Giữa những nụ cười xô lệch

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dịp này của 5 năm về trước, chuyến thăm đầu tiên tới Đà Nẵng của tàu sân bay thuộc nhóm tàu tác chiến USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ được in đậm trên các báo, đánh dấu mốc trong quan hệ bang giao Việt Nam-Hoa Kỳ. Có những chi tiết mà thời gian trôi qua vẫn thực sự khó quên, như lần đoàn quân nhân Mỹ tới thăm Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Sáng ngày 7/3/2018, đoàn quân nhân nhóm tàu tác chiến USS Carl Vinson có mặt tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh ở xã Hòa Nhơn. Những đứa trẻ có khuôn mặt dị dạng, dáng đi xiêu vẹo và đứng nhìn các vị khách qua ô cửa sổ với ánh mắt thất thần.

Nhiều quân nhân Mỹ dừng lại trước bức tượng người mẹ bế đứa con thơ trên vai đứng trên một chiếc thuyền có khắc dòng chữ “Peace Boat” (Con thuyền Hòa Bình) đặt giữa khuôn viên của trung tâm.

Giữa những nụ cười xô lệch ảnh 1

Đại tá cựu chiến binh Tô Năm, giám đốc Trung tâm nhận món quà biểu tượng tàu sân bay từ một thành viên trong đoàn. Ảnh: Văn Chương

Trung tâm còn nghèo nên hội trường tổ chức gặp mặt không có máy điều hòa, trong khi nhiệt độ ngoài trời trên 30 độ C. Đối với lính Mỹ thì đây là cái nóng toát mồ hôi. Nhưng có lẽ, Đại tá Mason và các quân nhân không cảm thấy quá khó chịu.

Vì tàu sân bay USS Carl Vinson từng tham chiến ở Iraq 2003, đi khắp nơi tham gia chống khủng bố toàn cầu từ năm 2001-2014 cho đến khi thủy táng được xác trùm khủng bố Bin Laden, tổ chức nhiều chuyến tuần tra trên biển Đông, tiến vào gần “lò lửa” bán đảo Triều Tiên.

Hai dãy bàn dành cho quan khách và khoảng 40 đứa trẻ. Các quân nhân Mỹ ngồi ở đầu bàn để trò chuyện bằng cách ra hiệu với những đứa trẻ mà phần lớn là bị thiểu năng trí tuệ.

Tôi chú ý đến người có khuôn mặt điển trai, tuổi còn rất trẻ nhưng mang quân hàm Đại tá, bảng tên là Mason Chuck Cosey. Quân nhân này ngồi giữa những đứa trẻ tật nguyền ở cuối phòng. Mason được thượng đế ban cho vẻ đẹp trai, phong độ. Còn những đứa trẻ thì đều bị sứt mẻ và bất hạnh ngay từ trong bụng mẹ - một bức tranh tương phản khá lớn về số phận.

Giữa những nụ cười xô lệch ảnh 2

Đại tá Mason không giấu được cảm xúc trước những đứa trẻ ở Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh. Ảnh: Văn Chương

Ngồi phía bên phải Đại tá Mason là cậu bé Nguyễn Bảo Anh có vầng trán rộng. Dù đã gần 30 tuổi, nhưng cậu vẫn ngây ngô, khi nhìn ai thì phải cúi đầu xuống, khiến ánh mắt hơi trừng trừng. Còn ngồi phía sau Mason là một cô bé có mái tóc dày, khuôn mặt hơi dị dạng. Mason cố gắng tạo niềm vui cho lũ trẻ. Nhưng bề ngoài là nụ cười, còn bên trong là những dòng cảm xúc bị xáo trộn thể hiện qua ánh mắt.

Cảm xúc khó tả

Đoàn quân nhân Mỹ giao lưu được 15 phút thì đoàn thứ hai tiếp tục đến trung tâm. Các thành viên trong đoàn đều mặc áo màu vàng, nên không phân biệt được quân hàm, ai là quân nhân và ai là thân nhân các gia đình quân nhân đi theo chuyến tàu sang thăm Việt.

Buổi giao lưu được hâm nóng bởi ban nhạc của hạm đội 7, gồm 3 tay kèn sắc xô phôn, 3 cây đàn và 1 tay trống. Nữ thủy thủ Emily Kershaw tiếp tục hát bài “Nối vòng tay lớn” bằng tiếng Việt. Bài hát nhộn nhịp kế tiếp mà cô có vẻ ưa thích là “Instrucstion”.

