Giải trí hè: Mờ nhạt

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các loại hình giải trí nở rộ, nhưng cung dường như vẫn chưa đáp ứng được cầu vào dịp nghỉ hè. Lựa chọn giải trí dịp hè cho trẻ em vẫn thiếu và yếu về cả chất lượng, số lượng.

Khoảng trống phim thiếu nhi

Mùa hè là thời điểm các bộ phim bom tấn nước ngoài lấn át ở rạp chiếu. Vì vậy, phim Việt vốn ít, càng không có cửa cạnh tranh. Hè 2023, hàng loạt tác phẩm điện ảnh nước ngoài đình đám cùng phát hành như Fast & Furious 10 (Quá nhanh quá nguy hiểm), Transformers: Quái thú trỗi dậy, Vệ binh dải Ngân Hà 3, Flash, Nàng tiên cá…

Kịch, xiếc nhộn nhịp trở lại

Nhà hát Tuổi trẻ ra mắt các vở diễn đặc sắc cùng những hoạt động nghệ thuật cho thiếu nhi ở nhiều lứa tuổi trong khuôn khổ dự án Mùa hè yêu thương 2023. Hai vở diễn Giấc mơ của Bờm và Chú mèo dạy hải âu bay được đầu tư dàn dựng, hướng đến khán giả nhí. Dự án Mùa hè yêu thương 2023 cũng có kế hoạch giới thiệu những vở diễn đặc sắc, mới được dàn dựng như Con chim xanh, Cuộc chiến Virus, Bầy chim thiên nga, Rồi tôi sẽ lớn... hứa hẹn mang tới một loạt các vở diễn phong phú, đa dạng về loại hình, lứa tuổi trong suốt mùa hè này.

NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, Liên đoàn chuẩn bị kỹ lưỡng, giới thiệu nhiều chương trình phục vụ công chúng cả nước dịp hè. Ngoài vở diễn Tấm Cám - Bống bống bang bang trình làng dịp Quốc tế Thiếu nhi, còn có Chúa tể rừng xanh biểu diễn tại Nhà thi đấu Hà Đông (Hà Nội), xiếc nhạc kịch Báu vật của Moana tại Thiên đường Bảo Sơn (phối hợp với Nhà hát tạp kỹ xiếc Hà Nội).

Nhà hát Múa rối Việt Nam đã diễn gần 100 buổi phục vụ các khán giả nhí trong tháng 5/2023. Có ngày diễn cả chục suất, ba sân khấu đều sáng đèn mới đủ đáp ứng nhu cầu của khán giả.

Phải chờ đến tháng 10/2023, một tác phẩm điện ảnh của Việt Nam là Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng mới dự kiến ra mắt. Đây cũng là phim điện ảnh Việt hiếm hoi dành cho thiếu nhi. Thực tế, Việt Nam cũng chưa có thương hiệu điện ảnh dành cho khán giả nhí. Trước đó, Trạng Tí phiêu lưu ký vừa thất thu, vừa bị khán giả tẩy chay do liên quan đến tranh chấp bản quyền. Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác ra rạp năm 2022 cũng chỉ thu về vỏn vẹn 6 tỷ đồng. Phim của đạo diễn Hàm Trần không thể cạnh tranh với thương hiệu lớn dành cho thiếu nhi đến từ Nhật Bản là Doraemon ra mắt cùng thời điểm hè 2022.

Giải trí hè: Mờ nhạt ảnh 1

Sân khấu nhộn nhịp nhờ thu hút được khán giả nhí trong dịp hè. Ảnh: Kỳ Sơn

Nguyên nhân chính là do các nhà làm phim luôn ưu tiên lợi nhuận, phim dành cho thiếu nhi chưa phải thị trường điện ảnh “hốt bạc”. “Để đầu tư một phim điện ảnh ra tấm, ra món khá tốn kém. Các nhà sản xuất ưu tiên cho dòng phim phục vụ người lớn vốn dễ dàng đảm bảo doanh thu hơn”, nhà thơ, nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt nhận định.

Giải trí hè: Mờ nhạt ảnh 2

Nhiều cuốn sách thiếu nhi được phát hành nhưng thiếu vắng tên tuổi tác giả Việt.

Cục điện ảnh mới đây đã phát động cuộc thi viết kịch bản phim tài liệu, phim hoạt hình cho thiếu nhi, tuy nhiên, phim ảnh dành cho trẻ vẫn bị “bỏ ngỏ” vì thiếu sự đầu tư. Các chuyên gia nhận định, sự đầu tư không chỉ đến từ kịch bản, cốt truyện mà còn đến từ kỹ xảo, chất lượng làm phim chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu khán giả nhí.

