> Cô hàng xóm váy ngắn chân dài
> 'Gái ế' dễ thành đồ chơi
Ảnh minh họa.. |
Văn phòng tạp chí Cosmopolitan ấn bản tiếng Trung nằm tại tầng hai của tòa nhà Beijing's Trends chật cứng người vào một chiều chủ nhật gần đây. Phần lớn trong số họ là những cô gái trẻ, độ tuổi từ ngoài 20 tới hơn 30, với phong thái đĩnh đạc, gương mặt xinh đẹp, trang sức đắt tiền và trang phục hợp mốt. Họ có mặt tại đây để tham gia buổi nói chuyện với Wu Di, 43 tuổi, tác giả một cuốn sách đang làm mưa làm gió ở Trung Quốc mang tên "Tôi biết vì sao em ế". Cuốn sách nói về hoàn cảnh đáng ngạc nhiên của rất nhiều phụ nữ trẻ: phải chịu cảnh độc thân ở đất nước đang có quá nhiều đàn ông.
Cuộc nói chuyện của Wu Di là sự kết hợp giữa một buổi tâm tình giữa những người phụ nữ, về các bí quyết trong tình yêu, và cũng là một bài giảng về kinh tế.
Sẽ thật thiếu sáng suốt nếu các cô gái dành phần lớn thời gian để chờ đợi một tình yêu vĩnh cửu, ngay cả khi niềm đam mê ấy có thể dẫn tới hôn nhân, Wu cảnh báo. Bằng những lập luận sắc bén không thua gì Bill Clinton, bà chứng minh rằng "không có có cách cụ thể nào để duy trì sự hấp dẫn như ngày đầu giữa vợ/chồng sau một thời gian dài hôn nhân". Những câu nói như thế này được rót vào tai một đám đông thính giả lắng nghe một cách nghiêm trang.
Trọng tâm cuộc nói chuyện của bà là về thực trạng "những cô nàng độc thân", hoặc còn có thể gọi là "gái ế". Người Trung Quốc cho rằng, "gái ế" là cụm từ dùng để chỉ những người phụ nữ ở một độ tuổi nhất định, có thể là 27 hoặc 30, những người chưa lập gia đình và bị cho là đã quá tuổi kết hôn. Càng ngày, "những cô nàng độc thân" càng trở thành một chủ đề vừa hài hước vừa đáng báo động được báo chí, phim ảnh, các chương trình truyền hình thực tế cũng như những cơ quan nghiên cứu xã hội của Trung Quốc khai thác. Theo một khảo sát năm 2010, hơn 90% nam giới nước này cho rằng phụ nữ hoặc phải kết hôn trước 27 tuổi hoặc phải đối mặt với nguy cơ ở vậy suốt đời.
Tuy nhiên, điều bất thường nhất ở đây lại là, con số trên không hề phù hợp với tình trạng thực tế. Đất nước Đông Á này đang ngày càng có ít phụ nữ. Trung Quốc là nơi mà cứ 118 bé trai ra đời thì mới có 100 bé gái, theo số liệu năm 2010. Theo đà đó, tới năm 2020, con số nam giới không thể kết hôn được dự tính sẽ lên tới 24 triệu người.
Vậy tại sao vẫn có rất nhiều phụ nữ không thể tìm được chồng?
Phóng viên khoa học Mara Hvistendahl, tác giả cuốn sách Chọn lọc phi tự nhiên (Unnatural Selection), cùng một số học giả, đã tập hợp các nguyên nhân dẫn tới việc mất cân bằng giới tính. Trong nhiều thế kỷ, xã hội Trung Quốc có xu hướng trọng nam khinh nữ, bởi theo truyền thống nước này, các cô gái sẽ phải lập gia đình và tới sống tại nhà chồng thay vì ở nhà và chăm sóc cha mẹ đẻ. Tiếp đó, chính sách một con thực hiện từ những năm 1980 giúp giảm tốc độ tăng dân số nhưng làm nảy sinh một hệ lụy khác. Đó là việc gia tăng tỷ lệ nạo phá thai nếu thai nhi là nữ. Việc lựa chọn giới tính bị cấm từ năm 1995, nhưng nỗ lực đó vẫn không thể khiến tình hình thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Kết quả là tới những năm 2020, ước tính sẽ có khoảng 15 tới 20% nam giới ở độ tuổi kết hôn ở Trung Quốc không thể tìm được vợ, theo Jiang Quanbao, Đại học Giao thông. Nhiều người nghĩ điều này sẽ khiến những cô gái độc thân Trung Quốc ngày càng được khao khát, nhưng thực tế lại phức tạp hơn rất nhiều.
