Giao thừa thứ nhất của tôi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tôi không tin nổi bản thân lại làm chuyện này.

Hai chín tết, nhảy bừa lên một chuyến xe Nam - Bắc buổi bến xe người đông như chạy loạn rồi đi hơn 1.000 cây số để đến một ngôi làng nằm dưới chân núi. Ngôi làng ấy, tôi thậm chí không thể mường tượng, làm sao có thể nảy ra một hình ảnh nào đó trong óc khi không biết một cái gì về nó ngoài dòng chữ nhòe nhoẹt trên tờ giấy gần như nát beng. Tờ giấy được bọc trong cái túi ni-lông, tôi luôn giữ nó bên mình nhưng không nghĩ gì đến ngôi làng, việc nó nằm dưới chân núi thì cũng chỉ là thông tin tra được trên mạng. Ai xui ai khiến tôi làm cái việc mà bản thân không thể tin nổi này chứ. Có phải vì mẻ bói bài vô thưởng vô phạt kia không? Thật, bữa đó tôi đã cố nhịn cười, trò mèo bói toán tầm phào ấy sao qua mặt được tôi. Qua một người quen, tôi gặp người tạm gọi là “bà thầy”, cuộc gặp chỉ là một sự tình cờ, theo như tôi biết. Làm quẻ xem năm mới thế nào. Tôi cười, cuộc đời tôi cho tới ngày hôm đó là chưa bao giờ xem bói, cũng chưa bao giờ có nhu cầu biết trước tương lai hay cái gì đại loại thế. Tôi là người theo chủ nghĩa hiện tại, nôm na là chỉ sống trong hôm nay, khoảnh khắc này, quá khứ là điều không muốn nói đến, tương lai càng nhạt nhòa vô vị. Không gia đình. Không yêu đương. Không sự nghiệp. Chỉ có công việc mà một kẻ chỉ cần lo cho cái miệng của mình thôi thì công việc nào mà chẳng là công việc. Người ta còn muốn biết vận số là còn hi vọng còn lo lắng còn sân si với cuộc đời, tôi thì có gì mà bói. Tôi cười nhưng cũng gật đầu. Cho vui.

Tôi rút một quân bài. Bà thầy nhìn tôi, ánh mắt tỏ ra nguy hiểm đúng kiểu ánh mắt của các vị pháp sư thường thấy trên phim. Khi ấy, tôi nghĩ bà cũng giỏi diễn thật. Bà nhìn tôi thăm dò rất lâu nhưng chắc chắn không thể thăm dò ra ý nghĩ này của tôi đâu.

“Đến nơi cần đến, gặp người cần gặp”.

Bà đọc con bài, xà quần một lúc như mệt mỏi lắm rồi cuối cùng buông ra câu ấy. Chỉ một câu thôi. Đúng ra là tôi có thể hỏi bật lại nơi cần đến là nơi nào và người cần gặp là ai vì tôi hoàn toàn không có nơi nào cần phải đến hay người nào cần phải gặp cả. Giá mà tôi có thì có lẽ cuộc đời tôi bây giờ đã khác. Nhưng tôi không hỏi, coi như tha cho “nhà tiên tri” ván này. Câu ấy nếu bà nói với ai khác chứ không phải tôi thì hẳn là họ cảm kích lắm, ai mà chẳng có nơi cần đến và người cần gặp chứ. Người đời lạ lắm, mấy câu vô thưởng vô phạt bắn vào đâu cũng trúng kiểu này lại hay làm họ quắn quéo lên.

Cuộc gặp gỡ kết thúc trong vui vẻ, tôi cũng chẳng nghĩ gì nhưng đêm ấy tôi nằm mơ. “Đến nơi cần đến, gặp người cần gặp”, tôi đi vào một đường hầm tối tăm và sợ hãi, giọng ai đó vang lên phía cuối đường hầm, một cái gì đó vỡ bung, một sự khủng khiếp, một luồng ánh sáng, tôi gọi, không biết gọi gì, tờ giấy có tên ngôi làng nằm trên tay tôi, tôi nhìn vào, hoảng hốt và tỉnh giấc. Vậy đó, đại khái thôi chứ giấc mơ thì làm sao mà kể. Thức dậy, tôi có chút hoang mang, không biết bà thầy kia có dùng bùa chú trù yểm gì không mà lạ lùng thế, thật chứ tôi từng tự mãn mình là người không có giấc mơ. Đa phần người ta đều mơ và thường là giấc mơ xấu. Sự việc này đúng là lạ kỳ nhưng tôi cũng không nghĩ nhiều cho đến khi kỳ nghỉ tết chính thức bắt đầu, người ta ồ ạt đổ ra khỏi thành phố như đi tị nạn, tôi rảnh không, rảnh đến mức thấy mình thừa thãi, rảnh đến mức bao nhiêu mùa tết đã qua trong cuộc đời kéo về lần lượt như diễu binh trong cái đầu toang hoác của tôi.

