Giải mã gen văn hóa kiến trúc Việt Nam

TPO - KTS Hoàng Thúc Hào - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đưa khái niệm và phân tích về bộ gen văn hóa kiến trúc Việt Nam. Hội thảo “Vai trò kiến trúc với phát triển bền vững văn hóa - kinh tế - xã hội” diễn ra ngày 22/4, thu hút hàng trăm kiến trúc sư, nhà quản lý và chuyên gia các lĩnh vực khác.

Đóng góp lớn suốt chặng 75 năm

Trung tâm Tinh hoa làng nghề (Bát Tràng) được lựa chọn là điểm quy tụ cả trăm kiến trúc sư, nhà khoa học, nhà quản lý để bàn về Vai trò kiến trúc với phát triển bền vững văn hóa - kinh tế - xã hội. Đây là một trong những hoạt động nổi bật nhân kỷ niệm 75 năm Hội kiến trúc sư Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh trong tiến trình phát triển của nhân loại và các quốc gia, kiến trúc được coi là một loại hình nghệ thuật - khoa học, kỹ thuật có tính đặc thù cao và gắn bó hữu cơ với sự phát triển của lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế - xã hội và tổ chức không gian sống của con người và xã hội.

Giải mã gen văn hóa kiến trúc Việt Nam ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chúc mừng các kiến trúc sư dịp 75 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

“Kiến trúc có vai trò quan trọng với đời sống kinh tế, xã hội, con người và với nhiều mức độ. Kiến trúc thể hiện bản sắc văn hóa, trình độ phát triển của mỗi quốc gia. Gắn liền với lịch sử Dân tộc, nền Kiến trúc Việt Nam hình thành, từng bước phát triển phù hợp với đặc điểm của từng giai đoạn, thời kỳ phát triển của đất nước và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn”, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nói.

Đánh giá cao và chúc mừng những thành tựu của kiến trúc và đóng góp của các kiến trúc sư, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cũng chỉ ra nhiều thách thức của nền kiến trúc Việt Nam: Kinh tế tri thức, hội nhập sâu rộng, các vấn đề toàn cầu truyền thống, phi truyền thống và công cuộc đổi mới đất nước ta. Điều này đặt ra và đòi hỏi đội ngũ Kiến trúc sư Việt Nam cần phải có những nỗ lực mới, yêu cầu mới.

Giải mã gen văn hóa kiến trúc Việt Nam ảnh 2

Chủ tịch Hội KTS Việt Nam TS.KTS Phan Đăng Sơn nhấn mạnh vai trò của kiến trúc đóng góp vào phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội.

Ông cũng hy vọng những người làm kiến trúc có tính phản biện xã hội. Để môi trường không gian nông thôn, đô thị phát triển bền vững, hoạt động kiến trúc được thực hiện một cách khoa học, tôn trọng các giá trị văn hóa cốt lõi truyền thống. Hoạt động kiến trúc cần có môi trường lành mạnh, có sự hỗ trợ và bảo vệ của pháp luật.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng mong muốn các chuyên gia tập trung làm rõ thành tựu, xác định vai trò của kiến trúc và kiến trúc sư nhất là vai trò phản biện xã hội, tạo lập không gian đô thị, nông thôn...

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam TS.KTS Phan Đăng Sơn đề dẫn hội thảo, trình bày tham luận về vai trò của kiến trúc với phát triển bền vững đất nước. Ông nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong bốn điều quan trọng cho dân sinh: Ở và đi lại là hai vấn đề cũng cần thiết như ăn và mặc. Vì vậy kiến trúc làm một việc rất quan hệ”.

Ông cũng nhắc tới định hướng Hội Kiến trúc sư Việt Nam tiếp tục thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Luật Kiến trúc, Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19-7-2021 của Thủ tướng…

Giải mã gen văn hóa kiến trúc Việt Nam ảnh 3

Dịp hội ngộ các kiến trúc sư nhiều thế hệ.

Khi nhắc về sự đóng góp của các kiến trúc sư trong suốt chặng đường 75 năm, Chủ tịch Hội nhắc lại tấm gương của Chủ tịch đầu tiên của Hội KTS Việt Nam thống nhất Huỳnh Tấn Phát. “Đó là một hình ảnh sống động về đóng góp của kiến trúc sư về cả nghề và nghiệp trong sự phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội của đất nước. Ông là người thực sự có tài năng, cả tâm và tầm”, KTS. Phan Đăng Sơn nêu.

Kiến trúc sư phải dấn thân

KTS. Hoàng Thúc Hào và PGS.TS. Nguyễn Quang Minh (Đại học Xây dựng Hà Nội) muốn giải mã gen văn hóa kiến trúc Việt Nam. Bởi kiến trúc và văn hóa của mỗi dân tộc có cấu trúc, đặc thù, giống như cấu trúc bộ gen sinh học. Việc tìm hiểu, nghiên cứu, làm sáng tỏ đặc trưng văn hóa, kiến trúc các vùng miền chính là việc giải mã bộ gen trong văn hóa kiến trúc của vùng miền đó.

