Nhưng để có được sự mạnh mẽ này, tôi đã trải qua những khoảng thời gian thực sự vất vả, sau biết bao thử thách.
Có thể hiếm khi bạn nghe thấy một cô gái ở môi trường “xây dựng”. Nhưng chắc hẳn, họ đều có cơ duyên gắn bó với ngành học này bắt nguồn từ những câu chuyện đẹp đẽ… Và đối với tôi, nó xuất phát từ những năm cấp hai, khi mà một vài bức vẽ “chibi” giấu trong ngăn bàn học bị bố mẹ phát hiện. Chỉ từ câu gợi ý vu vơ trở thành Kiến trúc sư của bố mẹ, tôi, từ một cô bé hay vẽ vời linh ta linh tinh mấy câu chuyện tình, bắt đầu thấy thích, rồi thấy yêu cái sự sáng tạo của nghề này. Tôi ấp ủ ước mơ trở thành Kiến trúc sư từ đó.
Thi đại học khối V (Toán, Lý, Vẽ) nhưng tôi vẫn nghiêm túc xác định rằng mình cần phải biết cân bằng với những môn chính khóa như Anh, Văn. Ba năm cấp 3, chỉ có học, học và học, từ học trên trường đến học thêm các môn, mang về những thành tích khiến bản thân, bố mẹ đều tự hào. Kết quả, tôi đã hoàn thành kì thi THPT Quốc gia với số điểm tốt hơn dự tính và đạt được ước mơ sau 12 năm học đó là trở thành một tân sinh viên Kiến trúc & Quy hoạch của trường Đại học Xây dựng. Nhưng tôi lại không hề nhận ra rằng chính khoảng thời gian chỉ biết đến việc học ở trường THPT, tôi đã bỏ lỡ rất nhiều điều.
Mọi người có thể cũng đã mường tượng ra môi trường học tập ở Xây dựng như thế nào – 1 trong 4 trường đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế, được đánh giá và công nhận bởi Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học của Pháp (HCERES). Thật không dễ chút nào!
Vẫn thói quen “chỉ biết học” từ các cấp phổ thông, khi vào đại học tôi gặp không ít áp lực, thất vọng và gục ngã, tự ti bởi bản thân vẫn chỉ là một cô bé rụt rè và nhút nhát... để rồi suy nghĩ.
Không biết đã bao lần tôi tự hỏi: Sao mình kém cỏi như vậy, mình có thể làm tốt hơn mà? Tôi muốn bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, khao khát được học hỏi những điều mới mẻ mà mình đã bỏ lỡ trước kia, tìm kiếm thêm những niềm vui bên cạnh việc học tập. Kỳ hai năm nhất, tôi quyết định tham gia vào Hội sinh viên của trường và được tuyển chọn vào Ban Đối ngoại. Thật may mắn, ở đây tôi gặp được những con người có chung chí hướng với tấm lòng chân thành, tốt đẹp biết bao khiến tôi cảm thấy như tìm được “bộ lạc” của riêng mình.
Cùng nhau nghiên cứu học tập, tham gia tích cực các hoạt động phong trào của trường, tôi nhận ra sau một năm mình đã học được rất nhiều điều quý báu, từ kỹ năng, kiến thức. Sự cố gắng rèn luyện không ngừng phần nào đã tạo nên những dấu ấn đầu tiên của tôi cho quãng đường trên giảng đường đại học. Đó là việc một cô bé với một chút rụt rè được bầu làm lớp phó học tập, vinh dự đạt học bổng nhiều học kỳ liên tiếp, danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trường. Đó là việc được mọi người yêu mến, ủng hộ và bình chọn cho cuộc thi và đạt giải Á quân Miss cổ động VUG(Giải thể thao sinh viên Việt Nam) 2019. Nhưng điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc hơn cả, tôi có thể truyền năng lượng tích cực tới mọi người xung quanh, và lý do tôi hay cười chắc vì lẽ đó. Thế nên tôi mới được bạn bè tặng cho cái tên xinh xắn “cô gái hay cười”. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những bước chập chững đầu tiên trên con đường dài phía trước. Tôi vẫn cần học hỏi rất nhiều để chuẩn bị hành trang sẵn sàng bước ra trường đời.
