Học sự tỉ mỉ, kiên trì qua tranh vẽ
“Mình thích vẽ tranh bởi qua những nét màu mình có thể biểu đạt tâm ý mà không phải sử dụng ngôn từ”. Đó là chia sẻ của Phương Linh – cô sinh viên trường báo với sở thích hội họa. Mỗi dịp cuối tuần, Linh luôn dành thời gian cho việc vẽ. Đa phần những bức tranh của Phương Linh là khung cảnh thiên nhiên, hoa lá với sắc thái dịu dàng, thư thái. Cô nàng thường vẽ những bức tranh nhỏ để kịp hoàn thành trong ngày. Vẽ tranh giúp Phương Linh rèn sự kiên nhẫn, cẩn thận từ việc chuẩn bị đạo cụ, lên ý tưởng và làm sao cho bức tranh hoàn thiện đẹp nhất. “Từ lúc còn nhỏ, mình đã thích vẽ. Lớn hơn mình tham gia một lớp học vẽ và niềm vui với bột màu theo mình đến tận bây giờ. Khi vẽ tranh, mình thấy hiểu nội tâm mình hơn, đó là cách mình dành thời gian quan tâm và yêu chính bản thân”.
Hội hoạ là cách nuôi dưỡng tâm hồn của Phương Linh. |
Phương Linh chia sẻ rằng cô có thể ngồi vẽ hơn 3 tiếng mà không thấy mệt bởi khi vẽ cần sự tập trung cao độ. Thả hồn theo những bức tranh là cách mà cô nàng chọn để cân bằng lại cuộc sống sau một tuần học tập căng thẳng. Và không chỉ trong học tập, khi gặp những vấn đề khác trong cuộc sống, hội họa là cách giúp Phương Linh tĩnh lặng và ổn định hơn.
Bài học từ những chuyến đi
Khác với Phương Linh, chàng sinh viên Đại học Kiến trúc, Minh Đức lựa chọn những chuyến đi xa kết hợp với hoạt động tình nguyện. Kể về hành trình gần nhất, Đức vẫn hào hứng: “Hai ngày cuối tuần di chuyển hơn 1200 cây số và chủ yếu là đường đồi núi cao, tuy khó khăn nhưng sự háo hức đã lấn át hết mệt mỏi nên mình vẫn chiến đấu tốt, mình chỉ cần được đi thôi”.
Chuyến đi Điện Biên ý nghĩa của Minh Đức. |
Đi một ngày đàng, học một sàng khôn, từng cung đường, mỗi chuyến đi lại để lại cho chàng trai trẻ bao bài học, kinh nghiệm và những kỷ niệm đẹp. Đi nhiều, Đức học được cách chăm sóc cho bản thân, rèn tính kỷ luật, tính đồng đội và đặc biệt được tận mắt khám phá, chiêm ngưỡng nhiều nét văn hoá, bản sắc cũng như phong cảnh hùng vĩ của non sông đất Việt. Đặc biệt là những hành trình vì cộng đồng, Minh Đức càng thêm nhiệt huyết bởi hơn một chuyến đi, chàng sinh viên kiến trúc còn thỏa mong ước được góp một phần nhỏ bé cho xã hội.
Đức cũng thích chụp và ghi lại khoảnh khắc đời sống của các bạn nhỏ vùng cao. |
Chia sẻ về chuyến đi tình nguyện tại Điện Biên, Đức kể: “Xem trên ti vi hay trên mạng mình đã xem nhiều lần nhưng giờ mới được chứng kiến tận mắt đất và con người nơi đây, mình thấy thương các em nhỏ ở đây lắm, lần nào mình lên cũng mua nhiều kẹo chia cho các em, trong tương lai mình sẽ cố gắng bước tiếp nhiều hành trình nữa”.