Chậu quất trĩu trịt. Chậu mai rực vàng. Chậu đào phơn phớt. Bánh chưng thì xanh. Câu đối thì đỏ. Dưa hành thì ngon… Vậy đó, tết của tôi, y hệt những bài văn tôi đọc vanh vách từ những năm tiểu học. Rồi bao nhiêu quà bánh, bao nhiêu bóng bay, bao nhiêu lì xì, bao nhiêu ánh mắt, thứ gì tôi cũng có, nhưng không có ánh mắt nào là cha tôi, mẹ tôi. Họ đến rồi đi ngay sau đó, họ cho tôi đầy quà và cũng cho tôi đầy ắp trống vắng. Ai đó đã đem tôi đến để trước cổng cô nhi viện trong đêm giao thừa, vì thế các sơ luôn làm sinh nhật cho tôi khi trời đất giao hòa, năm cũ qua đi năm mới đến, có lẽ các sơ không biết khi lớn lên phải đón sinh nhật vào khoảnh khắc ấy khiến tôi cô đơn lạnh lẽo đến thế nào. Ngay cả khi còn ở cô nhi viện thì việc ấy cũng chưa bao giờ dễ chịu đối với tôi. Càng gần tết càng có nhiều người ghé đến, cánh cổng mỗi lần mở ra là mang theo một lần hi vọng. Biết đâu người ấy là mẹ tôi, biết đâu là cha tôi, biết đâu là họ hàng tôi đến đón tôi về. Biết đâu và biết đâu. Và thất vọng. Chẳng có thông tin gì trong tờ giấy nhàu nát ấy ngoài những lời xin lỗi và tên của một ngôi làng, giao thừa năm ấy trời mưa và tờ giấy đã nát beng khi các sơ tìm thấy nó. Tuổi thơ, tôi ôm nhiều mơ mộng. Về cha, về mẹ, về ông bà, về một gia đình, về cái gì đó quá đỗi thiêng liêng, mọi thứ chỉ chấm dứt năm tôi mười bảy, đủ trưởng thành để đoạn tuyệt với một niềm hi vọng. Tôi không vứt tờ giấy nhưng lòng tự biết và đã quyết không bao giờ tìm, tôi căn bản là không cần họ trong cuộc đời này nữa.

Vậy mà bây giờ tôi ngồi trên chuyến xe Nam - Bắc cực khổ này và còn đi thêm mấy trăm cây số nữa. Nơi cần đến và người cần gặp, có phải bà ấy thực sự biết tiên tri? Hay có thế lực nào đang chi phối tôi? Buộc tôi hành động để ứng nghiệm điều tiên tri của bà ấy? Dù sao thì hành trình này cũng chỉ có thể tiếp tục, tôi quyết định lần cuối khi nghĩ về những mùa tết nhạt nhòa trong chung cư, thân đối diện bóng, xác đối diện hồn giữa bốn bức tường trắng xóa lạnh lẽo như ký ức của chính mình.

***

“Làm chút cho ấm, cháu.”

Bác đi cùng xe chìa gói mứt về phía tôi, loại mứt gừng cay xé họng tôi không có thói quen dùng, nhưng công nhận xe càng đi càng lạnh, cần một chút gì cay cay ấm ấm. Bác người gầy dong dỏng, tóc muối tiêu, chân mày đậm, má hóp răng vàng, rất rụt rè trước những lời mời mọc. Dọc đường đi, mỗi trạm dừng chân tôi đều thấy bác háo hức với mấy thứ hàng đặc sản mà người ta bán đầy dịp tết, nửa muốn mua nửa không dám trả giá. Quê nào thức ấy, mỗi nơi người ta lại chào mời một món, rụt rè thế mà bác đã làm hẳn một túi to đặc sản làm quà. Gói mứt này là vừa mua khi xe đỗ lại gần một chợ nhỏ bên đường quốc lộ. Ngoài mứt, bác còn mua hẳn cả một cây hoa mai, trầy trật mang về dù đường xa tít mù. Thật, tôi không thể hiểu nổi sao phải cực nhọc thế. Tôi nuốt mấy miếng mứt gừng rồi mang chuyện này nói với bác, thật tình chẳng tìm được chuyện gì để nói cho đỡ buồn miệng. Bác cười, “cho có không khí ấy mà”. Cái không khí bác nói ấy không biết thực sự nó thế nào chứ cây hoa thì chỉ là cây hoa thôi, không mai thì đào, cúc, thược dược, nụ tầm xuân… thứ gì mà chẳng trang trí được. Năm nào tôi cũng bê về một thứ khi người ta bán xổ chiều ba mươi. Rẻ như cho.

