“Tôi là ai?”
Trước khi đến với con đường nghiên cứu, Quốc Toàn cho biết từng có thời gian lao đao để giải đáp câu hỏi “Tôi là ai?”. Trong 2 năm 23 và 24 tuổi anh chàng rơi vào khủng hoảng khi trên hành trình tìm ra điều bản thân muốn làm.
Sau khi tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, Toàn đã thử qua rất nhiều công việc từ nhân viên bán hàng, nhân viên chạy quảng cáo mạng xã hội, nhân viên đào tạo, lập trình viên,... Có thời điểm anh chàng đã có công việc toàn thời gian với chế độ tốt tại một công ty Nhật Bản tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau vô số lần trải nghiệm đó Toàn nhận thấy bản thân phù hợp với một công việc mỗi ngày đều có cơ hội tìm hiểu và phát triển những điều mới mẻ, hơn là một công việc lặp đi lặp lại.
Ngay khoảnh khắc đó, Quốc Toàn nộp đơn xin thôi việc. Đại dịch COVID-19 bất ngờ ập đến khiến một cậu sinh viên mới tốt nghiệp, đến từ tỉnh lẻ, gần như kinh nghiệm bằng 0 với thành tích học tập thời đại học không quá xuất sắc hoảng sợ, đối diện với hai chữ “thất nghiệp”.
Không để bản thân chìm trong sự tiêu cực quá lâu, anh chàng bắt đầu lên kế hoạch chi tiết cùng niềm tin mãnh liệt rằng học Thạc sĩ tại nước ngoài là con đường duy nhất để thoát ra khỏi sự khủng hoảng lúc bấy giờ.
“Du học tự túc với mình và gia đình là không thể, giành được học bổng là cơ hội duy nhất để mình có cơ hội này. Ngoài tiếng Anh khá ra, mình đã quyết định nộp hồ sơ và viết một thư động lực gửi đến Đại học Hongik, Hàn Quốc”, Toàn nhớ lại.
Nguyễn Quốc Toàn hiện đang theo học chương trình Tiến sĩ chuyên ngành trí tuệ nhân tạo (AI) tại Đại học Công nghệ Sydney (University of Technology Sydney (UTS). |
Sau khi phỏng vấn và đánh giá, Quốc Toàn may mắn nhận được “Học bổng toàn cầu” (Global Scholarship), chi trả toàn bộ học phí và sinh hoạt phí. Ngày đầu đặt chân đến Đại học Hongik, Hàn Quốc, Toàn đã dám tự tin nói với bản thân mình rằng đã vượt qua khó khăn, khủng hoảng tuổi 23.
Được sống tại đất nước có nền giáo dục thuộc nhóm phát triển hàng đầu tại Châu Á, Quốc Toàn có cơ hội kết nối với các anh chị và bạn bè xuất sắc đến từ Việt Nam và khắp nơi trên thế giới. Các giáo sư lâu năm tại Đại học Hongik cũng đều tốt nghiệp từ các trường Đại học hàng đầu thế giới.
Qua quan sát, tư vấn, trò chuyện cùng mọi người cùng với các dự án nghiên cứu nam du học sinh cùng giáo sư hướng dẫn, cân nhắc kế hoạch sau khi tốt nghiệp. Năm 24 tuổi, sau khi kết thúc năm đầu tiên, Toàn khẳng định chắc nịch nghiên cứu khoa học là đam mê của mình và học Tiến sĩ là bước đến tiếp theo.
Bởi vậy, Quốc Toàn đã bắt đầu chuẩn bị hồ sơ học Tiến sĩ vào đầu năm 2 khi đang học Thạc sĩ tại Đại học Hongik. Tháng 6 năm 2022, anh chàng bắt đầu chuẩn bị các bài báo khoa học và tìm kiếm đều đặn mỗi ngày trên các diễn đàn, website thông tin về học bổng Tiến sĩ.
