Giữ trọn niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
Bến cảng Nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911
Bến cảng Nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911
TP - Hành trình Hồ Chí Minh tìm đường cứu nước, giành lại độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân thực sự là một biểu tượng sinh động cho ý chí, khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam.

Vượt qua gian khổ

Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, thấu hiểu sâu sắc nỗi cực khổ của những cảnh đời nô lệ, đồng thời được kế thừa truyền thống yêu nước, bất khuất và những giá trị tốt đẹp của dân tộc, quê hương, gia đình, Hồ Chí Minh sớm hình thành ý chí, khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc. Người khâm phục gương cứu nước nhiệt huyết của các bậc tiền bối, nhưng bằng sự mẫn cảm chính trị đặc biệt, Người quyết định không đi theo cách của các cụ, mà chọn cho mình một con đường riêng.

Giữ trọn niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc ảnh 1

PGS.TS Lý Việt Quang

Một định hướng ban đầu đúng chính là cơ sở cho những bước đi đúng trên con đường mà Người đã lựa chọn. Ngay từ khi học tại Trường Tiểu học Pháp - Việt ở Vinh, Người đã chú ý đến câu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” - khẩu hiệu nổi tiếng của cuộc cách mạng Pháp năm 1789 và từ lúc đó đã “rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”.

Ngày 5/6/1911, khi bắt đầu hành trình ra nước ngoài, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành chắc chắn chưa thể hình dung được việc giành lại độc lập của dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra theo cách thức như thế nào, nhưng có một điều Người biết chắc chắn, đó là ước muốn, khát vọng cháy bỏng giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào.

Làm phụ bếp trên con tàu Đô đốc Latusơ Tơrêvin (Asnirad Latouche Jreville), công việc luôn vất vả, cực nhọc suốt từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối, nhưng mỗi khi xong việc, Người lại tiếp tục đọc hoặc ghi chép đến nửa đêm mới đi nằm. Mục đích không gì khác hơn là để không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết của bản thân, từ đó thâu hái những tinh hoa tri thức của dân tộc và nhân loại để rồi có thể giúp ích cho đất nước, dân tộc.

Quyết tâm cứu nước, giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã vượt lên những gian khổ, khó khăn nơi đất khách quê người. Người phải làm nhiều công việc vất vả, cực nhọc như đi quét tuyết, đốt lò... Trong hoàn cảnh đầy thử thách, gian nan đó, Người vẫn luôn luôn vững vàng ý chí và khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc, vẫn giữ trọn niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

Năm 1918, Chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc, khi các nước thắng trận họp Hội nghị Vécxây (Pháp), với những lời hứa hẹn mở ra hy vọng mới cho các dân tộc thuộc địa về quyền dân tộc tự quyết, Hồ Chí Minh (quay trở lại Pháp cuối năm 1917, hoạt động trong phong trào công nhân Pari) đã khởi xướng việc gửi đến Hội nghị bản Yêu sách của nhân dân An Nam, gồm 8 điểm, đòi các quyền tự do dân chủ.

Tổng Bí thư Lê Duẩn đã chỉ rõ: “Công lao vĩ đại đầu tiên của Hồ Chủ tịch là đã gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường mà chính Người đã trải qua, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là con đường giải phóng duy nhất mà Cách mạng tháng Mười Nga đã mở ra cho nhân dân lao động và tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới”.

Để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận, Hồ Chí Minh dù đang sống rất khó khăn đã tiết kiệm chi tiêu để dành tiền thuê in Yêu sách ra hàng nghìn bản, đồng thời diễn đạt bản Yêu sách thành bản Việt Nam yêu cầu ca (bằng tiếng Việt) và An Nam nhân dân thỉnh nguyện thư (bằng chữ Hán) đem phân phát rộng rãi trong nhân dân ở Pháp và gửi về Việt Nam. Bản yêu sách đã không được các nước tham dự hội nghị chấp nhận. Song, nó giúp Người “hiểu rằng những lời tuyên bố tự do của các nhà chính trị tư bản trong lúc chiến tranh thật ra chỉ là những lời đường mật để lừa bịp các dân tộc. Và muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”.

Tầm nhìn vượt thời gian

Sau gần 10 năm tìm kiếm, khảo nghiệm, cuối năm 1920, thông qua việc đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh từ chủ nghĩa yêu nước chân chính tìm đến, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm ra con đường cứu nước mới cho dân tộc. Sau này, khi nhớ lại giờ phút lịch sử được đọc Luận cương của V.I.Lênin, Người viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”.

Giữa nhiều trào lưu tư tưởng của thế giới khi đó, Hồ Chí Minh đã biết phát hiện và tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng tiên tiến nhất, cách mạng nhất và nhân văn nhất của thời đại, trong khi những người Việt Nam khác, dù cũng giàu lòng yêu nước và từng sống nhiều năm ở nước ngoài nhưng vẫn không nhìn ra được. Nhân tố cơ bản tạo nên sự khác biệt này chính là trí tuệ mẫn tiệp, khả năng nhìn xa thấy rộng của Hồ Chí Minh, một tầm nhìn vượt trước thời gian.

Nhờ tầm trí tuệ và tầm nhìn như vậy, Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường đúng cho bản thân và cũng là con đường đúng cho toàn thể dân tộc. Đó là con đường dựa chủ yếu vào sức mạnh yêu nước và đoàn kết của đồng bào, đồng thời tích cực tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, để đánh đuổi giặc ngoại xâm, rồi đi tới xây dựng một xã hội mới mang lại hạnh phúc, ấm no thực sự cho mọi người dân, một xã hội không còn áp bức, bất công, thực hiện giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, độc lập dân tộc và với chủ nghĩa xã hội.

Trên cơ sở lấy tự do, hạnh phúc cho đồng bào, độc lập cho Tổ quốc làm lẽ sống và làm thước đo giá trị để khảo nghiệm các trào lưu tư tưởng thế giới, Người đã gạn lọc và tiếp thu những tinh hoa văn hoá của nhân loại, chọn lựa con đường cứu nước đúng đắn, phù hợp với dân tộc Việt Nam. Điều cần nhấn mạnh là chặng đường mà Người đã đi là “chặng đường chiến thắng biết bao khó khăn với sự lựa chọn vững chắc, tránh được những sai lầm dẫn tới ngõ cụt”.

MỚI - NÓNG