới cây xoài này để đọc thơ và trò chuyện”, Alex Paucides hào hứng.

Dưới bóng cây xoài cùng Phó chủ tịch Hội Nhà văn Cuba ảnh 2

Ông Alex Pausides và tác giả bài viết trao đổi tác phẩm.

Tự nhiên tâm trí tôi neo đọng lại một biểu tượng bóng cây của nhà thơ. Dưới bóng mát của một cây xoài bình thường nhất, loài cây thường gặp ở Cuba, các nhà thơ đến với nhau bằng tình thân ái, bằng mạch ngầm thi ca, bất chấp những rào cản của chế độ chính trị, của sự cách bức ngôn ngữ…

Câu chuyện mở ra. Ông say sưa kể lại kỷ niệm tham gia Liên hoan Thơ Quốc tế tại Hà Nội 2019, khi đoàn đại biểu Cuba xuất hiện, hội trường đứng lên vỗ tay chào đón. “Tôi ấn tượng! Việt Nam rất đổi mới. Ngoài chương trình nghị sự, tôi được gặp một lương y chuyên sản xuất thuốc dân tộc và một người sản xuất trà. Nền kinh tế Việt Nam thật năng động”.

Dưới bóng cây xoài cùng Phó chủ tịch Hội Nhà văn Cuba ảnh 3

Nhà thơ Alex Pausides tại Liên hoan thơ quốc tế Medellin.

Ông cho tôi xem hai tập thơ, một là Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai là tuyển tập thơ Viết từ biển của nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh, cả hai đều đã được dịch sang tiếng Tây Ban Nha. Ông Paucides nhớ mãi sự hiếu khách của các nhà thơ Hữu Thỉnh và Nguyễn Quang Thiều. Alex Paucides cũng chính là người có mặt trong nhóm nhà thơ quốc tế được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều dẫn đi thăm quan ở Chương Mỹ (Hà Nội) và tại đây các ông nảy sinh ý tưởng cùng thảo một lá thư gửi cựu tổng thống Mỹ B. Obama, đề nghị tiếp tục vận động cởi bỏ quy chế cấm vận Cuba. Những tâm ý tốt đẹp, nhân văn từ các nhà thơ quốc tế đã được ông Obama đáp từ. Nhưng đây là một câu chuyện dài…

Dưới bóng cây xoài cùng Phó chủ tịch Hội Nhà văn Cuba ảnh 4
Bút tích trên tập thơ của Alex Pausides.

Alex Paucides sinh ra ở Manzanillo, một tỉnh phía Đông quốc đảo Cuba, năm 22 tuổi ở quê hương mình (năm 1972 – ông sinh năm 1950), chàng thanh niên Alex nhiệt tình tham gia phong trào văn nghệ mới. Các thanh niên đầy nhiệt huyết thời đó sử dụng điệu trova để nói lên tiếng nói của mình. Trova vốn là một kiểu trình diễn gần với kể chuyện, có nguồn gốc dân gian tựa như hát rong, dùng để kể về tình yêu, cuộc sống hay tâm sự của người Cuba. Lời của Trova mang chất thơ gắn với âm nhạc khi dịu dàng khi mãnh liệt, vốn mang âm hưởng phản ánh nỗi đau của người dân Cuba bị thực dân thống trị, lúc đó mang thêm những nội dung mới mẻ.

Mở đầu một bài Trova có thể là giai điệu Cha cha cha Latinh hay Bossa nova, nhưng hình ảnh đầu tiên và sau cùng vẫn là một nghệ sĩ với cây đàn guitar kể câu chuyện của mình.

Nói sâu về điệu Trova không chỉ để nói thời thanh niên sôi nổi của Alex Paucides mà còn để nói đến một công việc quan trọng của ông. Ông từng là giám đốc của El Caimán Barbudo, một ấn phẩm quan trọng của phong trào thơ Cuba, được tạo ra trong cách mạng. Tạp chí này đã từng phát hành hàng tháng gần 80.000 bản. Kể từ khi thành lập, nó trở thành một chỗ dựa tinh thần cho những người sáng tạo trẻ. Tạp chí cũng là nơi tổ chức các cuộc thi, những buổi biểu diễn, tụ họp cho những người sáng tác. Tất nhiên, không thể thiếu những buổi trình diễn Trova. Một tạp chí nước ngoài đã đánh giá: El Caimán Barbudo đã trở thành mẹ đỡ đầu của những người hát rong. Đó là cách tiếp nối truyền thống biểu diễn ở Cuba được gọi là “Penas”, trong đó một nhạc sĩ, hầu như luôn là một người hát rong, lên sân khấu của phòng thu Areito cũ, ở Havana, để hát và chơi guitar. Một nghệ thuật khiến bạn phải suy nghĩ và nó khá phóng túng”.

