Nói về quá trình thành lập nhóm, Phạm Thị Nga (thành viên nhóm đề tài) chia sẻ: “Mọi thứ diễn ra rất bất ngờ. Ban đầu, khi triển khai dự án, chỉ có mình với bạn Hà Trang. Nhưng vì công việc rất nhiều và bọn mình cần thêm người thích hợp nên đã mời Quang Huy, một bạn rất nhiệt tình. Sau một hồi suy nghĩ, Huy đã đồng ý sát cánh với nhóm cùng thực hiện dự án”
Nhóm cho biết, khi mới bắt đầu triển khai dự án, cả nhóm vẫn rất mông lung và bỡ ngỡ, nhưng rồi có sự hướng dẫn nhiệt tình của giảng viên hướng dẫn là TS Nguyễn Nữ Nguyệt Anh, Trưởng khoa Xã hội học, người đã luôn động viên, khuyến khích nhóm hoàn tất công việc theo đúng tiến độ. Cô trở thành điểm dựa chuyên môn cho cả nhóm mỗi khi gặp khó khăn.
3 thành viên của nhóm dự án. |
Khó khăn nhất đối với nhóm là thời gian xây dựng đề cương dự án trùng với các công tác cận chuyến đi thực tập thực tế. Tuy nhiên, các bạn vẫn rất lạc quan cho rằng đây là một điều may mắn vì có thể bổ sung được kiến thức chuyên môn lẫn tìm hiểu trực quan tại địa bàn. Các thành viên trong nhóm đều cố gắng nỗ lực kết hợp chuyến đi thực tập làm nền tảng vững chắc để học hỏi và có những trải nghiệm phù hợp, giúp cho dự án thêm cơ sở ứng dụng.
Nhóm dự án trình bày trước Ban Giám khảo trong cuộc thi “Đại sứ Thanh niên vì phát triển bền vững” lần thứ nhất, năm 2023. |
Hà Trang chia sẻ về khó khăn: “Mình phụ trách đọc và tìm hiểu các tài liệu nước ngoài. Những từ ngữ chuyên môn đó thật sự rất là mới mẻ đối với mình vì nó nằm ngoài sở trường của bản thân, mình đã phải mất một khoảng thời gian để làm quen với mọi thứ và đặc biệt là các từ ngữ chuyên môn".
Nhóm giành giải Nhất Giải thưởng “Đại sứ Thanh niên vì phát triển bền vững” lần thứ nhất, năm 2023. |
Điểm trọng tâm của dự án là kết hợp bối cảnh chuyển đổi số, gắn với giải pháp hỗ trợ nhóm phụ nữ chưa được quan tâm cụ thể, phù hợp với giá trị chương trình. Điều các bạn sinh viên trên trăn trở nhất là làm như thế nào để có thể truyền tải được những ý tưởng mình đưa ra và biến nó thành một sản phẩm, hoạt động có ích đến những đối tượng mà nhóm đang hướng đến. Bên cạnh đó, kinh phí cũng là vấn đề mà nhóm đặt ra nhiều câu hỏi cần giải quyết, thay đổi nhiều lần cho phù hợp.
Hành trình đến với cuộc thi dù có nhiều gian nan nhưng những bài học đó giúp nhóm rút ra những kinh nghiệm quý giá mà chính bản thân tự chiêm nghiệm và thay đổi để rồi lớn lên và trưởng thành hơn. Việc đọc và tìm kiếm tài liệu đã giúp nhóm trau dồi thêm những kiến thức về kinh tế, đời sống xã hội để làm giàu vốn sống. Mang đến nhiều ý nghĩa thiết thực hơn như: kỹ năng tư duy sáng tạo, làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, kỹ năng diễn đạt, trình bày một vấn đề, kỹ năng thuyết trình, phát huy những điểm mạnh của bản thân.
3 thành viên của nhóm nỗ lực hết mình với dự án. |
Nói về những dự định trong tương lai, cả nhóm đều mong muốn có thể hoàn thành dự án này và tốt nghiệp đúng thời hạn. Nếu có thể, trong tương lai nhóm sẽ tham gia thêm nhiều dự án nữa để phục vụ cho công việc sau này.
Giải thưởng "Đại sứ Thanh niên vì phát triển bền vững" là chương trình hợp tác giữa trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM phối hợp cùng Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh Xã hội Việt Nam (AFV) và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) dành cho thanh niên các nước ASEAN nhằm tìm kiếm và hỗ trợ thực hiện các dự án đa dạng nhằm xây dựng một ASEAN hội nhập, thích ứng và phát triển bền vững.
Ngày 9/1/2023, tại Tòa nhà Hữu Nghị TP. HCM, các giải thưởng “Đại sứ Thanh niên vì phát triển bền vững” lần thứ nhất, năm 2023 đã được trao cho 5 ý tưởng xuất sắc nhất của sinh viên trong khu vực ASEAN.