Giúp học sinh xử lý vấn đề 'không thể chia sẻ với ai'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều học sinh có kết quả học tập dẫn đầu lớp bỗng chán học, thành tích tuột dốc do rối loạn lo âu, trầm cảm. Các chuyên gia từ chương trình “Đưa chuyên gia đến với trường học” sẽ lắng nghe và giúp các em học sinh giải quyết những vấn đề tâm lý không thể chia sẻ với ai.

Chương trình Hỗ trợ tâm lý học đường “Đưa chuyên gia đến với trường học” do báo Tiền Phong phối hợp với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam và Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Mở TPHCM triển khai vừa được phát động vào sáng 15/11 tại TPHCM.

Sau lễ phát động, các chuyên gia tâm lý sẽ đến 20 trường THCS, THPT để chia sẻ, giao lưu, lắng nghe tiếng nói của học sinh và hướng dẫn cách ứng xử văn minh trên mạng xã hội, cảnh báo, ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường, kỹ năng phòng chống xâm hại, giảm stress trong học tập, chọn ngành chọn nghề...

“Nổi loạn” do mất kết nối

Giúp học sinh xử lý vấn đề 'không thể chia sẻ với ai' ảnh 1

ThS. Lê Thị Hồng Anh Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt trò chuyện, chia sẻ với các em học sinh. Ảnh: Phạm Nguyễn

Trong quá trình tham vấn tâm lý, Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, Phân viện tại TPHCM cho biết, bà đã gặp rất nhiều trường hợp học sinh trầm cảm, rối loạn lo âu, thậm chí không học tập được dù trước đó thành tích học tập đứng đầu lớp… Tâm lý phổ biến của trẻ vị thành niên là hoài nghi bản thân. Các em mất kết nối với gia đình, không thể trò chuyện với cha mẹ do họ không có kỹ năng lắng nghe.

Ở trường, các em mất kết nối với giáo viên do nhiều thầy, cô vẫn dạy theo phương pháp cũ, khó thu hút. “Khi trong lòng không yên, không ổn, cảm xúc của học sinh giống như nồi áp suất bị nén mà không được xả van. Thời buổi hiện nay, học sinh nổi loạn nhiều hơn do bức bối cảm xúc. Các em bị mất kết nối với chính mình, gia đình và nhà trường”, bà Thúy cho hay.

Bà Thúy cho biết, đã từng gặp một học sinh lớp 8 vừa nói vừa khóc trong một diễn đàn được tổ chức tại Bình Dương. Em chia sẻ, ba mẹ quá bận nên không có thời gian quan tâm đến em, nếu có chỉ là những lời la mắng như không được chơi game, không xem phim nữa... Hầu như cả gia đình không có bữa cơm chung. Đây không còn là chuyện nhỏ, không phải nỗi buồn nhất thời nhưng ba mẹ không hề hay biết.

Một học sinh khác mắc chứng trầm cảm nhưng khi đề cập việc tìm chuyên gia với mẹ của mình thì mẹ không tin và cho rằng, con chỉ gặp rắc rối tâm lý vị thành niên. Thời điểm đó, do dịch bệnh, việc học được thực hiện trực tuyến, con khó giao tiếp với bạn bè. Mâu thuẫn xuất hiện, không thể chia sẻ với mẹ, con bị rối loạn lo âu, mất ngủ và có những biểu hiện trầm cảm nhẹ.

Bà Thuý khẳng định việc tham vấn tâm lý cho học sinh rất quan trọng. Không chỉ học sinh, phụ huynh và giáo viên cũng cần được tham vấn, cần sự chia sẻ và lắng nghe. Bởi giáo viên có những bức bối trong việc dạy nhưng không thể giải tỏa. Phụ huynh cũng gặp vướng mắc khi không thể kết nối với con cái.

Ông Phạm Anh Thắng Phó chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH thông tin, hiện cả nước có gần 100 triệu dân, trong đó có 27 triệu trẻ em. Bằng việc ban hành các khung khổ pháp lý, Nhà nước đã quan tâm toàn diện đến các em nhưng vẫn còn nhiều trẻ có hoàn cảnh đặc biệt đang được chăm sóc tại các cơ sở chăm sóc đặc biệt. “Bên cạnh tâm lý học đường nói chung, cần có sự quan tâm một cách có chiều sâu đến tâm lý trẻ em yếu thế, trẻ khuyết tật. Trong đó, với trường học cần phòng chống bạo lực học đường, xâm hại, đặc biệt chú trọng việc ưu tiên yếu tố phòng ngừa, đồng thời cần chú ý phòng chống tai nạn thương tích”, ông Thắng nhấn mạnh.

Để có sức khoẻ tinh thần tốt...

Chia sẻ tại chương trình, ThS Lê Thị Hồng Anh - Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt nhìn nhận, thực tế hiện nay phòng tư vấn tâm lý học đường chưa phát huy hết tác dụng.

Vẫn có tình trạng học sinh chưa tự tin giãi bày tâm lý với các thầy cô, vì sợ thông tin mình chia sẻ sẽ có nhiều người biết đến, nỗi lòng của mình sẽ không được đồng cảm.

Ngược lại, khi gặp vấn đề, các em có xu hướng tự giải quyết một mình. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến bạo lực hay các vấn đề trầm trọng hơn. “Thực tế, ở độ tuổi này, các em sẽ có nhiều câu hỏi tại sao, với những lý do như tại sao mình nhắn tin mà bạn không trả lời, tại sao ba mẹ la mình, tại sao mình bị điểm thấp?

Vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý giáo dục là làm sao để học sinh tự tin chia sẻ với thầy cô ở các phòng tâm lý học đường về những vấn đề mình đang gặp phải ”, bà Hồng Anh nói.

Để công tác tư vấn tâm lý học đường đến gần hơn với học sinh, nữ chuyên gia đề xuất cần có sự phối hợp giữa ban giám hiệu nhà trường với các thầy cô tư vấn tâm lý, tránh để thầy cô làm công tác tư vấn tâm lý học đường tự thân vận động.

Ngoài ra, ban giám hiệu còn là cầu nối, kết nối với các thầy cô giáo bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh. Song song với đó, các thầy cô làm công tác tư vấn tâm lý học đường cũng phải nắm bắt kịp thời, đổi mới phương pháp tư vấn để gần gũi học sinh. Cùng với đó là hành lang pháp lý rõ ràng và sự vào cuộc, đồng hành của nhiều cơ quan liên quan, tăng cường chính sách hỗ trợ tư vấn tâm lý.

Ở góc độ rèn luyện thể thao, bà Tegan Burling - Huấn luyện viên Câu lạc bộ Tottenham Hotspurs, Đại sứ thương hiệu toàn cầu của AIA khẳng định: Sức khỏe tinh thần của mỗi người ảnh hưởng rất nhiều đến các mối quan hệ xung quanh và năng suất học tập, làm việc.

Để duy trì sức khoẻ tốt, bà khuyên học sinh nên duy trì chạy bộ, đi bộ tới trường, ăn uống lành mạnh, ngủ nghỉ điều độ… “Mỗi người nên đặt mục tiêu ưu tiên cho mình, chẳng hạn như mỗi khi thức dậy cần dọn dẹp giường ngủ sạch sẽ, gọn gàng. Cùng với đó, bản thân cũng cần lạc quan thì sức khoẻ tinh thần mới tốt”, bà Tegan Burling chia sẻ.

MỚI - NÓNG