Gã hành khất sách bàn đại sự

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hơn 25 năm nghiên cứu, ứng dụng và đi khắp nơi xin sách, vận động cho các mô hình Sách hóa nông thôn, anh Nguyễn Quang Thạch đạt được những thành quả mà ai nghe cũng nghèn nghẹn rồi vỡ òa sung sướng.

“Đại hội” của các cao thủ khuyến đọc

Cuối tháng 6/2023, theo giấy mời, tôi đến Không gian văn hóa Đông Tây ở tầng hầm của một tòa nhà trong làng sinh viên Hacinco, Hà Nội. Đây là nơi ra mắt cuốn sách đầu tiên của anh Thạch, cuốn Những bước chân hi vọng. Đúng như dự đoán, cuộc ra mắt mở cửa tự do, đông, không còn ghế trống. Nhiều trẻ em tham gia và chúng được ưu tiên ngồi tràn lên phía trước, sát với sân khấu. Người lớn lùi lại phía sau, nhiều người đứng suốt cả buổi. Họ không phải là quan chức, cũng không phải là nhà nghiên cứu, phê bình tiếng tăm như các buổi ra mắt sách khác nhưng phần đông trong số họ rất đặc biệt - đều là “cao thủ trong làng khuyến đọc”.

Gã hành khất sách bàn đại sự ảnh 1

Anh Thạch và những người tình nguyện đưa sách về nông thôn trong buổi ra mắt sách Những bước chân hi vọng

Anh Thạch tất bật đón khách. Gặp ai cũng cười, bắt tay, ôm rất chặt, rất lâu. Anh cẩn thận ghi tên, ký tặng các cuốn Những bước chân hi vọng. Đó là cuốn sách ngồn ngộn thông tin, ghi lại hành trình Sách hóa nông thôn và cũng là hành trình cuộc đời anh hơn 25 năm qua. Đọc nó, bạn dễ bị mê dụ vào con đường đưa sách về cho trẻ nghèo; sẽ thấy cuộc sống có bao điều, bao con người tốt đẹp để mở lòng, chia sẻ, nỗ lực từng ngày.

Buổi lễ bắt đầu. Chỉ một chút nghi thức, còn toàn bộ là những màn giao lưu ngẫu hứng, thân tình. MC chính là bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ - người rất yêu quý, trân trọng anh Thạch, gọi anh là Nhà cách mạng Khuyến đọc.

Gã hành khất sách bàn đại sự ảnh 2

Anh Thạch phát biểu trong buổi nhận giải thưởng của UNESCO

Một tân cử nhân xinh đẹp của Đại học Ngoại thương được mời lên sân khấu. Em là Uông Hải Minh. Cách đây 9 năm, khi còn học ở trường THCS An Dục, Quỳnh Phụ, Thái Bình, Minh viết thư cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc đó là ông Phạm Vũ Luận đề nghị nhân rộng mô hình Tủ sách Phụ huynh ra cả nước vì lớp em có một tủ sách như thế, do anh Thạch phát động mà các em rất thích. Bảy tháng sau vẫn không có trả lời. Chuyện lộ ra, có báo đăng bài “Bức thư không được Bộ trưởng trả lời”. Bài báo sau đó bị gỡ. Bộ trưởng Luận sau đó về Quỳnh Phụ để khảo sát mô hình tủ sách của lớp Minh và nhiều lớp khác. Cùng một số động thái vận động khác của anh Thạch, nhất là chuyện đi bộ xuyên Việt để xin sách cho trẻ em nông thôn, được báo chí rầm rộ đưa tin đã tạo hiệu ứng. Cuối cùng, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Công văn 6841 yêu cầu các Sở ngành phát triển mô hình tủ sách phụ huynh, tủ sách lớp học. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sau đó đề cử để Sách hóa Nông thôn trở thành chương trình đầu tiên đoạt giải Vua Sejong về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016. “Những cuốn sách của chú Thạch làm con có trách nhiệm hơn. Sau Tết, con kêu gọi các bạn quyên góp tiền để mua sách đi tặng. Bây giờ con đang triển khai một số tủ sách vào nhà tù, kêu gọi kinh phí mổ mắt miễn phí cho trẻ khiếm thị…”, Minh nói tại buổi ra mắt sách.

Trong buổi lễ ra mắt sách Những bước chân hi vọng, anh Thạch trao lại lá cờ của chương trình Sách hóa nông thôn, đôi giày, mũ và bộ quần áo anh mặc đi xuyên Việt cho những người nối tiếp công việc của anh để sang Ấn Độ xây dựng tủ sách. Anh khởi lên ý định sang Ấn Độ làm tủ sách khi biết một cô gái bị hãm hiếp tập thể rồi treo lên cây vào năm 2011. Năm 2019, 2020, anh và một số người Việt sang Ấn Độ làm tủ sách.

Chị Trang, một người họ hàng của anh Thạch có rất nhiều sách và gia đình chị là người đầu tiên đưa sách về tủ sách họ Nguyễn Quang ở Sơn Lễ, Hương Sơn, Hà Tĩnh cũng có mặt kể câu chuyện của mình.

