Triển lãm Công nghệ Giáo dục Anh Quốc BESS Vietnam 2019 do Cục Công nghệ thông tin và Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD - ĐT) phối hợp với Hiệp hội Các nhà cung cấp công nghệ giáo dục Anh Quốc (BESA) và Công ty cổ phần mạng trực tuyến Việt Sin đồng tổ chức. Đây là lần đầu tiên sự kiện được tổ chức tại Việt Nam, góp phần mang lại cơ hội tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ công nghệ giáo dục đến từ các tổ chức, công ty giáo dục hàng đầu Anh quốc, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ...
Với chủ đề “Từ Giáo dục 4.0 đến Cách mạng công nghiệp 4.0”, Triển lãm đã chạm đến chủ đề đang “nóng” tại Việt Nam, đó là ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Ngành giáo dục nhận thức rằng tăng cường ứng dụng CNTT sẽ tạo nên những đột phá trong đổi mới căn bản toàn diện GDĐT. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh áp dụng công nghệ giáo dục, CNTT; tạo điều kiện thuận lợi triển khai mạnh mẽ công nghệ trong các hoạt động dạy và học, kiểm tra đánh giá và quản lý giáo dục; đồng thời thúc đẩy hợp tác và chuyển giao công nghệ giáo dục với các đối tác trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục được tiếp cận công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực”.
Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện, Bộ GD - ĐT đã cùng Tập đoàn FPT ký kết Thỏa thuận hợp tác về ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025. Đây được coi là một bước đi quan trọng của Bộ GD - ĐT trong nỗ lực đổi mới toàn ngành giáo dục nhờ công nghệ, góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho các đơn vị giáo dục đào tạo trên cả nước cùng hàng triệu học sinh sinh viên.
Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình cho biết: “Thành bại của Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0 phụ thuộc lớn vào chất lượng nguồn nhân lực và FPT sẵn sàng góp sức bằng công nghệ, và bằng thực tiễn tham gia giáo dục để đóng góp vào quá trình phát triển nguồn nhân lực này”.
Với 30 năm kinh nghiệm tư vấn, ứng dụng các dịch vụ công nghệ tổng thể cho các tổ chức, đơn vị trong ngành giáo dục cũng như các ngành kinh tế xã hội khác, FPT sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ GDĐT đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong toàn ngành giáo dục, với mục tiêu xóa đi khoảng cách giữa giáo dục đào tạo và thực tiễn nền công nghiệp. Bên cạnh đó, hai bên kỳ vọng hợp tác sẽ góp phần đưa Bộ GDĐT trở thành một trong những Bộ tiên phong chuyển đổi số và vận hành trên nền tảng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, góp phần triển khai thành công Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy – học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 -2020, định hướng đến năm 2025”.
Theo đó, hai bên sẽ hợp tác triển khai 4 nội dung trọng yếu: Xây dựng chiến lược chuyển đổi số và chiến lược phát triển GD - ĐT; triển khai ứng dụng CNTT trong GD - ĐT và phát triển nguồn nhân lực CNTT; triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về GD - ĐT; phối hợp triển khai các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong GD - ĐT.
Cụ thể, Tập đoàn FPT sẽ hỗ trợ Bộ GD - ĐT xây dựng chiến lược tổng thể về chuyển đổi số, xây dựng và triển khai Chính phủ điện tử của Bộ; triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT, góp phần hiện đại hóa mô hình đào tạo đại học, đồng thời là đối tác chiến lược thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp.
Tổ chức giáo dục FPT – cụ thể là trường ĐH FPT – sẽ tham gia tích cực các hoạt động phổ cập và đào tạo chuyên sâu về AI, tiên phong đào tạo theo mô hình mới (EdTech) – gắn giáo dục với công nghệ, góp phần tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao cho thị trường trong nước và quốc tế, tăng năng lực cạnh tranh cho sinh viên Việt Nam.
Bên cạnh đó, cũng theo Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình, nền giáo dục Anh quốc rất đặc biệt khi vừa có tính truyền thống lâu đời, vừa có mô hình đào tạo hiện đại vượt trội, đang chuyển dịch để đáp ứng cuộc CMCN 4.0. Ông khẳng định: “Là một trong những tập đoàn về công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng nhận tất cả kỹ sư CNTT tốt nghiệp tại Anh Quốc làm việc cho FPT tại thị trường Việt Nam, cũng như tại các công ty và văn phòng của FPT trên thế giới”.