Thơ Alex Pausides:

ĐÊM

Biển dưới chân tôi

là dòng nước giận dữ của bạn

tất cả không phải là giấc mơ

trên những hòn đảo đang ngủ

NỀN TẢNG

Trong mùa hè bất tận của vùng nhiệt đới, chúng ta thấy sự sinh sôi

vầng trăng kép nhỏ như trái cây ở vùng đất hoang

đổ tràn những dòng tinh dịch màu mỡ vào gốc rễ của ngày

những thung lũng trồng cây trong mơ được bao phủ bởi cây tuyết tùng

thân thiện với những đụn cát khắc nghiệt

vẽ trên thân của những người ngờ nghệch sau khi bị trục xuất khỏi thiên đường

dưới bầu trời là sự thờ ơ trong một mùa không ranh giới

tôi muốn lưu giữ khoảnh khắc khi mặt trời ngừng ngắm nhìn chúng ta

Maria Llorens (dịch), LAH hiệu đính tiếng Việt

Ở Cuba, Liên hoan thơ diễn ra vào tuần cuối tháng 8 hằng năm. Ông Alex Paucides rất muốn mời nhà thơ và cả họa sĩ Việt sang tham dự. Năm 2019, hội Văn học và Nghệ thuật Cu ba cũng mời 3 họa sĩ nổi tiếng của Trung Quốc sang triển lãm và ngay trong căn nhà này đang treo bức tranh hoạ sĩ Trung Quốc tặng ông Alex.

Hỏi chuyện về Hội Nhà văn Cuba, ông Alex cho biết Hội Nhà văn Cuba có hơn 900 hội viên với 7 nhóm chuyên ngành. Trong đó có khoảng 220 người viết văn học – xã hội, 200 nhà thơ, 160 tiểu thuyết gia, 50 dịch giả, 70 nhà văn viết cho thiếu nhi, 80 nhà lý luận phê bình, 30 kịch tác gia.

Ở Cuba, số văn nghệ sĩ trong tất cả các bộ môn nghệ thuật là khoảng 10.000 người. Ông Alex có chân trong Hội đồng Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Trung ương, hội đồng này gồm 130 người.

Chuyện trò về sáng tác, ông bộc bạch: “Tôi bắt đầu làm thơ từ những năm bảy mươi. Rồi ngôn từ và cảm xúc đã dẫn tôi tới một thứ thơ kiệm lời, mang tính khái niệm hơn. Bây giờ tôi đang làm rất nhiều bài thơ ngắn nhưng nhiều suy tư hơn. Thời gian trôi qua bao hàm sự thay đổi trong thế giới quan của chính bạn, trong tầm nhìn của bạn về thế giới”.

Ông Alex Paucides trân trọng tặng tôi một tập thơ của mình mang tên Bài hát của Orpheus (SurEditores, Havana, 2004). Rồi ông trầm trồ về sự phong phú và hình thức in ấn đẹp của sách, truyện, thơ của các tác giả Việt. Bất ngờ ông trầm giọng: “Ba năm nay chúng tôi không thể in được một cuốn sách nào!”. Trước sự ngạc nhiên của khách, ông lý giải: “Không có giấy!”.

Sau cuộc gặp với Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Cuba, tôi liên lạc ngay với Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều. Rất nhanh chóng, chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, ông Thiều nhắn tin: “Mỗi năm (Hội Nhà văn Việt Nam) có thể in cho họ 2-3 tác phẩm. Sẽ tìm cách in giúp họ và chuyển sang, cái này tôi nghĩ tôi làm được”.

Báo tin ấy cho ông Alex, ông rất mừng!

Ông Alex Pausides Aguilar Licea (tên đầy đủ): Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Cuba, điều phối viên của Liên hoan Thơ Havana. Chỉ đạo Bộ sưu tập Sur Editores. Đã xuất bản hơn mười lăm tập thơ và tiểu luận phê bình ở Cuba, Mêhicô, Tây Ban Nha, Ý...

Trong số những tựa sách của ông có thể kể: Lời gửi đến những điều không thể đặt tên - 1992; Cư dân của gió - 1995, Ngôi nhà của con người - 1996; Họ gọi từ đâu đó hạnh phúc - 1998; Sự mở rộng của ngây thơ - 2006; Thư pháp – 2009…

Ông đã nhận được các giải thưởng Gaceta de Cuba và Critics Awards, Giải thưởng của các nhà phê bình. Giải thưởng "Samuel Feijoo" của Hiệp hội kinh tế những người bạn của đất nước cùng nhiều giải thưởng khác. Những bài thơ của ông đã được dịch sang tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Anh, tiếng Rumani, tiếng Nga và tiếng Đức và được đưa vào nhiều tuyển tập.

MỚI - NÓNG