Giải mã gen văn hóa kiến trúc Việt Nam ảnh 4

KTS. Hoàng Thúc Hào trình bày quan điểm về giải mã bộ gen văn hóa kiến trúc Việt Nam.

Nhấn mạnh vai trò các bên trong hình thành bộ gen kiến trúc, KTS. Hoàng Thúc Hào cho rằng kiến trúc sư cần “ý thức được tình trạng bất bình đẳng xã hội trong kiến trúc, tức là nhóm người yếu thế không có khả năng thuê kiến trúc sư thiết kế công trình có thể không đáp ứng đầy đủ nhu cầu và thẩm mỹ”.

Anh cho rằng kiến trúc sư phải có trách nhiệm dấn thân trong việc xóa bỏ những bất bình đẳng trong kiến trúc, quan tâm phụng sự những cộng đồng yếu thế vùng sâu vùng xa, những khu vực đô thị, nông thôn kém phát triển.

Kiến trúc sư phải có trách nhiệm trong việc hạn chế xu hướng kiến trúc thực dụng, những hình ảnh tiêu cực của tình trạng kiến trúc rập khuôn, áp dụng công nghệ ồ ạt vì lợi ích thuần túy của chủ đầu tư mà bỏ qua khía cạnh văn hóa, nhân văn, bản sắc và bản địa. Nhận rõ trách nhiệm này kiến trúc sư sẽ có tầm nhìn, sẽ xác định được những mục tiêu cụ thể và hành nghề không nhân danh gì ngoài sáng tạo và vì văn hóa con người”, KTS Hoàng Thúc Hào.

Quan điểm “kiến trúc vị dân sinh” do KTS Đoàn Thanh Hà trình bày, một lần nữa nhấn mạnh vai trò tổ chức của kiến trúc sư phải “vận dụng kiến thức chuyên môn theo thế giới quan nhân văn để tạo dựng môi trường không gian cho các hoạt động đó đạt được hiệu quả lâu dài vì cuộc sống người dân, vì cả lợi ích của cộng đồng và toàn xã hội”.

Giải mã gen văn hóa kiến trúc Việt Nam ảnh 5

Các chuyên gia trong phiên thảo luận về chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất nhằm bảo tồn và phát huy công trình kiến trúc, các giải pháp về kiến trúc trong đời sống.

Là người điều hành phiên thảo luận, TS.KTS Nguyễn Việt Huy (Chi hội trưởng Chi hội Kiến trúc trường ĐH Xây dựng) điểm lại con số hơn 50 tham luận chất lượng gửi về Hội. Đây cũng là dịp để giới kiến trúc nhìn lại bức tranh kiến trúc Việt Nam suốt 75 năm qua và cả thời kỳ đầu thế kỷ XX, những công trình kiến trúc nổi bật đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Hoàn Kiếm là một trong những quận thành công nhất về bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc trong phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm KTS. Phạm Tuấn Long điểm lại những di sản, hệ thống di tích và kiến trúc của quận lõi Thủ đô.

Trong quãng thời gian khó khăn về kinh tế 1954-1986, gần như công tác quản lý, tái thiết đô thị, bảo tồn di sản đô thị chưa được dành nhiều thời gian nghiên cứu, chưa có nhiều nguồn lực phát triển để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội.

Giải mã gen văn hóa kiến trúc Việt Nam ảnh 6

Vườn hoa Diên Hồng là nơi tổ chức Tuần lễ Kiến trúc Việt Nam.

“Đặc biệt thời bao cấp tạo ảnh hưởng nhất định về cảnh quan. Thời gian qua chúng tôi kết nối tìm ra nguồn lực thực hiện tái thiết không gian đô thị, tạo nên sự hấp dẫn và đặc trưng. Hà Nội có nét riêng trong từng mảng đô thị. Hà Nội còn có thú vị thiên nhiên cho đặc trưng thời tiết, bốn mùa tạo nên cảm xúc riêng cho người làm nghệ thuật.

Chúng tôi cùng các anh em nghệ sĩ nhất là ngành kiến trúc nhận diện và tìm giải pháp thực hiện. Hoàn Kiến tập trung quan tâm tái thiết và chỉnh trang không gian công cộng”, ông Phạm Tuấn Long nói.

Tại tọa đàm, các nhà chuyên môn tập trung làm rõ những thành tựu kiến trúc Việt Nam qua các giai đoạn, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của kiến trúc và kiến trúc sư với văn hóa, kinh tế, xã hội, đánh giá hiệu quả đối với vai trò phản biện xã hội của kiến trúc sư, tổ chức nghề nghiệp trong lĩnh vực kiến trúc trong việc tạo lập không gian đô thị, nông thôn và các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội…

Chiều tối 22/4, Hội Kiến trúc sư Việt Nam khai mạc Tuần lễ Kiến trúc Việt Nam tại vườn hoa Diên Hồng. Không gian triển lãm độc đáo, giới thiệu các hoạt động của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các tác giả và tác phẩm đạt giải Kiến trúc Quốc gia và Chương trình Nhà ở nông thôn. Triển lãm kéo dài hết 30/4.

Tin liên quan