Lúc mới lên xe tôi thấy bác ngủ gà ngủ gật nhưng càng đi càng tỉnh, càng nói nhiều, lạ thật, lẽ nào đường dài không làm cho ông già U70 như bác đau mỏi xương khớp? Có thể còn vì lí do nào đó khác mà tôi chưa biết. Bác kể tôi nghe về con trai, con dâu và hai thằng cháu nội đang chờ ở nhà. Năm nay họ đón tết thế nào, bánh chưng đã gói hay là chưa, nhà sơn lại từ bao giờ, màu gì… Xa nhà mấy bữa mà thèm nhà ghê gớm. Tôi chăm chú nghe và cố gắng hiểu những gì bác nói, nào giờ tôi chỉ mới thấy người ta thèm vàng thèm bạc, thèm danh thèm lợi thèm yêu đương bồ bịch chứ thèm nhà như bác thì tôi chưa gặp. Xe sắp về tới rồi, bác mừng rỡ quay sang hỏi tôi về đâu. Tôi đọc cái tên làng trên tờ giấy ấy. “Trời ơi, là người làng rồi. Sao không nói sớm! Sửa soạn mà xuống, khéo lại bỏ quên đấy!” “Thật hả bác?” Tôi bàng hoàng khi nghe hai tiếng “người làng” phát ra từ bác.

Xe đỗ lại bên mép đường quốc lộ, tôi xách hộ bác túi quà rồi theo bác xuống xe. Nơi cần đến là đây thật sao? Đi sâu vào độ mười lăm cây số nữa là tới làng. Con trai bác cùng một người nữa đã chờ sẵn ở đó, phải hai xe mới chở hết các thứ bác mang về. Ai cũng hỏi tôi về đâu? Xóm nào? Tôi bảo mình cần tìm một người thân đã thất lạc từ lâu, chỉ biết là người làng này chứ không biết gì nữa cả. “Ôi, tết nhất tới nơi rồi…”, ai nấy nhìn tôi, ánh mắt có chút ngậm ngùi. Bác đề nghị tôi về nhà bác nghỉ ngơi chút đã rồi hẵng đi, tôi gật đầu, chỉ chờ có vậy.

Bác ngồi sau xe, ôm gốc mai vào lòng, vẻ nâng niu trân trọng lắm. Những nụ hoa ngược từ phương Nam nắng ấm ra đã bắt đầu bung những cánh đầu tiên, vàng tha thiết. Tôi mang ba lô, kẹp ở giữa túi quà của bác. Mười lăm cây số mưa phùn trong tiết lập xuân lạnh cóng đổi lại cho tôi khung cảnh lạ lẫm của một gia đình sau cánh cổng.

“A, ông về rồi. Ông về rồi.”

“A, hoa mai, hoa mai hả ông? Trồng ở đâu hả ông? Bắt đèn chớp nháy không ông?”

“À.. Ừ, ừ…”.