Đến năm hai, tôi tham gia vào CLB sinh viên Kiến trúc, lại một lần nữa tôi có cơ hội được biết đến những người anh, người chị thật tuyệt vời và ngưỡng mộ họ biết bao; tôi như được tiếp thêm động lực, dốc hết tình yêu cho Kiến trúc. Trong cuốn Điều nhỏ nhặt nhất tạo nên số phận, tác giả Andy Andrews đã viết rằng: “Hình thức thuần túy nhất của việc học tập, là từng cá nhân tự nhận ra ai là người tiếp tục hành trình tìm kiếm tri thức bên ngoài lớp học, với niềm đam mê ngập tràn để có sự hiểu biết”. Vì thế, tôi vẫn luôn khát khao được học hỏi và tôi mong mọi người cũng sẽ có được niềm đam mê như vậy. Học không chỉ kiến thức trong trường, mà còn những điều mới lạ đang diễn ra ở thế giới ngoài kia.
“Tuổi thanh xuân thường bị phí phạm khi người ta còn trẻ” – George Bernard Shaw. Khi đọc câu nói này, tôi lại bất giác mỉm cười vì quãng thời gian 2 năm đầu tiên, tôi đã nỗ lực hết mình đấy chứ nhỉ. Và tôi của hiện tại cũng vậy, tiếp tục sống với đam mê của tuổi trẻ để sau này đọc lại, mong rằng trong lòng tôi cũng sẽ tràn ngập hạnh phúc. Mỗi ngày, có hai thứ khiến tôi có thể quên đi hết sự mệt mỏi, ấy là đọc được một cuốn sách bổ ích hay chỉ đơn giản là khi được tâm sự với những người bạn của mình.
Nếu ai đó hỏi tôi, học Xây dựng có mệt không? Có khó không? Câu trả lời là có, nhưng rồi sao? Tôi sẽ chẳng bỏ cuộc đâu. Bởi bạn thử nghĩ xem, Benjamin nói rằng “Có ba thứ cực kỳ rắn: Thép, kim cương, và tự thấu hiểu bản thân”. Tôi biết mình nên đi đến đâu, làm những gì, bên cạnh việc đặt mục tiêu và rồi từng bước thực hiện nó. Bạn cũng vậy, để thấu hiểu bản thân hãy tự hỏi: Mình thích gì? Mình đã từng có ước mơ gì? Có thực sự muốn sống cùng nó? Vậy đừng thu mình trong cái vỏ bọc đó nữa. Hãy đi ra ngoài, trải nghiệm nhiều điều mới, gặp gỡ thêm nhiều người bạn, xã hội thực sự rất rộng lớn, có biết bao con người đáng yêu đáng mến cùng chí hướng với bạn và biết đâu sau này chính họ sẽ là người truyền cảm hứng cho mình. Và một điều quan trọng nữa, hãy cứ đam mê và theo đuổi ước mơ đến cùng, dũng cảm đương đầu với thế giới ngoài kia. Không có gì phải nuối tiếc khi chúng ta cố gắng hết mình. “Hãy sống như ta chỉ còn lại một ngày để sống”!
Lời cuối cùng, tôi rất cảm ơn khi quý vị độc giả đã dành thời gian đọc đến đây. Hy vọng rằng câu chuyện của tôi có thể để lại một chút gì đó ý nghĩa trong tâm trí các bạn và từ đó, thôi thúc mọi người dũng cảm đi theo tiếng gọi tận sâu thẳm từ trái tim mình.
Best wishes for you!
Dương Phương Dung