Mảng truyền hình cũng không có nhiều đổi mới dịp hè năm nay. Khán giả có lẽ còn phải chờ rất lâu để đón những bộ phim đậm chất giải trí mùa hè như Đất phương Nam, Kính vạn hoa, Ngũ quái Sài Gòn, Đội đặc nhiệm nhà C21 hay Gia đình phép thuật. Trong bối cảnh khó cạnh tranh ở rạp chiếu, các nhà làm phim Việt cũng bỏ trống luôn “trận địa” trên truyền hình.

Tác phẩm Việt chưa tạo dấu ấn

Trên sóng quốc gia, các bộ phim truyền hình đều đặn lên sóng theo lịch. Những bộ phim đang phát sóng như Gia đình mình vui bất thình lình, Nơi giấc mơ tìm về, Cuộc đời vẫn đẹp sao đều có đề tài hôn nhân - gia đình. Đây là mảng đề tài quen thuộc được khai thác suốt nhiều năm, không có tính đặc sắc vào thời điểm hè.

Hàng loạt chương trình dành cho thiếu nhi như Biệt tài tí hon, Thần tượng tương lai, Người hùng tí hon, Tuyệt đỉnh song ca nhí, Thử tài siêu nhí, Sao nối ngôi nhí, Tiếu lâm tứ trụ nhí, Đấu trường âm nhạc nhí… đều đã tạm dừng. Bố ơi mình đi đâu thế - chương trình truyền hình thực tế đình đám trên sóng VTV cũng dừng lại ở mùa 4. Ngôi làng vui vẻ là chương trình gameshow hiếm hoi dành cho trẻ mầm non và gia đình trên VTV3.

Đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng từng nêu quan điểm, chương trình thiếu nhi phải thực sự để cho thiếu nhi xem. Nhận thức, tiếp nhận về truyền thông của trẻ em hình thành rất sớm nên người làm chương trình cần sản xuất những tác phẩm đúng với sở thích, ý muốn của các cháu. Anh cũng cho rằng, ngoài yếu tố giải trí, các chương trình thiếu nhi cần chú trọng đến tính định hướng giáo dục. Đây là điều mà nhiều chương trình còn thiếu.

Hằng năm, nhiều cuốn sách dành cho thiếu nhi liên tục được xuất bản nhưng lại không được nhiều độc giả nhí lựa chọn. Nguyên do là sách nói chung và sách thiếu nhi nói riêng chưa thể cạnh tranh được với đa dạng các loại hình giải trí hiện đại ngày nay như YouTube, TikTok... và các nền tảng mạng xã hội. Âm nhạc cho thiếu nhi dường như cũng mất hút giữa rừng chương trình giải trí cho người lớn.

Từ đầu tháng 6/2023, NXB Kim Đồng phát hành nhiều tác phẩm mới dành cho thiếu nhi. Tuy nhiên, trong nhiều cuốn sách giới thiệu đến độc giả nhí chỉ đếm được vài đầu sách của tác giả Việt Nam, còn lại là những tác phẩm dịch thuật đến từ nước ngoài. “Hiệp sĩ Dế Mèn” Trần Đức Tiến nhận định, các tác phẩm dành cho thiếu nhi không ít, thậm chí nhiều hơn thời của ông, tuy nhiên, các cuốn sách này không đến được với các em.

“Sách văn học thiếu nhi không hiếm, sách hay cũng nhiều nhưng các em ít lựa chọn. Để khuyến khích các em đọc nhiều hơn, chính bố mẹ, gia đình cần có sự hướng dẫn để các em thích thú với sách và duy trì thói quen đọc sách. Phải có những thay đổi ngay từ bé, văn hoá đọc sau này mới được cải thiện”, nhà văn Trần Đức Tiến nêu.

Nhiều chuyên gia nghiên cứu văn hoá nhận định, Việt Nam không thiếu các sản phẩm văn hoá mang tính giáo dục nhân cách, thẩm mỹ cho các em nhưng lại thiếu những tác phẩm mang hồn cốt Việt Nam để giáo dục về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam. Điều này cần sự thay đổi không chỉ từ nghệ sĩ mà cần một cơ chế, kế hoạch, định hướng cụ thể từ các cơ quan quản lý Nhà nước.

MỚI - NÓNG