Đường sách -Miên man ký ức

Không gian yên ả đường sách Nguyễn Văn Bình
Không gian yên ả đường sách Nguyễn Văn Bình
TP - Tôi cứ nghĩ, không biết cơ duyên nào mà Sài Gòn lại có một con đường sách Nguyễn Văn Bình duyên dáng đến vậy. Bởi, nó vốn là một con đường nhỏ, im ắng như nấp mình bên những tòa nhà cao tầng ở trung tâm. Con đường có hai hàng me cao vút chỉ dài vỏn vẹn hơn 700m, bỗng một ngày trở thành con đường sách nhỏ xinh mà lại quyến rũ đến lạ kỳ. 

Hoài niệm

 Thật ra ở Sài Gòn hàng chục năm trước vốn dĩ đã có những con đường sách rồi. Trước năm 1975, đường sách nằm phô trương, ồn ã ở góc đường Lê Lợi - Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), cặp theo Bưu điện quận 1, “ngó” qua nhà sách Khai Trí (nay là nhà sách Fahasa 62 Lê Lợi). Theo ký ức của những người hay hoài niệm, nó chỉ là một chợ trời sách khổng lồ “ăn theo”, lấy nhà sách Khai Trí làm hạt nhân. Sau nhiều biến động, chợ trời sách này “hóa thân” thành chợ sách cũ ngay góc đường Ký Con - Đặng Thị Nhu, quận 1. 

Đường sách này ra đời ở thời điểm cả nước ăn bo bo, khoai mì, bột mì thay gạo, chính đường sách nhỏ này trở thành cái nồi cơm của không ít gia đình còn tồn sót lại ít sách cũ. Qua những năm của thập niên 80 thế kỷ trước, đường sách Đặng Thị Nhu cũng biến mất để lại một Sài Gòn bỗng ngẩn ngơ như vừa mất đi một cái gì đó thật trong trẻo mà rất thương nhớ. Nhưng thật ra, chưa phải là đường sách của Sài Gòn đã mất hay đã chết. Nó vẫn còn đó cái hình hài, cái hồn lảng vảng ở đâu đó trên đường Trần Đình Xu hay Nguyễn Thị Minh Khai. 

Rồi nó cũng dần định hình ở một khúc đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận với những “tiệm” sách cũ. Nó không rõ hẳn là một con đường sách tấp nập người mua kẻ bán, nhưng nó vẫn còn như cái duyên tình lưu luyến của “hồn ở đâu bây giờ” trong từng chồng, từng cuốn sách cũ, ngai ngái mùi giấy ẩm mốc tạo thành một thứ mùi để gợi nhớ, để bâng khuâng. Đường sách cũ Trần Huy Liệu rồi cũng mòn mỏi, tàn tạ dần theo năm tháng mà bây giờ chỉ còn lèo tèo vài ba tiệm bán.

Tưởng rằng đường sách ở Sài Gòn rồi sẽ trôi tuột theo thời gian, ấy vậy mà một tháng đầu năm 2016, Sài Gòn lại nở bừng ra đường sách Nguyễn Văn Bình, lập tức nó trở nên quyến rũ đến mê đắm hồn người. Nó mới nhưng ta lại cảm tưởng là nó trở về, mang trở lại một thứ mà trong lòng mình thấy thiếu vắng nhưng không thể hình dung được nó cụ thể ra sao. À, nó như một “nốt ruồi duyên” điểm xuyết lên dung nhan cô gái Sài Gòn vốn dĩ đẹp. Để rồi cô ấy duyên hơn, quyến rũ hơn, da diết hơn với mọi người. Và, Sài Gòn như có hồn hơn, dễ thương hơn với con đường sách thơi thới. Cái thiêu thiếu không tên lập tức được khỏa lấp trong lòng người Sài Gòn. 

Nơi hội tụ…  “nam phụ lão ấu”

 Thực tại, đường sách trở thành điểm đến, nơi hẹn hò của người Sài Gòn cùng khách thập phương. Đâu phải đơn giản mà nó lập tức trở thành một trong những điểm đến cuốn hút được mọi người cùng ngành du lịch khi đưa vào khai thác, bình chọn. Gần 3 năm ra đời, đường sách đã có hơn 400 sự kiện lớn, nhỏ được tổ chức tại đây. Đây là nơi tụ hội của người yêu sách và mộng mơ. Dù Sài Gòn có cả trăm nhà sách lớn nhỏ và có một “thành phố sách”, rộng hơn 3.000m2 với cả chục ngàn đầu sách ở trung tâm thương mại The Garden Mall ở quận 5. Đường sách là nơi độc nhất để những tác giả trong và ngoài nước chọn làm nơi ra mắt sách, tác phẩm mới để mà giao lưu, mạn đàm và ký tặng bạn đọc. 

Hầu như tất cả các tác giả lớn, nhỏ của cả nước đều có những buổi giao lưu, ra mắt tác phẩm tại đây. Đâu chỉ có vậy, nơi đây đã trở thành một điểm hẹn, điểm hội tụ các sự kiện văn hóa. Tuy nhỏ thôi, nhưng cô đặc nhất của đời sống tinh thần người Sài Gòn. Một con đường văn hóa lộ thiên như vậy đã là nơi ghé thăm của nhiều nguyên thủ quốc gia.

