Gia đình nạn nhân thảm họa Itaewon vẫn bị khủng bố tinh thần

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tháng 10 năm ngoái, người con trai 24 tuổi của ông Lee Jong-chun trở thành một trong hơn 150 nạn nhân thiệt mạng trong vụ giẫm đạp kinh hoàng ở quận Itaewon, Hàn Quốc. Sau đó, câu chuyện của gia đình ông bị giễu cợt trên mạng.
Gia đình nạn nhân thảm họa Itaewon vẫn bị khủng bố tinh thần ảnh 1

Giầy của các nạn nhân bị rơi ở hiện trường sau vụ giẫm đạp Itaewon tháng 10/2022. (Ảnh: Jiji)

Đau buồn khôn xiết, ông Lee nhiều lần trả lời báo chí, kêu gọi các chính trị gia Hàn Quốc hành động.

Sau đó, bi kịch của gia đình ông Lee bị giễu cợt, coi thường và diễn giải sai lệch trên mạng.

Hình ảnh của ông Lee bị chỉnh sửa để biến ông thành người đang cười mãn nguyện sau khi nhận được tiền đền bù, thậm chí câu chuyện bị xuyên tạc theo hướng ông có quan hệ với Triều Tiên. Ông Lee và gia đình trở thành "bao cát trên các diễn đàn trong nước".

“Thật không thể diễn tả nổi những gì mà người ta bình luận”, Ga-young, con gái ông Lee, cho biết. Mỗi thông tin về gia đình họ đều nhận được vài trăm bình luận chỉ trong vài phút, phần lớn tiêu cực.

Tại căn hộ của họ ở thành phố Goyang gần thủ đô Seoul, phòng ngủ của người con trai quá cố vẫn còn nguyên vẹn kể từ khi anh rời khỏi đó vào ngày 29/10/2022. Quần áo của anh còn treo trên cửa, cuốn sách đang đọc dở vẫn nằm trên giường.

“Ngày hôm đó thay đổi cuộc sống của chúng tôi mãi mãi”, bà Cho Mi-eun chia sẻ, và cho biết bà vẫn nghe lại các tin nhắn thoại cũ vì nhớ giọng con trai.

“Đêm nào bố nó cũng ra ngoài chờ con, có khi suốt mấy tiếng. Ông ấy bảo ra ngoài hút thuốc, nhưng chúng tôi biết ông ấy chờ con về”, bà Cho cho biết.

Bà kể rằng chồng bà đã nhiều lần nghĩ đến việc tự tử sau khi con trai qua đời và những lần bị cư dân mạng tấn công.

Gia đình các nạn nhân vụ giẫm đạp ở Itaewon muốn có câu trả lời rằng vì sao chính quyền không thể ngăn thảm họa đó xảy ra, dù trước đó đã có nhiều dấu hiệu báo trước.

Một số gia đình nạn nhân lập nhóm để yêu cầu chính quyền chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, cư dân mạng cho rằng nỗ lực đấu tranh này là để tấn công chính phủ, cho rằng họ là những kẻ trục lợi đòi bồi thường, hoặc để chống đối chính phủ.

Theo các chuyên gia, chính phủ lo ngại thảm họa này có thể gây tổn hại chính trị. Chính phủ bảo thủ trước đây đã đánh mất quyền lực một phần do xử lý không thỏa đáng thảm họa chìm phà Sewol năm 2014, khiến hơn 300 người thiệt mạng.

Vì thế, một số nghị sĩ của đảng cầm quyền lần này chỉ trích gia đình các nạn nhân trong các phiên họp quốc hội, dẫn đến việc các gia đình bị chỉ trích trên mạng.

Các nghị sĩ cũng ủng hộ nhiều thuyết âm mưu. Có thuyết âm mưu cho rằng đám đông giẫm đạp lên nhau vì dầu thực vật mà các thành viên của nghiệp đoàn kết hợp với phe đối lập đổ ra đường. Thuyết khác ám chỉ rằng những người đó thiệt mạng do dùng ma túy trái phép.

Cuộc điều tra chính thức của cảnh sát không tìm thấy bằng chứng nào để khẳng định những cáo buộc đó là đúng.

Tuy nhiên, môi trường chính trị phân cực lớn ở Hàn Quốc cho phép những thông tin như vậy lan truyền. Hai ngày sau khi thảm họa xảy ra, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duk-soo kêu gọi người dân không “phát biểu hận thù, lan truyền thông tin thêu dệt hay chia sẻ hình ảnh rùng rợn” về thảm họa.

Tuy nhiên, chính phủ không làm gì để bảo vệ gia đình các nạn nhân trước nhiều lời lẽ tấn công, chị Kim Yu-jin cho biết. Người em gái 24 tuổi của chị cũng thiệt mạng trong thảm họa Itaewon.

Một thiếu niên 16 tuổi sống sót sau vụ giẫm đạp đã tự tử vào tháng 12 năm ngoái, một phần vì sốc trước những lời lẽ trên mạng, gia đình các nạn nhân cho biết.

Thủ tướng Han nói rằng chính phủ không chịu trách nhiệm trong vụ này, vì lỗi là do nạn nhân không có ý chí “đủ mạnh”. Một bàn thờ mà các gia đình nạn nhân lập ra ở địa điểm thảm họa cũng trở thành điểm nóng, sau khi chính quyền dọa sẽ gỡ bỏ, và nhiều YouTuber cực hữu đã lạm dụng nó khi làm các chương trình trực tiếp.

Theo JiJi
MỚI - NÓNG