Con dâu bác tay vẫn cầm đôi đũa đi hẳn ra hiên đón bố. Thấy tôi, chị ta thoáng vẻ bối rối nhưng rồi như ngầm hiểu ra điều gì đó nên nhanh chóng mời tôi vào nhà, rót cho tôi ly nước. Bác bảo tôi cứ tự nhiên, nghỉ một chút cho lại sức rồi hãy tính, cần gì cứ nói. Tôi ngồi xuống đi văng, cố gắng làm như mình tàng hình để gia đình họ được tự nhiên. Và thật, cả nhà sà vào cây mai khiến tôi thấy thoải mái đi nhiều. Họ nói về hương thơm, lúc nãy tôi ôm nó sát vào mặt mà có nghe mùi gì đâu. Rồi cánh hoa, đài hoa, nụ hoa, cây mai này giống khác cây mấy năm trước. Hồi đó cũng là chiều ba mươi, anh con trai chở bác lên phố chọn hoa, trả giá năm lần bảy lượt mà về nhà hai cha con vẫn thấy như bị hớ. Cây mai ấy sau hai năm nằm chậu thì đã được bứng ra vườn, năm nay mưa lạnh thâm trầm nên tuốt lá bữa giờ rồi mà chưa thấy nụ. Nào nào, cho cây mai vào chậu. Một cái chậu sứ màu đỏ đất và có hoa văn cất sau tủ thờ nhà họ. Kiếm thêm một ít đất mùn. Dáng cây thanh quá. Thế này là thế đang bay lên. Cây này tuy gọn nhưng nhìn gốc là biết đã có tí tuổi chứ không non. Cây năm nọ thân bé, tuổi non hơn nhiều…

Cứ thế, giữa chừng câu chuyện thỉnh thoảng họ lại nhắc đến cây mai năm trước, năm kia, năm nọ, năm trước trước nữa, có cây là hồi bác chỉ bé như hai thằng cháu nội bây giờ. Người tôi giãn ra, toàn thân bây giờ mới thấm mỏi, cơn buồn ngủ cũng kéo về. Tôi đặt lưng xuống đi văng, gác tay lên trán. Ra là vậy, cây mai của họ không phải chỉ là một cây hoa, nó là ký ức, là câu chuyện, là cái mà người ta gọi là gắn kết thế hệ, nhỉ…

***

Tôi mở mắt ra thì bên ngoài đã nhập nhoạng tối, không thấy bác đâu, cả anh con trai cũng thế chỉ nghe tiếng ríu rít cười đùa của hai đứa nhỏ. Tôi xuống nhà tìm chỗ rửa mặt rồi quay lên quảy ba lô chào gia đình họ. Tôi rời đi trước khi bác trở về, có lẽ như vậy sẽ tốt hơn.

Mưa bụi răng rắc, mỏng như sương. Nhìn quanh tứ phía thấy núi chập chùng chìm vào nhá nhem bóng tối. Chiều ba mươi tết, đối lập với màn đêm đang kéo về, với cái lạnh lẽo, cái thâm u, cái nhập nhòa ẩm ướt đang phủ lấy quanh tôi là những bàn thờ gia tiên trầm hương nghi ngút, là những căn bếp sực nức dưa hành củ kiệu, là những cây mai gắn đèn chớp nháy, là ấm trà dĩa mứt, là rất nhiều thứ tôi cũng từng có mà cũng là chưa bao giờ có.

Cuối cùng tôi đã đến nơi cần đến. Ở đây, ai là người tôi cần gặp? Lúc này đây, tôi dường như thấy trong làng này ai cũng là cha tôi, mẹ tôi, là ruột rà thân thích của tôi. Nhưng ai cũng nhìn tôi với con mắt đề phòng. Tôi nhận ra điều đó khi tạt vào một ngôi nhà hỏi thăm đường về quốc lộ 1A và hỏi tìm xe ôm. Họ nhìn tôi lạ lẫm. Có lẽ họ chưa bao giờ thấy ai đó một mình, ai đó bơ vơ chiều ba mươi tết. Tôi cũng nhận ra sự khó xử và lo lắng của vợ chồng con trai bác khi vô tình nghe được cuộc trò chuyện của họ, biết rằng bác tỏ ý muốn cho tôi ở nhờ, ít nhất là đêm nay. Ôi, tôi là người lạ. Ôi, thế thì tôi sẽ thành người xông đất cho gia đình họ mất. Làng này làm gì có khách sạn hay nhà nghỉ. Làm gì có nơi nào mở cửa đêm ba mươi. Xe ôm nào mà chạy. Ô tô nào mà ngược vào Nam giờ này. Nhưng tôi phải rời đi và đi trước khi bác về. Làm sao có thể gây phiền toái cho một người tử tế như bác. Thật, tôi đã thấy thoải mái và muốn ngủ thêm vài đêm ở đây. Cũng đã thoáng nghĩ có khi nào đó là cha tôi, là người được ám chỉ trong lời tiên tri ấy. Chẳng phải trùng hợp lắm sao. Người tôi cũng dong dỏng cao, chân mày tôi đậm. Nhưng phải thì sao? Nếu họ là người thân của tôi thật thì phải làm sao? Chẳng phải tôi sẽ thành khách không mời mà đến trong cuộc đời của họ đó ư. Đâu đó trong làng này có thể có cha tôi, ông đang vui vầy với con cháu, tôi bước vào một phát thì cảnh đầm ấm ấy liệu có lung lay? Làm sao không gây sóng gió? Ai có thể đón nhận đứa trẻ cô nhi viện như tôi? Cả tôi nữa, tôi có thể đón nhận điều tương tự không? Một kẻ chưa bao giờ biết hơi ấm là gì liệu có thể sưởi ấm cho người khác được không? Tôi đã dằn vặt trong câu hỏi này đến nỗi không dám nghĩ đến chuyện kết hôn vì không muốn mặt đất này có thêm một niềm bất hạnh.