Dạo đường sách, bạn hãy thả lỏng tất cả các giác quan để cho tâm hồn bay lửng lơ lên vòm me xanh cao vút. Đến một ngày bạn thấy sách trong bạn, như một người bạn tâm giao, để mà nhớ, để mà thương. Bạn tâm giao đó, có thể là mọi chủ cửa hàng, một cô bán hàng, hợp chuyện rồi có thể pha một bình trà mời bạn cùng ngồi xuống cái hiên trước quán để “trà đàm” về sách, về Sài Gòn, về cuộc sống. 

Thỏa mãn phút giây như vậy thật đáng yêu, đáng sống. Cũng thật lạ lùng, chỉ cách vài bước chân thôi, bước vào đường sách thì tuyệt nhiên, lòng người sẽ lắng lại, chùng xuống. Mọi lo toan bỗng nhiên vợi bớt. Mọi ồn ã, xô bồ của một thành phố tấp nập bỗng nhiên tan biến trong từng bước chân của bạn. Bước chân đó sẽ ngắn đi, chậm lại khi bước qua “biên giới” vô hình, vào đường sách. Đâu phải là “chuyện nhỏ” khi đường sách là nơi tụ hội của “nam phu lão ấu”, của mọi con người bất kể xuất thân. Cùng nhau, qua từng ngày, đường sách tạo nên cái hồn, cái văn hóa lắng xuống đọng lại của người Sài Gòn. Để văn hóa đọc trở về hiển hiện cho cuộc sống thăng hoa hơn, đẹp và đáng sống hơn.

Mê hoặc lạ lùng

 Nghĩ cũng lạ, Sài Gòn cũng đã có đường sách Xuân nhiều năm rồi. Rồi Hội sách TPHCM tổ chức hai năm một lần cũng đã hơn 20 năm qua nhưng đường sách Nguyễn Văn Bình vẫn có sức sống và cuốn hút riêng, quyến rũ mọi người. Không quyến rũ sao được khi nó đã là niềm cảm hứng để Cần Thơ, TP Vũng Tàu rồi Ban Mê Thuột… lần lượt mở đường sách cho mình? Nó hấp dẫn đến nỗi những “quái kiệt” của làng sách Sài Gòn hàng chục năm qua đã “mai danh, ẩn tích”, đã “biệt tích giang hồ”, bỗng một ngày họ “chễm chệ” ngồi trong gian hàng sách cũ của mình ở đường sách. 

Từ đường Hai Bà Trưng vào đường sách, bạn sẽ gặp một tiệm sách cũ thuộc dạng nhỏ nhất, với lối vào hẹp nhất, của ông Lê Huỳnh Trí, người bán sách cũ gần 40 năm nay. Tiệm sách của ông Lê Huỳnh Trí chuyển từ Thủ Đức về đường sách ngay từ những ngày đầu con đường này mở cửa. Đến đây, ông bê hơn một tấn sách từ kho tàng của mình đến giao lưu với bạn đọc. 

Câu chuyện của ông Trí là chuyện duyên nợ giữa “sách và người”. Năm 2015, chủ nhà nơi ông thuê mở tiệm sách cũ “đuổi” ông đi với hơn 10 tấn sách tích cóp. Ông gạt nước mắt “rao” bán tống bán tháo số sách trên facebook và được mạng xã hội mở cuộc “giải cứu” cho ông. Câu chuyện hy hữu này ồn ào cả một thời gian dài với cái kết hết sức có hậu. Chuyện này là “có một không hai” trong làng sách, vì “cả đời bán sách rồi lại được bạn đọc cứu khi ông Trí gặp nạn”. Đã ngoài cái tuổi thất thập cổ lai hy, giờ ông Trí có thể an bình sống trong cái môi trường mơ mộng của ông. 

Đường sách -Miên man ký ức ảnh 1 Một gian hàng ông đồ hiện đại thu hút khách tại đường sách vào dịp Tết đến xuân về

Dạo đường sách, bạn hãy thả lỏng tất cả các giác quan để cho tâm hồn bay lửng lơ lên vòm me xanh cao vút. Đến một ngày bạn thấy sách trong bạn, như một người bạn tâm giao, để mà nhớ, để mà thương.

Giới sưu tầm, bán sách lâu đời Sài thành có lời rằng, lăn lộn, thăng trầm trong nghề, họ bán sách theo tâm khảm. Bán sách không phải là một nghề nhiều tiền, nhưng sứ mệnh của nó là làm giàu tâm hồn cho người khác. Nếu bạn yêu sách, bạn sẽ nghe những câu chuyện miên man về sách, về một “văn hóa đọc”, về cái tình, cái ngóc ngách của hồn người Sài Gòn xưa và nay. 

MỚI - NÓNG
Mưa dông gián đoạn kéo dài tại Hà Nội
Mưa dông gián đoạn kéo dài tại Hà Nội
TPO - Thông tin dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, những ngày trong tuần tới đây (7 -9/5) khu vực miền Bắc, thủ đô Hà Nội tiếp tục duy trì mát mẻ do chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh yếu, gây mưa dông gián đoạn.