Giảng viên trẻ mong gì ở năm 'bản lề' 2023

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bước sang năm "bản lề" 2023, đa số giáo viên, giảng viên trẻ đều mong muốn và kỳ vọng sẽ có những "khởi sắc" từ các chính sách về lương, chế độ đãi ngộ mới để thúc đẩy động lực giảng dạy, nghiên cứu. 

"Đi sâu, đi sát" hoạt động nghiên cứu khoa học

Dưới tác động của các chính sách vĩ mô, "cuộc đua" xếp hạng đại học và xu thế tự chủ đại học đã đặt "trọng số" cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Theo đó, "lực lượng" nghiên cứu là các giảng viên, giáo viên trẻ luôn phải tự đặt mình trong trạng thái sáng tạo, đổi mới để đáp ứng nhu cầu phát triển của khoa học công nghệ và những kỳ vọng của xã hội.

Tiến sĩ Lê Hoàng Quỳnh (giảng viên khoa Công nghệ Thông tin, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, một điều may mắn cho cộng đồng nghiên cứu là gần đây, việc thúc đẩy và phát triển nghiên cứu khoa học đang được nhà nước, các cấp lãnh đạo, các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm nhưng vẫn trong những bước đầu hoàn thiện về cơ chế, chính sách, pháp lý.

"Trong năm 2023, tôi hy vọng những chính sách, quy định hỗ trợ và phát triển nghiên cứu khoa học nói chung sẽ "đi sâu, đi sát" nhiều hơn đến các cán bộ nghiên cứu trẻ và các đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên. Bởi sinh viên là thế hệ kế cận, lượng lượng nghiên cứu tiềm năng, đầy nhiệt huyết và ý tưởng sáng tạo nhưng lại chưa có được nguồn hỗ trợ kinh phí ổn định, thường xuyên", Tiến sĩ Quỳnh nói.

Giảng viên trẻ mong gì ở năm 'bản lề' 2023 ảnh 1

Chân dung TS. Lê Hoàng Quỳnh.

Mong muốn lớn nhất nữ giảng viên là các nhà khoa học trẻ sẽ tiếp tục được tin tưởng, được trao cơ hội trong thời gian sắp tới để chủ trì nhiều đề tài, dự án, lãnh đạo các nhóm nghiên cứu... từ đó thể hiện tối đa năng lực của mình.

"Bởi nếu các cơ quan, doanh nghiệp luôn ưu tiên đặt mua những giải pháp sẵn có của nước ngoài mà thiếu đầu tư nghiên cứu từ trong nước thì rất khó để Việt Nam có "công nghệ lõi".

Ở chiều ngược lại, các nhà khoa học, đặc biệt là những người trẻ, cần nỗ lực và chứng minh được niềm tin của cộng đồng xã hội vào họ là xứng đáng. Nếu có được sự hiểu biết và tin tưởng này từ hai phía thì các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm sẽ có nhiều cơ hội hơn để ứng dụng, phục vụ, mang lại lợi ích thực tế", chị Quỳnh nói.

Giảng viên trẻ mong gì ở năm 'bản lề' 2023 ảnh 2

Ảnh minh họa.

Đồng quan điểm nêu trên, Tiến sĩ H. (giảng viên một trường đại học ở Hà Nội) đưa ra đề xuất:

"Trong dòng chảy phát triển chung của mọi mặt, chính sách cũng như chế độ làm việc luôn cần được cải thiện. Với môi trường đại học đặc thù nghiên cứu, cần có những quỹ phát triển chương trình sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học (ví dụ cấp kinh phí cho từng nhóm theo năm, hỗ trợ sinh viên tham gia hội thảo chuyên ngành...), cấp kinh phí cho giảng viên trẻ xây dựng nhóm nghiên cứu, thưởng nóng cho mỗi công bố khoa học uy tín..."