"Tại sao tình trạng "gái ế" lại xảy ra ở Trung Quốc vào thời điểm này?", Wu Di nói, rồi tự trả lời câu hỏi của chính mình: "Đó là hệ quả của sự tăng trưởng GDP một cách chóng mặt".
"Trong quá khứ, không hề có cụm từ gái ế. Hiện tại, phụ nữ ngày càng giàu có và tài giỏi hơn. Vị thế tốt hơn khiến họ có yêu cầu cao hơn", bà nói. "Phụ nữ ngày nay thường dành tình cảm cho những người đàn ông sở hữu nhà riêng và xe hơi. Và không phải ai cũng có thể tìm được một người đàn ông như thế."
Bà cũng nói rằng phụ nữ không nên hạ thấp mức tiêu chuẩn của họ. Điều bà muốn nói là cách giúp các cô gái Trung Quốc tìm được một chàng trai trong mộng. Hơn 30 năm trước, giấy đăng ký kết hôn giống như một minh chứng cho sự trưởng thành. "Nếu không kết hôn, bạn sẽ không có được quyền cơ bản của một con người. Bạn không được phép quan hệ tình dục trước hôn nhân. Bạn cũng không được quyền đứng tên một căn hộ nếu chưa lập gia đình", bà phân tích.
Ngày nay, những rào cản ấy đã sụp đổ. Tại sao phải kết hôn nếu bạn chưa tìm được một người đàn ông phù hợp? "Tương lai sẽ còn thay đổi", Wu dự đoán. "Các thành phố lớn ở Trung Quốc sẽ chứa đầy những cô nàng độc thân. Những người có thể chấp nhận được các thiếu sót và khuyết điểm của nam giới sẽ đi tới hôn nhân. Những người không thể làm được việc đó, sẽ phải sống độc thân", Wu kết luận.
Tất cả lý thuyết này không phải những gì mà Sabrina, một cô gái 26 tuổi có mặt trong căn phòng, sở hữu một vóc dáng mảnh mai và gương mặt xinh đẹp, chờ đợi được nghe.
"Tôi tưởng bà ấy có thể mang tới những lời khuyên thực tế hơn về cách mở rộng các mối quan hệ xã hội", cô nói. Sabrina có mặt tại đây là bởi cô thực sự muốn kết hôn và không muốn bị liệt vào danh sách "gái ế" khi bước sang tuổi 27. Với bằng tốt nghiệp ở một trường đại học danh tiếng, công việc ổn định và vẻ ngoài hấp dẫn, không thể tin rằng Sabrina đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một tấm chồng.
Năm 2006, tờ Cosmopolitan Trung Quốc có một bài viết với tiêu đề "Xin chào thời đại của những cô nàng độc thân". Thực tế, quan điểm hôn nhân ở Trung Quốc đang thay đổi: phụ nữ ở thành thị ngày càng kết hôn muộn hơn, và những người có học vấn thường lập gia đình muộn nhất.
Người Trung Quốc có một câu ngạn ngữ cổ: "Con gái vua chẳng lo tìm chồng". Nhưng Wang Feng, một nhà xã hội học, đã phân tích rằng truyền thống trước đây không còn phù hợp trong hoàn cảnh hiện tại. "Theo khảo sát của tôi, con gái của những gia đình khá giả thường gặp khó khăn trong việc tìm chồng. Họ có xu hướng kết hôn rất muộn", ông nói.
Điều này xảy ra một phần vì sự bùng nổ kinh tế ở Trung Quốc. Năm 1982, chỉ 5% phụ nữ ở thành thị trong độ tuổi từ 25 tới 29 ở tình trạng độc thân. Tới năm 1995, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi.
Tỷ lệ độc thân ở những người có học vấn cao luôn cao nhất. Theo nghiên cứu của ông Wang, vào năm 2005, gần 7% phụ nữ 45 tuổi có bằng đại học ở Thượng Hải sống độc thân. "Đó là điềm báo cho những gì sẽ xảy ra ở những khu vực khác trên khắp đất nước", ông nói, nhắc tới một câu nói đùa phổ biến, đó là có ba giới tính ở Trung Quốc: đàn ông, phụ nữ, và phụ nữ có bằng tiến sĩ. Đàn ông kết hôn với phụ nữ, còn phụ nữ với bằng tiến sĩ thì sống độc thân cả đời.
