Giảng viên ĐH Bách Khoa chế cabin ‘áp lực âm’ chở bệnh nhân COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Cabin được thiết kế với cơ chế như một phòng áp lực âm di động để di chuyển bệnh nhân COVID-19, bệnh nhân là F1 hoặc các bệnh nhân nghi mắc COVID-19 trong bệnh viện nhằm đảm bảo không phát tán virus ra không khí. Ảnh: Giang Thanh
Cabin được thiết kế với cơ chế như một phòng áp lực âm di động để di chuyển bệnh nhân COVID-19, bệnh nhân là F1 hoặc các bệnh nhân nghi mắc COVID-19 trong bệnh viện nhằm đảm bảo không phát tán virus ra không khí. Ảnh: Giang Thanh
TPO - Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Đà Nẵng) vừa thiết kế cabin như một phòng áp lực âm di động để chở bệnh nhân COVID-19, bệnh nhân là F1 hoặc các bệnh nhân nghi mắc COVID-19 trong bệnh viện nhằm đảm bảo không phát tán virus ra không khí.

Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Đà Nẵng) vừa bàn giao cabin “áp lực âm” chở bệnh nhân COVID-19 cho Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu để đưa vào sử dụng. Đây là sáng chế do Thạc sĩ Đặng Xuân Thủy (giảng viên Khoa Cơ khí) thực hiện theo đơn đặt hàng của Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu.

Cabin được thiết kế với chiều cao khoảng 2m, lớp vỏ ngoài được làm bằng chất liệu nhôm. Phía trong cabin bố trí ghế ngồi có thể điều chỉnh nghiêng 60 độ cùng hệ thống phun khử khuẩn, quạt hút gió, bình khí oxy và đèn chiếu sáng.

“Về nguyên tắc, cabin được thiết kế như một buồng áp lực âm thu nhỏ để đảm bảo virus không phát tán ra ngoài không khí trong quá trình vận chuyển”, ThS Thủy nói.

Giảng viên ĐH Bách Khoa chế cabin ‘áp lực âm’ chở bệnh nhân COVID-19 ảnh 1

Cabin được làm bằng nhôm với chiều cao khoảng 2m do Ths Đặng Xuân Thủy sáng chế theo đơn đặt hàng của Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu

Giảng viên ĐH Bách Khoa chế cabin ‘áp lực âm’ chở bệnh nhân COVID-19 ảnh 2

Phía trong cabin bố trí cả bình oxy đề phòng các trường hợp vận chuyển bệnh nhân nặng, cần trợ thở

Giảng viên ĐH Bách Khoa chế cabin ‘áp lực âm’ chở bệnh nhân COVID-19 ảnh 3

Hệ thống phun khử khuẩn và quạt hút gió được bố trí ở trần cabin. Khi bệnh nhân ở trong cabin, hệ thống khử khuẩn và hút gió sẽ hoạt động liên tục

Với 4 bánh xe và trọng lượng khoảng 80kg, cabin được kết nối với xe máy điện thông quá trục nối để dễ dàng di chuyển bệnh nhân qua lại các khoa, phòng trong trung tâm y tế, bệnh viện.

Đối với các địa hình nhỏ, hẹp, không tiện di chuyển bằng xe máy kéo, nhân viên y tế có thể dễ dàng tháo phần trục nối và kéo bằng tay trong hành lang bệnh viên. Cabin cũng được thiết kế để có thể chở được tải trọng 100kg.

“Chi phí dự kiến là khoảng 50 triệu đồng, tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, tôi gặp chút khó khăn trong việc mua vật liệu, thiết bị… Việc vừa thiết kế, thực hiện và chỉnh sửa để đáp ứng yêu cầu đề ra cũng khiến chi phí bị đội lên đôi chút. Ngoài ra, một mình tôi đảm nhiệm tất cả các khâu nên thời gian hoàn thiện sản phẩm mất 1 tháng, gấp đôi so với dự kiến”, ThS Thủy cho biết.

Giảng viên ĐH Bách Khoa chế cabin ‘áp lực âm’ chở bệnh nhân COVID-19 ảnh 4

Dù nặng 80kg nhưng cabin vẫn có thể dễ dàng di chuyển được bằng tay nhờ hệ thống bánh xe

Giảng viên ĐH Bách Khoa chế cabin ‘áp lực âm’ chở bệnh nhân COVID-19 ảnh 5

Cabin được nối với xe máy điện thông qua hệ thống trục, hệ thống trục này dễ dàng tháo lắp để nhân viên y tế di chuyển cabin bằng tay ở các khu vực xe máy không vào được

Giảng viên ĐH Bách Khoa chế cabin ‘áp lực âm’ chở bệnh nhân COVID-19 ảnh 6

Toàn bộ cabin sử dụng hệ thống điện 12V, mỗi lần sạc đầy có thể sử dụng liên tục trong 4 tiếng đồng hồ. Toàn bộ hệ thống được điều khiển bằng công tác bố trí bên ngoài cabin

Trong thời gian tới, cabin sẽ được đưa vào sử dụng ở Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu. “Qua quá trình đưa vào sử dụng, tôi sẽ tiếp tục nhận lại phản hồi từ Trung tâm Y tế để điều chỉnh và tiếp tục hoàn thiện sản phẩm”, ThS Thủy chia sẻ.

Theo bác sĩ Lê Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, Trung tâm có khu cách ly và điều trị cho F1 và bệnh nhân nghi mắc COVID-19, trước đây, việc di chuyển bệnh nhân này chủ yếu sử dụng ô tô, tuy nhiên vẫn hạn chế vì không thể chuyển bệnh nhân đến tận khoa, phòng chỉ định.

“Trung tâm đã chủ động đặt hàng Khoa Cơ khí (ĐH Bách khoa) để thiết kế cabin áp lực âm, đảm bảo trong quá trình vận chuyển virus sẽ không phát tán ra ngoài. Cabin này phù hợp với điều kiện của bệnh viện, đảm bảo an toàn khi di chuyển bệnh nhân có nguy cơ. Sản phẩm này cũng phù hợp ứng dụng, nhân rộng ở các cơ sở y tế, bệnh viện có khuôn viên rộng, có đường nội bộ từ khu này sang khu kia”, bác sĩ Sỹ nói.

MỚI - NÓNG