TS Phạm Tấn Nhật, hiện đang công tác tại Khoa Quản trị Kinh doanh, trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM), là một trong những người giành giải Ba, Giải thưởng Khoa học và Công nghệ cho giảng viên trẻ và sinh viên năm 2021, với đề tài về Quản trị nhân sự thân thiện với môi trường (Greening the hospitality industry: How do green human resource management practices influence organizational citizenship behavior in hotels? A mixed-methods study).
Giảng viên trẻ Phạm Tấn Nhật. |
Được biết, đây không phải lần đầu tiên nghiên cứu của TS Nhật đạt được thành tựu quan trọng. Từ 2019 - 2022, anh đã có 15 công bố trên các tạp chí, với tổng IF > 73, cùng nhiều dự án trong và ngoài nước. Đặc biệt, công trình nghiên cứu vừa đoạt giải đã được thầy thực hiện từ năm 2017 và xuất bản trên tạp chí uy tín hàng đầu ngành quản trị Tourism Management (A*) vào năm 2019. Nghiên cứu này cũng được được ghi nhận là có ảnh hưởng với lượng trích dẫn nhiều nhất (“most cited articles”) trên tạp chí Tourism Management, kể từ 2018 trở lại đây.
Nghiên cứu xuất phát từ thực tế
Nói về lý do dành nhiều thời gian và tâm huyết cho việc nghiên cứu, TS Nhật chia sẻ: “Mình tham gia nghiên cứu khoa học từ 2016, khá trễ so với các thầy cô và nhà nghiên cứu trẻ. Nhưng mình sớm xác định nghề của mình là đi dạy. Khi đi dạy thì chắc chắn là phải nghiên cứu. Muốn giảng dạy tốt thì phải nắm vững lý thuyết, mà hiện nay, các lý thuyết cần phải cập nhật rất nhanh. Theo mình thấy, rất nhiều quốc gia đã và đang đầu tư rất mạnh cho nghiên cứu khoa học, nên số lượng nghiên cứu xuất bản nhiều và chất lượng lại ngày càng cao. Muốn cập nhật cái mới để dạy cho sinh viên thì bắt buộc mình phải nghiên cứu, phải đọc nhiều tài liệu, sách báo để có kiến thức tốt hơn”.
TS Phạm Tấn Nhật cho rằng, nghiên cứu và giảng dạy là hai việc không thể tách rời. |
TS Phạm Tấn Nhật cho rằng, các đề tài nghiên cứu phải xuất phát từ thực tế, song song với việc tổng quan cơ sở lý thuyết chặt chẽ. Đề tài vừa đoạt giải cũng không ngoại lệ. Từ lâu, anh đã dành mối quan tâm lớn đến các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu… Đến một ngày - TS Nhật kể - khi vào nhà vệ sinh của một quán phê ở TP. HCM, anh thấy nước chảy nhiều, giấy vứt rất bừa bộn, những chỗ không có khách ngồi mà quạt vẫn chạy…: “Nghĩa là nhân viên rất lãng phí, không quan tâm đến tiết kiệm nước, tiết kiệm giấy vệ sinh hay là tiết kiệm điện. Từ đó, mình đặt ra một câu hỏi, liệu để khắc phục vấn đề môi trường có phải nên bắt đầu quan tâm từ con người không? Và mình thấy, đây có thể là một chủ đề thú vị. Tại sao các công ty cần xây dựng một hệ thống quản trị nhân sự vừa nâng cao hiệu quả làm việc của nhân viên, vừa quan tâm đến vấn đề môi trường để phát triển bền vững?”. Sau hôm ấy, anh bắt đầu tìm đọc nhiều bài báo liên quan, thuyết phục giáo sư để chuyên tâm nghiên cứu về đề tài được cho là “vừa lạ, vừa khó” vào thời điểm đó.
Hành trình nghiên cứu và những thách thức
Tuy cuối cùng công trình nghiên cứu này đã rất thành công nhưng trên cả chặng đường dài làm nghiên cứu, TS Nhật đã đối diện rất nhiều thử thách: “Hồi còn làm nghiên cứu sinh, vì luận án yêu cầu tính chặt chẽ về lý thuyết cao, nên mình phải dành nhiều thời gian đọc tài liệu. Trong 2 học kỳ đầu tiên, mình đã đọc tới hơn 500 bài báo. Lúc đó, mình chưa có kinh nghiệm đọc báo lắm, về sau mới biết nên đọc báo nào, chọn tạp chí nào cho phù hợp. Sau khi về Việt Nam, việc đọc và tổng hợp tài liệu càng trở nên khó khăn hơn, nhất là với bài báo trên các tạp chí uy tín. Mặc dù trường mình đã cố gắng rất nhiều để hỗ trợ cơ sở dữ liệu tốt cho giảng viên làm nghiên cứu, nhưng nhìn chung vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của nhà nghiên cứu, đặc biệt là các bài báo từ các tạp chí của các nhà xuất bản lớn, mình phải liên hệ với bạn bè nước ngoài để tìm thêm”.
Khó khăn lớn nhất của Phạm Tấn Nhật khi nghiên cứu là tìm và đọc tài liệu. |
Ngoài ra, TS Phạm Tấn Nhật cũng nhấn mạnh, hiện nay, Việt Nam nhìn chung chưa hình thành văn hóa nghiên cứu, hỗ trợ lẫn nhau giữa doanh nghiệp, cơ quan, ban, ngành, trường đại học và các nhà nghiên cứu, điều này gây trở ngại khi cần sự kết hợp với nhau để thực hiện đề tài nghiên cứu: “Mình phải dựa trên mối quan hệ cá nhân, đôi khi phải năn nỉ để có được các số liệu phục vụ phân tích. Ngay trong đề tài vừa rồi, khi mình phải liên hệ với các khách sạn từ 3 - 5 sao thì rất may đã người quen đã đồng ý hỗ trợ mình. Nhân đây mình cũng muốn gửi lời cảm ơn tới họ vì đã ủng hộ mình trên hành trình nghiên cứu vất vả”.
'Truyền lửa' từ việc nghiên cứu
Với thầy giáo trẻ này, nghiên cứu là cách bổ trợ cho giảng dạy và ngược lại. Vậy nên, anh luôn khuyến khích sinh viên của mình tham gia nghiên cứu, chủ động chia sẻ những đề tài mình đang thực hiện với sinh viên và sẵn sàng hướng dẫn sinh viên khi cần thiết.
Theo TS Nhật, sinh viên muốn tham gia nghiên cứu thì phải nắm chắc lý thuyết, tích cực đọc sách và học tốt các môn trên trường. Đặc biệt, sinh viên có đam mê nghiên cứu cần phải chủ động liên hệ và chia sẻ với giảng viên để nhận được những hỗ trợ từ giảng viên khi triển khai đề tài. Đồng thời, cần sử dụng tiếng Anh thường xuyên, đọc báo nước ngoài để cải thiện khả năng ngoại ngữ và có cơ sở kiến thức tốt hơn. TS Nhật cũng chia sẻ một số kỹ năng khác: “Các bạn nên trau dồi thêm các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, phân tích hay đọc tài liệu để việc nghiên cứu thuận lợi hơn. Và muốn nghiên cứu thì đừng suy nghĩ tìm chủ đề gì quá lớn mà hãy đi vào những cái thực tế, gần gũi với mình. Hiểu rõ đề tài thì mới dễ thực hiện, còn đề tài rộng quá thì sẽ rất mơ hồ, khó mà làm được. Hãy tập thói quen suy nghĩ đơn giản và có trọng tâm”.