Toàn chia sẻ: “Mình bắt đầu tìm hiểu về cuộc sống và tham khảo lời khuyên từ các anh chị nghiên cứu sinh Việt Nam đi trước tại nhiều quốc gia trên thế giới. Để tìm ra được một vài quốc gia mà mình thấy phù hợp nhất”.
Trước khi sang Úc du học, Quốc Toàn từng hoàn thành chương trình học Thạc sĩ tại Hàn Quốc. |
Bật mí về bước quan trọng trong quá trình chuẩn bị, Toàn nói thời gian là một trong những điều quan trọng nhất. Toàn đã tận dụng mọi cơ hội xung quanh để xác định được mục tiêu sớm nhất sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ để chuẩn bị hồ sơ thật đẹp về điểm học tập (GPA) cũng như các công bố khoa học.
Tiếp theo là tìm hiểu các loại học bổng khác nhau. Điều này giúp Toàn hiểu các yêu cầu và tiêu chí của các học bổng, trong lĩnh vực mình theo đuổi. Thêm vào đó, ngoài kỹ năng chuyên môn ra thì hai kỹ năng mềm là phỏng vấn và giao tiếp là cực kỳ quan trọng.
“Hai giáo sư tại Đại học Hamburg (Đức) và Đại học Surrey (Vương Quốc Anh) đã chia sẻ rằng họ nhận được rất nhiều hồ sơ với các thành tích nghiên cứu tốt hơn mình, nhưng lý do thầy chọn mình là vì đánh giá rất cao sự tự tin, rành mạch, chuyên nghiệp và chỉn chu qua các buổi phỏng vấn”, Quốc Toàn nói thêm.
Cuối cùng là ngoại ngữ, rất nhiều bạn có hồ sơ và thành tích rất tốt nhưng vì tiếng Anh không đủ điểm nên bị vụt mất cơ hội tại các nước như Mỹ, Vương Quốc Anh, Úc,...
Chiến thuật 50/30/20
Để lựa chọn được trường đại học phù hợp, Toàn cho biết phải có một chiến thuật thật kỹ theo năng lực và hồ sơ của bản thân. Đầu tiên, Toàn xác định Vương Quốc Anh, Ireland, Đức, Hà Lan, New Zealand, và Úc là các quốc gia muốn học. Chiến thuật 50/30/20 được anh chàng áp dụng bằng cách một nửa số lượng đơn nộp dành cho các trường trong top từ 300-500, đây là top vừa sức và có khả năng đậu cao nhất.
Sau đó là nhóm 100-300, một phần ba đơn nộp vào nhóm này. Toàn cho biết nhóm này sẽ hơi khó vào, nhưng nên thử sức để không bỏ lỡ cơ hội tốt. Và cuối cùng là nhóm chiếm 20% số lượng đơn nộp. Quốc Toàn gọi là nhóm ‘dream schools’ (những ngôi trường mơ ước), thuộc top 100 Đại học hàng đầu thế giới.
“Nhóm này mình đánh giá là quá sức so với mức hồ sơ, nhưng vẫn nên thử may mắn của bản thân đến đâu”, Toàn nói thêm.
14 tháng nỗ lực không ngừng nghỉ đó, cuối cùng thì thành quả mình nhận được là 4 suất học bổng toàn phần. |
Về CV, thư giới thiệu, bài luận cá nhân, các thành tích nghiên cứu, để tăng cơ hội học bổng, ngoài câu hỏi ‘Làm thế nào để hồ sơ trông chuyên nghiệp nhất?’, Toàn còn tự hỏi ‘Làm thế nào để hồ sơ phù hợp với học bổng mình nộp nhất?’. Thế nên, mỗi khi nhìn vào tin tuyển học bổng anh chàng đều ngồi phân tích để chuẩn bị hồ sơ hợp lý nhất. Do đó, với một CV Toàn chỉ có thể dùng được cho đơn nộp của 2-3 nơi.