Cả hội trường vỗ tay rôm rả và đập tay xuống bàn phụ họa theo điệu nhạc. Đại tá Mason cũng nghiêng phải, lắc trái, vỗ tay. Bọn trẻ ngồi quanh Mason thỉnh thoảng lại thò tay nắn vào hoa mai vàng đeo trên cổ áo, và Mason quay sang gật đầu mỉm cười.

Ngồi ở dãy bàn bên kia, Trung tá Ben Cote, thỉnh thoảng cũng đỏ mặt. Trung tá Ben đặt chân lên cầu cảng Tiên Sa lúc 14 giờ ngày 5/3 và lọt vào ống kính của nhiều phóng viên vì dáng người cao, nét mặt hơi ngầu. Ngực áo Ben đeo phù hiệu Third Fleet, tức hạm đội 3. Đây là hạm đội hoạt động ở miền Đông và miền Bắc Thái Bình Dương.

Dù là sĩ quan của một hạm đội vùng vẫy 50 triệu dặm vuông trên đại dương, nhưng ngồi cạnh những đứa trẻ bệnh tật thì Ben luôn có vẻ lúng túng, ánh mắt hiện ra vẻ lo lắng, thương cảm.

Giữa những nụ cười xô lệch ảnh 3

Trung tá Ben Cote giao lưu cùng các nạn nhân chất độc da cam tại Trung tâm. Ảnh: Văn Chương

Ben tỏ ra cảm xúc và không giấu được nét mặt, vì ngồi trước mặt là chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Phương. Phải giới thiệu tuổi Phương sinh năm 1982 thì mọi người mới biết anh đã là một người đàn ông đã gần 40 tuổi. Vì chiều cao của Phương chưa tới thắt lưng và khuôn mặt cũng chưa già đi. Chỉ nhìn đôi tay và đôi chân gân guốc, có lông tay dài thì mới đoán được, đây là một người lớn. Trí tuệ Phương còn minh mẫn, nét mặt rất hiền lành và giọng nói nhỏ nhẹ như con gái.

Sau những giây phút giao lưu và âu yếm những đứa trẻ tật nguyền, các thành viên tỏa ra sân chơi bóng đá với bọn trẻ, một số khác tham gia làm hương, kết hoa vải, tham quan ngôi trường. Trung tá Ben Cote và Đại tá Mason lẳng lặng rời khỏi đám đông. Dường như cả hai đang tìm chút không khí để xua tan đi tâm tư trước khi trở về với tàu sân bay USS Carl Vinson.

Sau tiếng cười

Cũng vào ngày đó, cách trung tâm không xa, trong một gia đình nghèo, em Nguyễn Duy Trung, 18 tuổi, một học sinh của trung tâm sắp qua đời. Các cô giáo cho biết, học sinh ở trung tâm này có tuổi đời rất ngắn ngủi.

Đến thăm trung tâm, các quân nhân hải quân Mỹ có thể sẽ nhớ đến số phận buồn của Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Việt Nam là đô đốc Elmo R Zumwalt Jr, người ra lệnh rải chất khai quang diệt cỏ, nhưng 20 năm sau thì chính con trai của ông là quân nhân Elmo R Zumwalt III qua đời vì ung thư.

Tác phẩm “Cha con tôi” phát hành tháng 11 năm 1996 tại nước Mỹ đã làm dấy lên sự rung động trong cộng đồng. Hiện nay phía Mỹ đã và đang giúp Việt Nam tẩy rửa chất độc da cam ở sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, A Lưới của Thừa Thiên- Huế, hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum...

Suốt cuộc giao lưu, cụm từ khơi gợi lại nỗi đau da cam không được nhắc đến nhiều, vì đến giờ này, ai cũng đã hiểu được câu chuyện và hậu quả kinh hoàng đối với cả hai phía. Đại tá Mason và nhiều quân nhân Mỹ tỏ ra thiện cảm khi thông dịch viên nhắc lại lời phát biểu của Đại tá cựu chiến binh Tô Năm là người phụ trách trung tâm: “Việt Nam đã khép lại quá khứ”...

Năm 2021, tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ tại Việt Nam và Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường đã ký Thỏa thuận viện trợ không hoàn lại về hỗ trợ người khuyết tật do chất độc da cam tại Việt Nam. Nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Mỹ là 65 triệu USD và một phần vốn đối ứng ngân sách nhà nước Việt Nam khoảng 75 tỷ đồng. Dự án hỗ trợ cho 100.000 người khuyết tật và gia đình của họ ở 8 tỉnh, gồm: Quảng Nam, Bình Định, Thừa Thiên-Huế, Tây Ninh, Đồng Nai, Quảng Trị, Kon Tum, Bình Phước.

MỚI - NÓNG