Gần 50% cơ sở giáo dục đại học đưa môn học Khởi nghiệp vào giảng dạy

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ GD&ĐT cho biết tỉ lệ cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 30% (năm 2020) lên 48% (năm 2022).

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1665 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Mục tiêu của Đề án là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các nhà trường. Tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Gần 50% cơ sở giáo dục đại học đưa môn học Khởi nghiệp vào giảng dạy ảnh 1

Sau khi Đề án được ban hành, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của ngành Giáo dục với một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như đẩy mạnh thông tin, truyền thông; hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp; tạo môi trường hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.

Thông tin tại Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, Bộ GD&ĐT cho biết thời gian qua, Bộ phối hợp với các Bộ, ngành ban hành một số cơ chế chính sách giúp các địa phương, các đơn vị có cơ chế để triển khai các nhiệm vụ giải pháp nhằm hỗ trợ thực hiện đề án. Song song với đó, Bộ đang chuẩn bị hoàn thiện ban hành Bộ tiêu chí đánh giá cơ sở giáo dục đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đây là một thước đo quan trọng giúp cộng đồng đánh giá về hệ sinh thái khởi nghiệp và tầm ảnh hưởng đó với cộng đồng, xã hội.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tỉ lệ cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 30% (năm 2020) lên 48% (năm 2022); 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp; 100% các cơ sở đào tạo xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên. Khởi nghiệp cũng góp phần đổi mới căn bản phương pháp dạy và học trong các trường đại học và cao đẳng, đưa môi trường đào tạo trở thành nơi sáng tạo tri thức mới.

Đến nay, có 60% các cơ sở đào tạo đã thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của mình, 90 cơ sở đào tạo đã bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên.

Ngoài ra, 45 cơ sở đào tạo đã thành lập các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, trong đó có 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên.

Bộ GD&ĐT đã hỗ trợ 10 địa phương tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục phổ thông. Cùng với đó hỗ trợ 23 cơ sở giáo dục đại học tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp; Ký kết với 8 doanh nghiệp đồng hành cùng Bộ trong việc huy động nguồn lực triển khai Đề án 1665 giai đoạn 2 (năm 2022-2025).

MỚI - NÓNG