Giải pháp nào giảm ô nhiễm không khí ở Hà Nội?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ô nhiễm không khí tại Hà Nội được xác định bởi 4 nhóm nguyên nhân chính, gồm hoạt động giao thông, công nghiệp - làng nghề, xây dựng và các hoạt động dân sinh như đốt rác, đốt rơm rạ. Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp phù hợp trong các lĩnh vực và điều kiện địa phương.

Hai giải pháp trong lĩnh vực giao thông

Ô nhiễm không khí là vấn đề môi trường nghiêm trọng nhiều năm qua tại Hà Nội. Đặc biệt, gần đây thành phố Hà Nội liên tục được ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí rất cao.

Theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí ở Hà Nội do 4 nhóm nguyên nhân lớn, gồm: Hoạt động giao thông; công nghiệp - làng nghề; xây dựng và các hoạt động dân sinh như đốt rác, đốt rơm rạ.

Giải pháp nào giảm ô nhiễm không khí ở Hà Nội? ảnh 1

Lưu lượng xe tại Vành đai 3 đang vượt nhiều lần thiết kế mặt đường, gây ùn tắc, ô nhiễm. Ảnh: Trọng Đảng

Đối với nguyên nhân gây ô nhiễm không khí từ các hoạt động giao thông, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, do lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh nên trên nhiều tuyến phố, nút giao thông, lưu lượng xe đã vượt gấp nhiều lần năng lực đáp ứng. Trong đó, các tuyến đường Lê Văn Lương, Láng, Phạm Hùng (vành đai 3), Giải Phóng…, lưu lượng phương tiện đã vượt từ 3 đến 5 lần năng lực thiết kế, riêng giờ cao điểm vượt 22 lần năng lực thiết kế mặt đường.

Sở TN&MT TP Hà Nội cho biết thành phố đang triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây bụi bẩn; Thực hiện rà soát đầu tư xây dựng, chỉnh trang công viên, hồ điều hòa yêu cầu các đơn vị vệ sinh môi trường tăng cường tưới nước rửa đường, thu gom rác thải…

Cùng với đó, trên địa bàn thành phố đang có 7,8 triệu phương tiện giao thông, trong đó, xe máy là 6,6 triệu chiếc, ô tô là 1 triệu chiếc.

"Số lượng phương tiện nhiều, dẫn đến lượng khí thải ra môi trường lớn, làm cho vấn đề ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông của Hà Nội thêm ngày một phức tạp”, đại diện Sở GTVT Hà Nội nói.

Để giải quyết tình trạng này, Sở GTVT Hà Nội cho biết, cùng với các chủ trương của Chính phủ, thành phố, hiện sở này thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp.

Trong đó, có hai giải pháp đang triển khai song song, bao gồm giải pháp thứ nhất là xây dựng lộ trình hạn chế xe cá nhân đi vào khu vực nội đô, tiến tới dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030. Giải pháp thứ hai là chuyển đổi toàn bộ xe buýt bằng dầu sang chạy bằng điện.

Với giải pháp thứ hai, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, đã mở gần 20 tuyến xe buýt chạy bằng năng lượng sạch, trong đó có hơn 10 tuyến xe điện, còn lại là xe chạy bằng khí nén CNG.

“Từ năm 2024, tất cả các tuyến buýt được mở mới, tuyến buýt hết hợp đồng với thành phố, phải đấu thầu lại, Sở GTVT Hà Nội sẽ thực hiện chủ trương đưa phương tiện sử dụng nhiên liệu xanh vào hoạt động”, đại diện Sở GTVT Hà Nội khẳng định.

Hạn chế nguồn phát sinh gây ô nhiễm

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội) có 54 làng có nghề, trong đó có 12 làng nghề được thành phố, huyện công nhận. Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng tình trạng ô nhiễm từ các làng nghề vẫn diễn ra.

Vì thế, huyện Hoài Đức đang tập trung triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các làng nghề. Ông Nguyễn Duy Giang, Phó Phòng TN&MT huyện Hoài Đức cho biết, hiện tại các làng nghề của huyện có hương ước, quy ước gắn với nội dung bảo vệ môi trường. Đặc biệt, 4 làng nghề ở các xã Đức Giang, La Phù, Kim Chung đã lập và được phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề.

Đối với các làng nghề có nguy cơ phát sinh nguồn nước thải gây ô nhiễm môi trường như Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế cơ bản đã được thu gom vào hệ thống chung và được xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, Dương Liễu.

Sở TN&MT Hà Nội cho hay, thời gian qua Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh gây ô nhiễm không khí. Ví như, thành phố đã đưa vào vận hành hệ thống 35 trạm quan trắc không khí tự động, 6 trạm quan trắc nước mặt, giám sát chất lượng môi trường khí thải, nước thải các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các cấp chính quyền xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công.

Ngoài ra, thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý rác thải phát điện tại Nam Sơn có công suất 4.000 tấn/ngày, tại Xuân Sơn với công suất 1.500 tấn/ngày. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý rác thải phát điện hiện đại.

MỚI - NÓNG