Đồng thời với bài luận cá nhân hay thư động lực, mỗi trường nam GenZ đều có một thư riêng để phù hợp với từng vị trí học bổng.
Hành trình chinh phục học bổng toàn phần Tiến sĩ của Toàn còn gắn với thời gian học Thạc sĩ căng thẳng ở Hàn. Anh chàng gần như đến trường mỗi ngày bao gồm cả cuối tuần để tự học. Ngoài ra, thời gian đầu bắt đầu viết báo khoa học Quốc Toàn đều thức dậy từ 5 giờ rưỡi sáng đến 9 giờ đêm để vừa học đảm bảo điểm cao trên lớp, vừa làm thí nghiệm và viết các bài báo khoa học. Thêm vào đó, viết đề xuất nghiên cứu cũng rất khó khăn đòi hỏi anh phải học hỏi và tìm tòi cực kỳ nhiều để có được câu hỏi nghiên cứu để giải quyết.
Hành trình 14 tháng miệt mài chuẩn bị, Quốc Toàn vẫn nhớ như in cảm xúc hạnh phúc vỡ òa khi nhận được email thông báo giành học bổng toàn phần Tiến sĩ.
Toàn kể: “Mình và anh bạn cùng nhà ôm nhau hét lên vui sướng. Lúc đó, mình còn run đến nỗi tầm vài phút sau mới cầm điện thoại gọi cho ba mẹ anh được. Mình xem đây là bước ngoặt của cuộc đời.
14 tháng nỗ lực không ngừng nghỉ đó, cuối cùng thì thành quả mình nhận được là 4 suất học bổng toàn phần bao gồm Đại học Surrey và Đại học Ulster, Vương Quốc Anh. Đại học Hamburg (Marie Skłodowska-Curie Actions (MSCA), Đức và Đại học Công nghệ Sydney, Úc”.
Quốc Toàn khẳng định dù đi đâu, làm gì thì anh chàng vẫn luôn hướng về quê hương Việt Nam. |
Cuối cùng Quốc Toàn chọn theo học chương trình Tiến sĩ chuyên ngành trí tuệ nhân tạo (AI) tại Đại học Công nghệ Sydney (University of Technology Sydney (UTS).
“Mình đã đi được ¼ chặng đường tại Đại học Công nghệ Sydney. Mọi thứ ở trường rất tuyệt vời. Mặc dù nghiên cứu vất vả và căng thẳng nhưng anh cảm thấy rất vui và tận hưởng nó mỗi ngày. Thêm vào đó khí hậu ở Sydney khá dễ chịu và người dân ở đây cũng rất dễ mến nên Úc là một nơi rất đáng cân nhắc để du học”, Toàn bày tỏ.
Gửi đến các bạn trẻ đang nung nấu ước mơ đi du học, Toàn nhắn nhủ ngoài cố gắng học tập thật tốt, các bạn phải cố gắng trau dồi ngoại ngữ mỗi ngày. Đừng chỉ ước mơ mà hãy mạnh dạn hành động để bước ra khỏi vùng an toàn của mình, đừng bao giờ để những lời tiêu cực xung quanh làm bạn mất đi ý chí.
Nhắc về dự định tương lai, Quốc Toàn khẳng định dù đi đâu, làm gì thì anh chàng vẫn luôn hướng về quê hương Việt Nam. Hiện tại, Toàn đang cố gắng hợp tác nghiên cứu phát triển AI cùng với các thầy/cô và các bạn tại Việt Nam.
Đồng thời Toàn còn hỗ trợ giúp các bạn trẻ tại Việt Nam tìm cơ hội học tập và nâng cao kiến thức tại các quốc gia phát triển.
“Việt Nam đang phát triển rất nhanh, mình tin rằng nếu các bạn trẻ có nhiều cơ hội hơn để du học, sau đó cống hiến cho quê hương, thì tốc độ phát triển của Việt Nam mình sẽ còn nhanh hơn rất nhiều nữa”, Toàn bộc bạch.
Ảnh: NVCC