Chàng trai Lê Minh Tuấn kể về hành trình gây dựng được 3.200 tủ sách ở Quảng Trị. Ban đầu, nhiều nơi không dám nhận sách Tuấn tặng vì sợ nhận phải tài liệu phản động. Có lần, Tuấn phải đón giao thừa ở đồn công an vì bị nghi phát tán tài liệu chống phá Nhà nước khi đi mừng tuổi sách vào đêm cuối năm. Bây giờ thì rất dễ, nhiều nơi xin sách và Tuấn đã trở thành người hành khất, xin sách như anh Thạch.

Cũng từ Quảng Trị, anh Đỗ Hữu Thiện ở huyện Vĩnh Linh là doanh nhân tiên phong mở con đường khác biệt nhưng cùng mục tiêu như Tuấn. Anh từ TPHCM về quê xây dựng mô hình giáo dục trị giá 20 tỷ đồng, trong đó có thư viện miễn phí.

Gã hành khất sách bàn đại sự ảnh 3

Anh Thạch ký tặng cuốn Những bước chân hi vọng cho bạn đọc tại TPHCM

Cô giáo Nhị từ Vĩnh Long cũng bay ra chúc mừng anh Thạch. Mỗi tuần, cô Nhị đều có một buổi giới thiệu sách cho học sinh để các em lên thư viện trường mượn. Sách ít, cô còn bỏ tiền túi, xin thêm. Bây giờ, cô lại mở thêm thư viện miễn phí ở nhà.

Thầy Bùi Văn Đông đến từ Ninh Bình, khi làm Phó phòng Giáo dục huyện Yên Mô đã thúc đẩy hàng trăm Tủ sách Lớp em. Thầy Đông còn xây dựng thư viện gia đình có 4.500 cuốn, cho học sinh đọc, mượn miễn phí. “Anh Thạch bước những bước đầu tiên và chúng tôi đi theo. Hôm nay thật vui, không khác nào đại hội võ lâm của những người khuyến đọc”, anh Đông nói, rồi ôm anh Thạch, hội trường cười vang. Những ai từng biết, theo dõi việc làm của anh Thạch đủ dài sẽ hiểu được giá trị của những giây phút đó.

Mong nước Việt Nam hùng mạnh

Sinh năm 1975 ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, từ nhỏ, Thạch muốn làm nhà văn như chú họ của anh - nhà văn Nguyễn Quang Thân. Rồi anh mộng làm chính trị gia để đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Nhưng anh sớm nhận ra, muốn đóng góp cho xã hội hiệu quả, lâu dài nhất chính là việc tạo ra một cuộc cách mạng về thư viện.

Năm 2007, anh khởi động những tủ sách đầu tiên. Anh vừa đi làm kiếm sống, vừa sử dụng tiền lương mua sách và dành thời gian hành khất, xin sách, cũng như xây dựng công thức tài chính để nhân rộng các loại tủ sách, cách vận hành tủ sách để ai cũng có thể tự làm. Năm 2008, tôi cũng có dịp đến căn phòng trọ của anh ở quận Hà Đông, Hà Nội để tham gia một vài buổi sắp xếp những đống sách ngồn ngộn anh xin về. Sau đó, tôi cùng anh Thạch đưa sách về một số dòng họ. Mùng 1 Tết 2015, anh đi bộ xuyên Việt để kêu gọi toàn xã hội đưa sách về nông thôn. Tháng 4/2016, anh bị quỵ ngã và phải bò qua cầu Bình Tân trong hành trình đi bộ đến Cà Mau để vận động cho chương trình. Eo đốt sống L5 bị gãy, anh rơm rớm nước mắt vì hành trình có thể dừng lại mãi. Rất may mắn sau đó, anh đã hồi phục và tiếp tục con đường khuyến đọc.

Bây giờ thì mọi khó khăn giảm dần, anh mong, với hàng chục triệu bản sách đến tay trẻ em nông thôn, sau 20-50 năm nữa để Việt Nam trở thành một quốc gia hùng mạnh.

Chương trình Sách hóa nông thôn trực tiếp và gián tiếp đã thúc đẩy hơn 30.000 Tủ sách Phụ huynh, Tủ sách Lớp em, Tủ sách Dòng họ, Tủ sách Giáo xứ, Tủ sách Nhà tù… Phong trào “mừng tuổi sách”, tặng sách Noel, ngày Quốc tế thiếu nhi… cũng từ đây mà nhân lên. Các doanh nghiệp, chính trị gia, giáo viên, cha xứ, nhà sư, ni cô… đều đã vào cuộc. Trong đó, ông Bạch Ngọc Chiến, khi còn làm Phó Chủ tịch tỉnh Nam Định tham khảo mô hình của Sách hóa nông thôn và vận động doanh nghiệp triển khai 12.662 tủ sách lớp học tại Nam Định. Đáng mừng nhất là có hơn nửa triệu nông dân đưa sách đến lớp học con.

MỚI - NÓNG