Cuộc chiến với sách giả, sách lậu ngày càng căng thẳng khi các tựa sách nổi tiếng trong và ngoài nước bị “luộc” trắng trợn ngày càng nhiều hơn. Sách giả, sách lậu đã ảnh hưởng rất lớn tới sự tồn vong của các đơn vị xuất bản khi các tựa sách giả, sách lậu đa phần là những tựa sách nổi tiếng thu hút độc giả - là những tựa sách đảm bảo sinh tồn của các đơn vị xuất bản.
Là một tác giả sách và cũng là một công dân, tôi hoàn toàn đồng ý với việc các đơn vị xuất bản tiến hành khởi kiện các sàn thương mại điện tử về việc tiếp tay cho việc bán sách giả, sách lậu. Nếu trong cuộc sống, những người tử tế phải im lặng trước những vấn đề xấu thì đó là một xã hội không còn tương lai. Theo ý kiến của tôi, tất cả các độc giả, tác giả, đơn vị xuất bản cũng như toàn xã hội cần phải bảo vệ cho sự tử tế và lương thiện. Tiếp nữa, nếu các đơn vị xuất bản tiếp tục bị xâm hại những tựa sách nổi tiếng và bán chạy, thì về lâu dài các đơn vị xuất bản sẽ không có nguồn lực để xuất bản các sách hay giúp cho xã hội phát triển. Sách giả, sách lậu sẽ tàn phá toàn bộ hệ sinh thái sách tại Việt Nam một cách hệ thống nếu như chúng ta không có những biện pháp quyết liệt ngăn chặn vấn nạn này.
Theo tôi đánh giá khởi kiện là cách chính thức và là công cụ hữu hiệu nhất về luật pháp để xử lý sách giả, sách lậu. Tuy nhiên nếu nhìn vào kết quả thì khởi kiện sẽ không mang lại kết quả hiệu quả trong thời gian ngắn hạn vì một mình nó không làm dừng ngay được việc bán sách giả, sách lậu. Khởi kiện và xử kiện sẽ là một cuộc chiến dai dẳng về pháp lý. Quan trọng nhất, trong lúc khởi kiện thì sách giả, sách lậu vẫn được phân phối và tiêu thụ. Chúng ta cần phải tư duy xử lý sách giả, sách lậu theo hệ thống – tư duy trong cả một hệ sinh thái sách bao gồm tất cả các bên liên quan. Chừng nào còn nhu cầu mua sách giả, sách lậu thì chúng vẫn có khả năng tồn tại trong xã hội ít hay nhiều. Theo tôi chúng ta nên nhân sự kiện này tư duy một cách sáng tạo và hệ thống hơn để có thể xử lý triệt để nạn sách lậu.
Chúng ta cần tiếp cận giải quyết sách giả, sách lậu tập trung vào người đọc. Độc giả nếu không mua sách giả, sách lậu thì sẽ không còn in lậu. Như vậy toàn bộ giải pháp cần phải hướng tới tác động tới người mua – độc giả. Chúng ta có thể thấy việc xử dụng pháp lý mới chỉ tiếp cận xử lý kênh phân phối sách giả, sách lậu chứ chưa phải giải pháp tổng thể hướng tới độc giả. Một giải pháp xử lý triệt để sách lậu cần phải cung cấp một loạt các giải pháp tích hợp tác động toàn bộ lâu dài tới độc giả. Tôi và các chuyên gia đang thảo luận và chúng tôi hy vọng sẽ có một chương trình nhằm truyền tải toàn bộ các giải pháp chúng tôi nghĩ tới và mong toàn bộ cộng đồng hệ sinh thái sách cùng chung tay với chúng tôi để bảo vệ những giá trị tốt đẹp cho ngành xuất bản sách, và cộng đồng tác giả đôc giả tại Việt Nam.
Thạc sỹ Vũ Tuấn Anh là chuyên gia về nghề nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, đồng tác giả sách “Hướng Nghiệp 4.0”, tác giả sách “Khởi Nghiệp Ngay Sạt Nghiệp Luôn".