Gần 20 tỷ đồng thực hiện các sáng kiến bảo tồn đa dạng sinh học miền Trung – Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cùng với nguồn tài trợ hơn 15 tỷ đồng đến từ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, dự án “Huy động nguồn tài chính cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững tại TP Đà Nẵng” còn kêu gọi thêm hơn 4,6 tỷ đồng thực hiện các sáng kiến, dự án cộng đồng.

Chiều 24/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Viện Gustav-Stresemann (GSI) tổ chức hội thảo tổng kết Dự án “Huy động nguồn tài chính cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững tại TP Đà Nẵng”.

Gần 20 tỷ đồng thực hiện các sáng kiến bảo tồn đa dạng sinh học miền Trung – Tây Nguyên ảnh 1Gần 20 tỷ đồng thực hiện các sáng kiến bảo tồn đa dạng sinh học miền Trung – Tây Nguyên ảnh 2

Báo cáo và chia sẻ kinh nghiệm triển khai các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao nhận thức của người dân. (Ảnh: Giang Thanh)

Đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các tổ chức đăng ký hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học tại Đà Nẵng và một số tỉnh tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Dự án được Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam tài trợ hơn 15 tỷ đồng. Trong 42 tháng thực hiện (từ tháng 7/2020 đến tháng 12/2023), dự án cũng huy động các doanh nghiệp và tổ chức tài trợ thêm hơn 4,6 tỷ đồng để thực hiện các ý tưởng, dự án về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.

Gần 20 tỷ đồng thực hiện các sáng kiến bảo tồn đa dạng sinh học miền Trung – Tây Nguyên ảnh 3

Nhiều sáng kiến được triển khai hướng đến các đối tượng thụ hưởng là các nhóm yếu thế ở địa phương

Theo ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm GreenViet – Giám đốc dự án, có 5 hợp phần quan trọng, gồm: bảo tồn quần thể Voọc chà vá chân nâu ở Bán đảo Sơn Trà; tiếp cận doanh nghiệp gây quỹ để tài trợ các sáng kiến (hơn 4,6 tỷ đồng); tài trợ 25 ý tưởng, dự án; tổ chức 4 chiến dịch nâng cao nhận lực cho cộng đồng (mỗi chiến dịch 3–5 tháng) và đóng góp vào quỹ bảo tồn động thực vật hoang dã của Việt Nam.

Nhiều mô hình được triển khai, bên cạnh góp phần bảo tồn đa dạng sinh học còn tạo sinh kế cho người dân bản địa, các nhóm yếu thế ở địa phương như: Mô hình cà phê vườn rừng tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị); Mô hình bảo tồn và phát triển cây thuốc nam của cộng đồng Cơ Tu tại huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế); Mô hình Tổ phụ nữ bảo tồn Sa sâm bản địa trên vùng đất cát (tỉnh Quảng Bình)....

Gần 20 tỷ đồng thực hiện các sáng kiến bảo tồn đa dạng sinh học miền Trung – Tây Nguyên ảnh 4

Mô hình Tổ phụ nữ bảo tồn Sa sâm bản địa trên vùng đất cát (tỉnh Quảng Bình) đã phát triển được vùng nguyên liệu khoảng 1.500m2 và chuẩn bị mở rộng. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và đưa ra thị trường

Gần 20 tỷ đồng thực hiện các sáng kiến bảo tồn đa dạng sinh học miền Trung – Tây Nguyên ảnh 5

Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, đánh giá cao các kết quả của dự án và sẵn sàng tài trợ các sáng kiến, dự án chống biến đổi khí hậu

Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ nâng cao năng lực cho hơn 50 tổ chức xã hội, CLB, đoàn thể hoạt động trong lĩnh vực này; huy động nguồn lực tài trợ từ doanh nghiệp và cộng đồng để trồng hơn 13.924 cây xanh đô thị, góp phần thực hiện “Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” của Chính phủ...

Ông Lavian Richi Jesusm, Phó trưởng ban Hợp tác của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, đánh giá cao các kết quả của dự án. "Nhiều sáng kiến không chỉ góp phần bảo vệ đa dạng sinh học mà còn bảo vệ môi trường. Liên minh Châu Âu rất quan tâm đến vấn đề này và sẵn sàng hợp tác với các sáng kiến, dự án, tổ chức trong chống biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học", ông Jesusm cho hay.

Dự án “Huy động nguồn tài chính cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững tại TP Đà Nẵng” được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt tại Quyết định số 1709/QĐ-UBND ngày 14/5/2020, giao Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP làm chủ dự án, Trung tâm GreenViet và Viện GSI phối hợp thực hiện.

MỚI - NÓNG