Ba đội chiến thắng tương ứng với 3 bảng đấu Code Rookie, Code Warrior và Code Master là SqrtDecomposition, BeachCityBoys và DisjoinHeadUnion. Đặc biệt, đội SqrtDecomposition sở hữu bảng thành tích đáng nể: Huy chương Bạc ICPC Khu vực 2017, giải Nhất ICPC Toàn quốc 2018, 2019, 2020; hai lần vô địch Topcoder và một lần vô địch Kickstart.
Nhiều ứng viên là học sinh, sinh viên từng đạt thành tích cao trong các cuộc thi lập trình quốc gia và quốc tế. |
Ngoài ra, nhằm đáp ứng mong muốn tham gia chương trình của rất nhiều thí sinh bên ngoài khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, Ban Tổ chức đã đưa ra Giải Khách mời. Theo đó, mỗi bảng sẽ chọn ra 3 đội “khách mời” có điểm số cao nhất vòng bảng để tranh giải "Đội khách mời xuất sắc nhất". Chung cuộc, chiến thắng đã gọi tên ba đội Hardest Seat Ever, 90 VHB, CHN_Han_Doi_Vo_Doi.
Bên cạnh giải thưởng tiền mặt, các thí sinh trong các đội chiến thắng còn giành cơ hội thực tập và làm việc tại FPT Software - công ty công nghệ toàn cầu với hơn 27.000 nhân viên.
'Da Nang Code League 2023' diễn ra từ 10/3 - 6/5, dành riêng cho cộng đồng CNTT khu vực miền Trung – Tây Nguyên, thu hút gần 1.200 thí sinh thi đấu. Nhiều ứng viên là người nước ngoài đến từ các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, và nhiều học sinh, sinh viên từng đạt thành tích cao trong các cuộc thi lập trình quốc gia và quốc tế. Thí sinh nhỏ tuổi nhất chỉ mới học lớp 10 nhưng đã thể hiện năng lực vượt trội cạnh tranh với các nhân tố khác.
Sau vòng sơ loại trực tuyến diễn ra vào 15/4, 45 đội chơi xuất sắc nhất thuộc ba bảng đấu tiến vào chung kết trực tiếp tại Đà Nẵng. Tại đây, các đội sử dụng một trong bốn ngôn ngữ lập trình phổ biến là C, C++, Java và Python 3 để giải các câu hỏi do hội đồng chuyên môn đưa ra. Hội đồng chuyên môn gồm các giảng viên trường ĐH Bách Khoa và các chuyên gia công nghệ có trên 10 năm kinh nghiệm của FPT Software.
Đề thi và môi trường thi đấu của 'Da Nang Code League' được thiết lập theo tiêu chuẩn kỳ thi lập trình quốc tế ICPC. Các bài toán vòng chung kết được thiết kế theo dạng interactive problems (bài toán tương tác) chủ đề mang tính ứng dụng thực tế với độ khó tăng dần. Ngoài giải thuật lập trình, các đội thi phải có kỹ năng làm việc nhóm, đòi hỏi tính chuẩn xác và cường độ làm việc rất cao. Bài thi được chấm tự động bằng máy, tính điểm theo hai dạng bài đúng/sai và trường hợp cụ thể. Để đảm bảo tính công bằng, Ban Tổ chức cũng triển khai hệ thống tự động dò quét, kiểm duyệt các bài thi.