Có ba mươi nào mù mịt như hôm nay? Tôi đi và nghĩ, miên man cho đến khi tới khu chợ nhỏ gần đường quốc lộ. Vài bóng đèn trong chợ hắt sáng ra bên ngoài, chẳng còn khách mua nữa, những ki-ốt cuối cùng đang lần lượt khép cửa. Không cảnh nào buồn như cảnh chợ tan chiều ba mươi tết. “Đến nơi cần đến, gặp người cần gặp”, câu nói của bà thầy bói văng vẳng trong đầu như một kiểu thần chú. Hoặc là một lời nguyền. Tôi không biết nữa nhưng tôi lạc vào chợ, chẳng còn ki-ốt nào bán bánh mứt hay cái gì có thể cho vào mồm, chỉ còn mấy người bán trầu cau, hoa cúng và đồ điện gia dụng, những đôi mắt mệt mỏi vì thiếu ngủ hờ hững nhìn tôi khi tôi lướt qua ki-ốt của họ, chẳng ai hỏi hay mời chào tôi lấy một câu. Tôi nhận ra cả nửa ngày rồi chưa cho gì vào bụng. Bây giờ có lẽ người nào cho tôi ăn, cho tôi đỗ nhà thì đều là người tôi tìm kiếm.

Đi hết bãi chợ mới thấy phía bên kia đường có một quán nhỏ còn sáng điện. Biển hiệu ghi vỏn vẹn hai từ “Bánh tết”. Tôi sà vào. Cô chủ quán nom đã hom hem nhưng tôi đoán tuổi đâu tầm sáu mươi là cùng. Cô bối rối khi tôi sà vào đường đột kéo ghế ngồi rồi gọi “cho hai bánh chưng”. Đây không phải là quán ăn vỉa hè nơi thành phố, cô bán bánh chưng bánh tét nhưng bánh phục vụ tết không phải phục vụ tại chỗ thế này, tôi biết, có điều đói, lạnh, đi mãi kiệt chân nên ngồi đâu được thì tôi cứ ngồi. Bánh đã hết. Cô nói rồi chẳng hiểu sao nhanh chóng đổi ý bảo tôi ngồi đợi một lúc, có bánh ngay. Tôi thấy cô vui vẻ đi vào bếp, hầu như không có ý đuổi tôi đi. Nhìn kỹ thì đây là nhà của cô chứ không phải chỉ là một cái quán. Vài chục mét vuông thôi nhưng có bàn thờ gia tiên, bếp, phòng ngủ, hai chậu hoa mai trấn giữ hai bên lối vào mà lúc nãy tôi chẳng thấy. Tôi lại gần đưa mũi ngửi mấy bông hoa. Đúng là có mùi thật. Rất nhẹ, tôi nghe ra mùi tết rồi đây.

“Phù… phù…”, tôi vừa ăn vừa thổi, thổi đến đâu ăn đến đó, cái bánh chưng quê nom thì gọn gàng mà gói chắc tay, nếp quyện vào nhau dính đúc thành khối. Thịt, đậu xanh, nếp, ba lớp rõ ràng, tôi xắn miếng nào là ngậm nghe miếng ấy, thêm mấy miếng kiệu cuốn nữa, làm liền hai cái thì no á thở.

Giao thừa thứ nhất của tôi ảnh 1

Minh họa: Vũ Xuân Tiến

“Bánh hết rồi. Còn mấy cái để cúng giao thừa và ngày tết. Phần của ơn trên là phần thơm thảo, cô không nhận tiền, nhé”.

“Này, cô nói để biết thế, không có gì mà ngại, nhé. Mà cháu người đâu đến nhỉ? Tết nhất tới nơi rồi, đi đâu mà lỡ bữa thế này?”

