Giáo sư Nguyễn Lộc bàn về điểm cao 'chót vót' vẫn trượt đại học

0:00 / 0:00
0:00
Giáo sư Nguyễn Lộc bàn về điểm cao 'chót vót' vẫn trượt đại học
TPO - Theo GS.TS Nguyễn Lộc, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nguyên nhân chính dẫn đến tranh luận thời gian gần đây là do đề thi tốt nghiệp THPT năm nay dễ.

GS. Nguyễn Văn Lộc cho rằng, khi bàn về sự dễ hay khó của đề thi nên dựa vào số liệu. Ông nhắc lại một đề thi vừa sức là khi đại đa số thí sinh đạt điểm trung bình còn thiểu số đạt điểm thấp và giỏi. Phổ điểm của kết quả thi vừa có một đường cong theo dạng hình chuông cân đối, khi đó, đỉnh chuông nằm ở chính giữa (Bell curve), hay nói cách khác là có phân bố chuẩn (Normal distribution). Phổ điểm kết quả thi của tổ hợp 3 môn: Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh năm 2019 có thể được coi là vừa sức khi có sự phân bố theo hình chuông cân đối có đỉnh nằm ở giữa. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2019 là 94%.

Còn đề thi dễ hơn là đề thi có đại đa số thí sinh đạt điểm trên trung bình, khá, giỏi và thí sinh đạt điểm thấp là thiểu số. Do đó, phổ điểm của kết quả thi một đề dễ có một đường cong theo dạng hình chuông với đỉnh chuông lệch sang phải. Phổ điểm kết quả thi của tổ hợp 3 môn: Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh năm 2021 có thể kết luận đây là đề thi dễ khi có sự phân bố theo hình chuông có đỉnh lệch mạnh sang bên phải. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2021 là gần 99%.

Phổ điểm của từng môn thi và tổ hợp các môn thi THPT của năm 2021 hầu hết là tương tự như tổ hợp: Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, ngoại trừ phổ điểm môn Tiếng Anh có 2 đỉnh chuông bất thường.

Đề thi dễ nên có nhiều điểm cao và rất cao. Nhiều điểm cao và rất cao dẫn đến một số trường đại học chỉ tuyển chọn những thí sinh có điểm cao hơn trong nhiều điểm rất cao. Đây là nguyên nhân chính của hiện tượng “Điểm cao nhưng vẫn trượt đại học”. Các giải thích khác đều phiến diện và không thuyết phục.

Theo GS. Nguyễn Lộc, Bộ GD&ĐT đã chưa thẳng thắn để nhìn nhận vấn đề này.

Vì sao đề thi lại dễ

Có rất nhiều ý kiến liên quan đến đề thi năm nay. GS. Nguyễn Lộc cho rằng đề thi dễ không nằm ở năng lực của đội ngũ ra đề mà như đến hẹn lại lên, mỗi năm khi bắt đầu vào mùa thi THPT, rất nhiều ý kiến bàn về việc nên tổ chức thi hay không thi với nhiều lập luận và giải thích khác nhau.

Trong 2 năm qua, đại dịch COVID -19 mang tới nhiều thách thức hơn cho giáo dục. Cách tiếp cận của các quốc gia trên thế giới về việc thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch bệnh cũng rất khác nhau: tổ chức thi như thường lệ, không tổ chức thi, hoãn thi và thu hẹp nội dung thi. Cho đến nay phương án thi vẫn là lựa chọn cuối cùng của Việt Nam.

Dưới góc độ khác, cần xét đến dạy học trực tuyến như là phương thức dạy học chính trong khi đó, phương thức này không mang lại hiệu quả bằng dạy học trực tiếp. Từ đó, cần có sự giảm tải kiến thức cho học sinh. Hệ quả của nó là phải giảm độ khó của kiểm tra, thi cử. Vậy, ý định chính sách trong việc cần một đề thi dễ là rất rõ.

Dựa vào những phân tích trên, GS. Nguyễn Lộc đưa ra nhận định được – mất khi đề thi tốt nghiệp THPT dễ.

Tính tích cực của đề thi dễ theo ông là hiện thực hóa triết lý học gì thi đấy, đặc biệt đảm bảo sự hài lòng từ phía bộ phận các học sinh chịu thiệt thòi hơn cả do dịch COVID-19. “Giả sử nếu năm nay ra đề thi vừa sức với tỷ lệ tốt nghiệp là 94% thì đề thi dễ năm nay đã làm hài lòng thêm 5% những thí sinh có thể trượt đợt thi này. Với tỷ lệ tốt nghiệp gần 99% cùng với một số em được xét đặc cách tốt nghiệp, giáo dục đã thể hiện được sự đáp ứng linh hoạt trước thách thức của COVID-19”, GS. Nguyễn Lộc nói.

Nhưng mặt hạn chế của nó cũng nhìn thấy rất rõ. Đó là tỷ lệ các thí sinh đạt điểm cao quá nhiều (đạt điểm cao nhưng chưa chắc là giỏi thật) làm cuộc đua vào một số trường đại học mong ước thật căng thẳng dẫn đến tình trạng “Điểm cao nhưng vẫn trượt đại học”. Từ đây một số khiếm khuyết khác trong cách thức tuyển sinh cũng được nêu ra.

Trong một “rừng” các đề xuất nhân sự việc này, GS. Nguyễn Lộc nêu quan điểm nên tôn trọng văn hóa thi cử của người Việt. Nói rộng ra đây là văn hóa và truyền thống của các quốc gia Đông Á, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh COVID-19 nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước Phương Tây đều hủy bỏ thi thì các nước Đông Á vẫn kiên định duy trì. Mô hình triển khai thi “Cao khảo” của Trung Quốc hoặc “The College Scholatic AbilityTest” của Hàn Quốc cần được nghiêm túc nghiên cứu để áp dụng.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng đồng tình khi cho rằng nhóm làm đề thi năm nay đã hoàn thành nhiệm vụ được giao vì họ được giao làm đề thi tốt nghiệp THPT, trừ môn tiếng Anh. PGS.TS Dũng cũng lý giải cho đến thời điểm hiện tại, các trường đại học sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển hiện nay là phương án hợp lý vì nó tiết kiệm và công bằng nhất.

“Thực tế, 90% thí sinh đi thi đánh giá năng lực do các cơ sở giáo dục đại học tổ chức sống ở các thành phố lớn; thí sinh ở các vùng khó khăn không đủ điều kiện để đi thi đã tạo ra sự bất công rất lớn trong tuyển sinh 2 năm nay. Vì các trường đại học khu vực phía Nam dành nhiều chỉ tiêu xét kết quả thi đánh giá năng lực và học bạ khiến điểm chuẩn xét tuyển theo điểm thi THPT tăng cao làm cơ hội học ĐH của các em vùng khó khăn bị hạn chế”, PGS.TS Dũng thông tin.

MỚI - NÓNG