Tuy nhiên, điều này không chỉ xảy ra ở Trung Quốc. Tại nhiều nền kinh tế ở Đông Á, phụ nữ, đặc biệt là những người có trình độ và mức thu nhập cao, ngày càng có xu hướng không kết hôn. Theo báo cáo của The Economist, có một phần ba phụ nữ Nhật Bản và 20% phụ nữ Đài Loan trong độ tuổi 30 vẫn sống độc thân. Có rất ít lý do để nghi ngờ Trung Quốc, mơi chỉ còn 49% người dân sống ở nông thôn, sẽ không phát triển theo hướng tương tự.
Sự mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc, cùng với việc ngày càng có thêm nhiều phụ nữ quyết định không kết hôn, sẽ đẩy đàn ông độc thân của nước này lâm vào cảnh khó khăn hơn nữa.
Theo một cuộc điều tra của Wang trên 2.000 người Trung Quốc, chỉ có 1% nam giới từng tốt nghiệp đại học còn độc thân ở tuổi 40, trong khi có tới 25% những người có thu nhập thấp và không có bằng đại học vẫn chưa kết hôn khi đã 40 tuổi. Một xã hội có nhiều đàn ông độc thân sẽ kéo theo việc gia tăng tỷ lệ phạm tội và các hành vi bạo lực. Chính phủ Trung Quốc có một câu khẩu hiệu quen thuộc, đó là "Gia đình ổn định là nền tảng của xã hội ổn định". Bắc Kinh thực sự đang phải đối mặt với một nguy cơ rất rõ ràng.
Tình trạng "gái ế" không chỉ ảnh hưởng tới những người phụ nữ độc thân của trong xã hội Trung Quốc hiện đại. Áp lực với các chàng trai trẻ và gia đình của họ ngày càng gia tăng, khi việc sở hữu nhà riêng và xe hơi chính là yếu tố quan trọng để khiến họ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các cô gái. Theo một khảo sát của website mai mối Baihe, 68,3% phụ nữ tại các thành phố lớn của Trung Quốc cho rằng nam giới phải sở hữu ít nhất một căn hộ trước khi kết hôn.
Trong khi đó, tổng biên tập tờ Cosmopolitan Trung Quốc, Xu Wei, nói, sau khi phổ biến cụm từ "gái ế", chính bà là người đang cố gắng để giảm nhẹ ý nghĩa của nó. "Chúng tôi muốn tạo hình ảnh tích cực hơn cho người phụ nữ hiện đại". Bên cạnh đó, bà giải thích, sự gia tăng "những cô nàng độc thân" cho thấy tiêu chuẩn chọn bạn đời của phụ nữ đang thay đổi nhanh chóng.
Nếu là một thế kỷ trước, phụ nữ sẽ không có quyền quyết định cuộc sống cho riêng mình. Nhưng ngày nay, với những biến động kinh tế và sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo, thì cho dù tính cách của con người vẫn là nhân tố quan trọng, nhưng người chồng/vợ sẽ quan trọng hơn trong việc quyết định bạn đi xe đạp hay đi ô tô.
Vấn đề là, những người phụ nữ có học thức ở Trung Quốc ngày càng biết họ cần gì cho cuộc sống. Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc tìm kiếm một người chồng trong mộng ngày càng khó khăn hơn.
Annie Xu, 30 tuổi, là một cô gái có vẻ ngoài hoàn hảo. Vóc dáng thanh mảnh, mái tóc dài chấm vai, cặp mắt to và làn da không tì vết. Cảm giác của Xu chao qua chao lại giữa lo sợ và hài lòng. Một mặt, cô cho rằng "30 là một độ tuổi rất nguy hiểm", mặt khác, cô lại nói: "Tôi chả lo gì khi đã 30 tuổi mà vẫn còn độc thân. Chỉ đơn giản là, khi bạn bước qua độ tuổi ấy, cái gì cũng là chuyện bình thường".
Tốt nghiệp đại học, xinh đẹp, tự chủ về tài chính, là phóng viên của một trong những tờ báo tên tuổi nhất Bắc Kinh, nói tóm lại thì Annie Xu là một đám cực tốt. Nhưng cô đang ngày càng ngạc nhiên với chính bản thân mình, khi nhận thấy cô ngày càng dành nhiều thời gian cho công việc thay vì hẹn hò trong vô vọng hoặc kết thân với những người bạn chỉ muốn lợi dụng. Nếu tìm thấy một nửa như ý, cô vẫn muốn lập gia đình. Tuy nhiên, khi được hỏi rằng chuyện gì sẽ xảy ra nếu vẫn độc thân vào năm 50 tuổi, Xu nói: "Tôi nghĩ mọi chuyện sẽ ổn thôi. Điều tôi sợ nhất là phải kết hôn với một người đàn ông không hợp ý mình".
Theo Quỳnh Hoa
Foreign Policy/ VnExpress