Tôi húp ngụm nước vào bụng, thấy người ấm sực lên. Nước lá vối với lát gừng tươi phòng cảm lạnh, lần đầu tôi uống. Thứ vị chát nồng và ngai ngái thơm này thật lạ, như một thức uống điều hòa cho cảm giác mà cặp bánh chưng vừa mang lại. Cô đã kéo ghế ngồi xuống đối diện tôi, chờ tôi trả lời. Tôi chỉ thấy ánh mắt chờ đợi chút thôi chứ không gấp gáp nên thong thả, ngậm nghe ngụm nước thêm chút nữa để hậu vị được kéo dài ra.

Bây giờ tôi mới thấm nỗi hoang mang. Chỉ là một cái tên trên tờ giấy đã nát mấy chục năm trước, sức mạnh nào đẩy tôi đến đây? Lời tiên tri hay chính lòng khao khát? Thật như một cơn lên đồng, tôi không hề chuẩn bị phương án thối lui nào cho mình cả. Giờ thì tỉnh rồi, hành trình này đến đây là đã có thể kết thúc và sẽ không bao giờ lặp lại. Tôi móc trong ngực áo lấy ra tờ giấy nát beng ấy cho cô xem. Chẳng có gì để phải không thành thật trong hoàn cảnh này. Tôi kể cô nghe về hơn một nghìn cây số mình vừa đi, và những lá thư tôi viết bằng nước mắt trong những đêm giao thừa ở cô nhi viện. Tôi chôn chúng trong hốc cây phượng già trước cửa phòng mình, chắc bây giờ chúng vẫn còn ở đó. Tôi kể và kể, kể đến khi đồng hồ điểm mười giờ mới dừng lại nhìn cô, thật lòng chỉ muốn xin lỗi, tôi biết mình phải đi trước giao thừa. Phải đi trước giao thừa. Trời đất mênh mông nhưng hôm nay tôi không có chỗ để về, mãi mãi là cô nhi giữa cuộc đời, không ai cưu mang vào đêm ba mươi tết.

Cô khóc. Tôi thấy cô chảy nước mắt, không biết từ lúc nào vì tôi cứ kể mà chẳng nhìn cô, chẳng nhìn vào đâu cố định, chỉ hướng mặt ra đường biết ngoài kia là đêm ba mươi mù mịt tối. Trước mắt tôi có người phụ nữ đang khóc, người cũng trạc tuổi để làm mẹ của tôi và khóc vì những gì tôi vừa kể. Lẽ nào…

“Đến nơi cần đến, gặp người cần gặp”.

Lẽ nào… lẽ nào là thật? Tôi không nghĩ trên đời này ai đó có thể rơi nước mắt vì tôi nếu không phải máu mủ ruột rà. Tôi đáng thương, đáng tội nghiệp, tôi biết, nhưng cảm thấy tội nghiệp và cảm thấy đau lòng rõ ràng là khác nhau. Tôi thả ba lô xuống…

***

“Hạ bàn thôi, con. Ăn thêm một phần bánh chưng nữa nhé”.

Bằng cách nào đó, lời tiên tri đã đúng, tôi đến nơi mình thuộc về và gặp người cần gặp, người cho tôi biết hơi ấm của tình thân.

Giao thừa thứ nhất của tôi. Thôn quê vắng vẻ, không tiếng pháo hoa, không cả tiếng xe cộ hay thiết bị tiện nghi chỉ có lời chúc tết phát ra từ tivi và chỉ có vài bông mai nở vàng ý nhị, dăm cặp bánh chưng, hũ kiệu cuốn và ánh mắt trìu mến của một người phụ nữ luống tuổi nhìn tôi. Cuối cùng thì tôi vẫn là một kẻ nhiều mộng mơ và ảo tưởng trên mặt đất này, nhưng điều đó không còn quan trọng nữa. Cô không phải là mẹ tôi. Không bao giờ có thể là mẹ tôi bởi sớm mang số phận của người phụ nữ không thể sinh con. Cô đã khóc, những giọt nước mắt ấy là khóc cho cái thiên chức một đời khao khát mà một đời không chạm đến. Khóc cho cái tủi, cái buồn, cái quạnh hiu của tuổi già. Và khóc cho tôi nữa, thằng con trai hơn nửa đời chưa biết thế nào là TẾT, cho đến hôm nay…

Thật, cho đến hôm nay.

MỚI - NÓNG