Gian nan tìm lại quê hương

Gian nan tìm lại quê hương
TP - Bài viết “Sống chui ở quê nhà” đăng trên báo Tiền Phong đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Những người phụ nữ, những đứa trẻ trở về sau những cuộc hôn nhân thất bại ở xứ người, nay lạc lõng giữa nơi chôn nhau cắt rốn. Rào cản pháp luật biến họ thành những người sống chui giữa người thân thuộc, giữa cộng đồng mình từng gắn bó. Những thân phận éo le ở những làng quê nghèo đang nhận được nhiều sự cảm thông và gợi lên trong mỗi chúng ta nhiều suy tư, trăn trở.

PV Tiền Phong gặp nhiều cô dâu Việt về lại quê hương, họ đều khóc khi kể những câu chuyện giống nhau về sự cơ cực của cuộc sống ở đất khách quê người. Nhưng tiếng khóc còn nghẹn ngào hơn khi nói đến ngày trở về.

Chị Nguyễn Thị Thanh Mộng (ở ấp 7, xã Vị Thắng, Vị Thủy, Hậu Giang) cùng mẹ khóc nức nở khi nói về con, về cháu mình. Đứa bé 5 tuổi gửi nhờ ở trường mẫu giáo vì không có giấy khai sinh. Ba tháng một lần, chị bế con đến Ủy ban xã xin gia hạn tạm trú ở nhà mẹ đẻ, nơi chị sinh ra và lớn lên. Hai mẹ con lầm lũi chờ đợi đến ngày sẽ được cấp giấy tờ, chờ được cộng đồng công nhận.

Chị cho biết, sau những cuộc hôn nhân không hạnh phúc, đa phần các cô dâu Việt mong muốn trở về quê hương, xây dựng cuộc sống mới. Không ngờ họ vấp phải rào cản pháp lý một khi không còn quốc tịch Việt Nam ngay trên quê hương mình. Họ đang khát khao sống, khát khao hòa nhập.

PV Tiền Phong cũng gặp những cán bộ tư pháp cơ sở đầy tâm huyết, vẫn thường thăm hỏi động viên những hoàn cảnh éo le như thế.

Nhiều người tâm sự, thời tự do hôn nhân, phụ nữ lấy chồng nước ngoài không còn bị kỳ thị, chính quyền giúp đỡ hết sức. Khi trở về, lại đón họ như những người con xa xứ lâu ngày. Ngặt nỗi muốn giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng mà không được nên càng cám cảnh.

Thế nhưng, ở một cấp cao hơn, cán bộ Tư pháp-Hộ tịch lại cho biết, chỉ ghi chú những trường hợp làm được khai sinh cho trẻ em, còn những người mẹ bồng con đến không làm được giấy khai sinh, tên gì, hiện ở đâu thì họ lại không hề hay biết vì không ghi lại.

Hai thái độ khác nhau của cán bộ tư pháp các cấp khiến người trong cuộc không khỏi suy ngẫm. Khi tư duy và thói quen của cán bộ hành chính chưa vượt ra ngoài khuôn khổ văn phòng và chưa đi vào cuộc sống thì chưa thể rung động với những hoàn cảnh, những thân phận đang chờ họ giúp đỡ.

Trong khi chờ sự công nhận của luật pháp, sự quan tâm chia sẻ của cộng đồng với những phụ nữ, trẻ em nói trên sẽ vơi được nhiều cảm giác mặc cảm, lạc lõng giữa cộng đồng. Hành trình tìm lại quê hương của những thân phận bé nhỏ đó sẽ bớt đi những gian nan trắc trở.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
TPO - Khoảng 4h kém, khi mặt trời còn chưa lên, những chiếc thuyền thúng của ngư dân làng chài An Hải, Thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên nhẹ nhàng vượt sóng vận chuyển cá, mực… từ ghe đưa vào bờ. Mỗi người đều đội trên đầu một chiếc đèn pin soi sáng để phân chia từng loại hải sản. Bến cá không quá đông đúc do người mua bán chủ yếu là các hộ dân sinh sống nơi đây và một số thương lái đến thu mua hải sản để phân phối lại cho các nhà hàng.