Anh cũng trăn trở, để duy trì cuộc sống, phần lớn giảng viên nhận làm thêm việc bên ngoài hay có sự trợ giúp của gia đình. Vì vậy, để có thể tập trung phát triển chuyên môn cho giảng dạy, đặc biệt trong lĩnh vực đặc thù như nghiên cứu, thực nghiệm, lương phải tăng ít nhất gấp đôi so với mức hiện tại (các trường đại học thuộc khối công lập).

Quan tâm hơn đối với giảng viên trẻ trở về nước

Sau khi bảo vệ thành công luận văn Tiến sĩ ở Anh, Tiến sĩ Lương Văn Thiện đã trở về nước làm giảng viên của khoa Công nghệ thông tin, Trưởng nhóm nghiên cứu AIoT Lab, Trường Đại học Phenikaa. Trong năm 2022 vừa qua, anh vinh dự trở thành tiến sĩ trẻ nhất trong top 10 nhà khoa học nhận giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng.

Trước thềm năm mới, anh kỳ vọng nhà nước, các trường đại học và tổ chức nghiên cứu quan tâm hơn nữa với những giảng viên trẻ dám từ bỏ công việc tốt ở nước ngoài về nước cống hiến thông qua các quỹ nghiên cứu khoa học.

"Trong khi, các quỹ nghiên cứu hiện tại như Nafosted, tôi thấy khó để các nhà nghiên cứu trẻ có thể cạnh tranh với các nhà nghiên cứu GS/PGS dày dặn kinh nghiệm trong nước. Ví dụ, trong năm 2022 vừa rồi, chỉ có 12 dự án toàn quốc được tài trợ trong lĩnh vực của tôi là Công nghệ thông tin và điện, điện tử, tự động hóa. Số lượng như vậy là quá ít để các nhà khoa học trẻ khó có thể cạnh tranh được.

Ngoài ra, tôi cũng mong muốn chế độ đãi ngộ với tài năng trẻ nói chung nên được cải thiện hơn để họ có thể đủ sống, chăm lo cho gia đình, tạo cơ sở để yên tâm cống hiến cho nghiên cứu khoa học. Đặc biệt là khi nghiên cứu các đề tài mới có tính thử thách, sẽ đòi hỏi sự tập trung, làm việc cao độ mới ra được kết quả tốt", nam giảng viên trẻ nói.

Riêng với hoạt động đổi mới giảng dạy trong thời gian tới, TS. Thiện có kế hoạch cập nhật những tiến bộ về khoa học công nghệ trên thế giới để đưa vào các bài giảng của mình. Qua đó khơi gợi sự tò mò về công nghệ cho sinh viên, giúp các em hứng thú hơn với môn học, và hiểu được tầm quan trọng của môn học với công việc của các em sau này.

Giảng viên trẻ mong gì ở năm 'bản lề' 2023 ảnh 3

TS. Thiện đang hướng dẫn sinh viên.

Quy định về liêm chính học thuật cũng như nhóm nghiên cứu mạnh được chính thức đưa vào Nghị định số 109 của Chính phủ (ban hành ngày 30/12/2022) về hoạt động khoa học công nghệ trong giáo dục đại học hứa hẹn sẽ thúc đẩy tinh thần nghiên cứu của các giảng viên trẻ trong năm 2023.

Cụ thể, Nghị định 109 quy định cơ sở giáo dục ĐH căn cứ vào nhu cầu, tiềm lực và chiến lược phát triển để xây dựng các loại hình nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh.

Nhóm nghiên cứu mạnh được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ nhà nước như được ưu tiên đề xuất bố trí vốn đầu tư các dự án đầu tư phát triển cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, được ưu tiên cử thành viên tham gia các chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ, được hỗ trợ kinh phí để công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế trong nước và nước ngoài.

MỚI - NÓNG
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
TPO - Sau khi 3 đối tượng mạo danh công an liên hệ yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân trên ứng dụng dịch vụ công, chị H. (trú tại Hà Nội) cài đặt ứng dụng giả mạo theo đường link các đối tượng gửi và bị chiếm hoàn toàn quyền điều khiển điện thoại, "hack" tài khoản Facebook, Zalo...