Thi tốt nghiệp THPT 2020: Coi thi trên sân nhà, dễ gửi gắm

Thi tốt nghiệp THPT 2020: Coi thi trên sân nhà, dễ gửi gắm
TPO - Năm nay, phần lớn giáo viên THPT coi thi chéo nhưng vẫn trên "sân nhà" nên dễ có tình trạng gửi gắm hay dễ dãi với thí sinh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt: dịch COVID-19 bùng phát nên phải thi thành 2 đợt; không có sự tham gia coi thi, chấm thi của cán bộ giảng viên các trường ĐH, CĐ. Chính vì vậy, các chuyên gia về thi, tuyển sinh cho rằng dù đặc biệt lưu ý phát hiện gian lận thi cử bằng công nghệ cao nhưng cũng đừng quên công nghệ thấp.

Khác với kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015 – 2019 có sự tham gia sâu, rộng của lực lượng cán bộ, giảng viên ĐH, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay giao toàn quyền cho các địa phương và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra. Do vậy, đội ngũ giám thị coi thi đều là giáo viên các trường THPT của chính địa phương đó, chỉ thực hiện luân chuyển từ trường này sang trường khác.

Việc coi thi trên “sân nhà” diễn ra trong bối cảnh những dư âm gian lận thi cử 2018 chưa hết nóng khiến dư luận băn khoăn, lo lắng, nhất là các chuyên gia đã từng làm nhiều về thi.

Ông Bùi Viết Toàn, Phó trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Hà Nội cho rằng bên cạnh các vi phạm quy chế thi cử liên quan đến yếu tố công nghệ cao, những vi phạm mang tính truyền thống, công nghệ thấp như phao thi, ném lời giải từ ngoài vào phòng thi (với điểm thi gần đường, nhà dân), trao đổi trong phòng thi luôn cần được lưu tâm.

Theo ông Toàn, các tình huống gian lận mà các cán bộ làm thi của các tỉnh dễ "bỏ qua" có lẽ là trao đổi bài. Trong 1 phòng thì sẽ có những thí sinh làm được bài và đó sẽ là "nguồn" chia sẻ cho cả phòng. “Việc mỗi thí sinh một mã đề đã hạn chế được phần nào điều này nhưng nếu có sự "dễ tính" của cán bộ coi thi thì việc các em có cơ hội trao đổi là rất cao.

Ở mức độ cao hơn của trao đổi bài là nhìn bài của nhau. Có thể trao đổi miệng, trao đổi giấy nháp có viết đáp án, đề thi có viết đáp án cho nhau. Một mánh nữa là các em thí sinh sẽ xin thêm giấy nháp ở môn thi đầu tiên, nếu cán bộ coi thi không để ý thì các em sẽ mang vào (vô tình hay hữu ý đều vi phạm)”, ông Bùi Viết Toàn thông tin.

Những năm trước, dù có sự tham gia của các trường ĐH nhưng trong quá trình coi thi, có cán bộ coi thi cho hay từng phát hiện trường hợp thí sinh viết kiến thức cần nhớ ra mặt sau máy tính bằng bút chì, giấu phao trong ruột bút, thậm chí viết trên móng tay…

Việc viết kiến thức cần nhớ ra mặt sau máy tính bằng bút chì là cách làm truyền thống nhưng được nhiều người đánh giá hiệu quả. Khi học sinh sử dụng phương pháp này, giám thị phải nhìn rất kĩ mới có thể phát hiện được nội dung.

Ngoài ra theo một số cán bộ có nhiều năm kinh nghiệm coi thi, chống tiêu cực trong thi cử cần chú ý tới lực lượng giám thị coi thi. Bởi phần lớn giáo viên THPT coi thi chéo nhưng vẫn trên "sân nhà" nên dễ có tình trạng gửi gắm hay dễ dãi với thí sinh.

“Một kỳ thi nghiêm túc, phản ánh đúng thực chất luôn là kỳ vọng của ngành Giáo dục, dư luận. Tuy để phòng ngừa những vi phạm có thể xảy trong kỳ thi liên quan đến các yếu tố "công nghệ thấp", giám thị coi thi cũng không thể chủ quan”, PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh.

Thi tốt nghiệp THPT 2020: Coi thi trên sân nhà, dễ gửi gắm ảnh 1   
MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.