Phục vụ cho chính ngành mình học, từ lý thuyết giảng đường bước ra đời sống, Dương Thuỳ - nữ sinh ngành Du Lịch, Đại học Thương Mại lựa chọn tìm hiểu những danh lam thắng cảnh ở Hà Nội. Lang thang trên phố, thăm Lăng Bác, đi chợ hoa Quảng An hay di tích nhà tù Hoả Lò,… là cách mà Thuỳ chọn để thư giãn, trút bỏ mọi ưu phiền sau nhiều ngày căng thẳng. “Mình hiểu thêm nhiều về lịch sử nước nhà, thấy Hà Nội, Việt Nam mình thật đẹp và song hành với đó là chiều sâu văn hoá. Từ đó mình càng thêm yêu Hà Nội, yêu quê hương đất nước và hơn cả, những bài học, kiến thức về những địa điểm ấy cũng giúp ích rất nhiều cho công việc của tớ trong tương lai” – nữ sinh ngành du lịch tâm sự.
Tinh thần thể thao – tinh thần học tập
Dịp cuối tuần của Việt Thắng – sinh viên trường Đại học Y khoa Vinh thường gắn liền với những trận bóng. Đam mê sân cỏ từ khi còn bé, Thắng vẫn giữ thói quen luyện tập bóng đá vào chủ nhật mỗi tuần. Khác với bao bạn bè chọn ngủ nướng ngày nghỉ, chủ nhật là ngày Thắng dậy sớm hơn, dọn dẹp nhà cửa, ăn sáng để chuẩn bị ra sân.
Nhiều bạn trẻ dành tình yêu cho sân cỏ mỗi dịp cuối tuần. |
“Cứ đến cuối tuần, nghĩ đến được ra sân bóng cùng đồng đội là mình lại háo hức. Cả tuần trên giảng đường không có thời gian cho mình tập thể thao nên cứ đến chủ nhật là mình gác lại mọi việc, ưu tiên cho trái bóng. Sau mỗi trận cả đội ướt áo vì mồ hôi nhưng đổi lại là sự khoan khoái trong người, như mình vừa bung hết sức vậy. Đó cũng là cách mình chuẩn bị tinh thần cho một tuần mới nhiều năng lượng”. Trên sân cỏ Việt Thắng cũng học hỏi được tinh thần đồng đội, tinh thần thể thao, sự đoàn kết và kỷ luật của một đội. “Nếu biết cách thì ở đâu cũng có thể là giảng đường, học mà chơi, chơi mà học” – chàng sinh viên Y khoa chia sẻ thêm.
Làm bạn với Sách
Dù cả tuần “lăn lộn” với sách vở, giáo trình, cô nàng Lan Chi – sinh viên ngành Xuất Bản vẫn dành sự ưu ái cho những trang sách. “Mình rất thích đọc sách và đặc biệt là những sách kỹ năng, đọc sách là cách mình mở rộng vốn sống và tri thức một cách nhanh nhất bởi một cuốn sách đôi khi là hành trình cả một đời của tác giả” – Lan Chi chia sẻ. Cô nàng thường dành cho mình một góc riêng, yên tĩnh và đắm chìm trong những trang sách nhiều giờ, đôi khi quên cả ăn uống. Đọc sách cũng là cách để Chi có khoảng thời gian tĩnh lặng, nuôi dưỡng tâm hồn. Những kiến thức từ sách, cô nàng lại chia sẻ lại cho bạn bè, người thân như một cách để ghi nhớ, vận dụng.
Lan Chi thường đọc những cuốn sách về kỹ năng sống, điển hình là "Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất" của diễn giả, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh. |
“Mình ít khi đọc truyện mà thường đọc những sách về quan điểm sống, kỹ năng sống. Cảm giác vừa đọc vừa ngẫm nghĩ, so sánh và phát hiện ra những tri thức mới làm mình vui vẻ, thích thú vô cùng. Một số cuốn sách mình đọc gần đây là bộ sách “Hãy cứ giận đi – sống với thực tại” của Noriyuki Ueda và tuần này mình sẽ đọc cuốn Xây dựng thương hiệu các nhân để tự bán mình với giá cao nhất của tác giả Nguyễn Tuấn Anh” – Lan Chi nói về những cuốn sách mình tâm đắc.
Dù có nhiều lựa chọn khác nhau nhưng điểm chung của các bạn trẻ là sự học hỏi, rèn luyện thông qua những hoạt động tích cực và sáng tạo. Biến ngày chủ nhật thành “Giảng đường” đời sống giúp các bạn sinh viên, những người trẻ hình thành thói quen tốt, phát triển tư duy và đặc biệt là chuẩn bị tinh thần hứng khởi cho một tuần mới.