Gỡ khó cho du học sinh về nước học tập

Du học sinh Việt Nam tại Mỹ
Du học sinh Việt Nam tại Mỹ
TP - Liên quan những khó khăn trong việc tiếp nhận du học sinh Việt hoặc du học sinh quốc tế đến Việt Nam học, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ đang làm việc với các nước về công nhận tín chỉ. Với du học sinh đang mắc kẹt vì dịch COVID-19, ông khuyên họ tranh thủ học online. 

Ngày 21/7, Bộ GD&ĐT phối hợp ĐH VinUni tổ chức hội nghị thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam.

Vẫn “xuất siêu” sinh viên

Tại hội nghị, ông Phạm Quang Hưng, Vụ  trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ GD&ĐT, cho biết, hiện có 192.000 du học sinh Việt Nam học tập tại nước ngoài (khoảng 40.000 người ở châu Âu, 50.000 - châu Mỹ, 70.000 - châu Á, hơn 50.000 - châu Đại dương). Các quốc gia có đông du học sinh Việt Nam là Mỹ,  Nhật Bản, Úc, Anh, Canada. Về du học sinh nước ngoài đến Việt Nam học, ông Hưng cho hay, 5 năm qua, số lượng tăng trung bình hằng năm là 10%. Hiện có khoảng 21.000 du học sinh quốc tế tại Việt Nam, trong đó, số người học từ trình độ ĐH trở lên là 14.400. Số sinh viên quốc tế này học toàn thời gian ở Việt Nam, không tính các chương trình hợp tác, trao đổi sinh viên giữa các trường ĐH. Theo ông Hưng, hơn 400 chương trình  liên kết đào tạo với các ĐH nước ngoài đang được triển khai tại 70 trường  ĐH Việt Nam. Trong đó nhiều nhất là chương trình đào tạo ĐH với 192 chương trình, đào tạo thạc sĩ có 153 chương trình và đào tạo tiến sĩ có 7 chương trình.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói rằng, trong khi nhiều du học sinh Việt Nam lúng túng không biết nếu về Việt Nam sẽ học ở đâu trong giai đoạn đại dịch hiện nay, sứ mạng của các trường ĐH là tạo điều kiện cho du học sinh trở về được học ở môi trường tốt nhất. Đây cũng là cơ hội để các trường trong và ngoài nước kết nối với nhau, đưa ra các chương trình đào tạo tốt.

“Nếu chỉ nghĩ đến việc giữ chân học sinh, sinh viên Việt Nam ở lại trong nước thì đó mới chỉ là tầm nhìn hạn hẹp. Một mặt vẫn khuyến khích học sinh đi du học, nhưng mặt khác phải tạo ra những chương trình liên kết đào tạo tốt để học sinh ở Việt Nam vẫn được học tập trong điều kiện và chương trình tốt nhất. Đây còn là cách để giữ nguồn chi phí dành cho du học ở lại Việt Nam”, ông Nhạ nói.

Theo PGS. TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, khi liên kết, các trường cần lựa chọn các chương trình hợp tác chất lượng; chỉ có hợp tác minh bạch, công khai thì mới lâu dài, chất lượng. Phải chọn đúng đối tác, không ồ ạt, tránh những đối tác chỉ quan tâm đến yếu tố thương mại. Ông Sơn cho rằng, khi lựa chọn các trường ĐH nước ngoài để liên kết, các trường ĐH Việt Nam cũng cần phải tính đến câu chuyện bình đẳng trong hợp tác đào tạo.

“Bản thân các trường của Việt Nam phải xây dựng được thương hiệu của mình, không đi mượn thương hiệu của đối tác để cấp bằng”, ông Sơn nói. Đại diện ĐH RMIT Việt Nam đề xuất Bộ GD&ĐT cần có cơ quan “trọng tài” để giúp người học biết trường liên kết mức độ nào, là phân hiệu hay chương trình liên kết, để tránh tình trạng nhập nhèm như thời gian vừa qua.

Tháo gỡ khó khăn nhập cảnh  

Một trong những vấn đề được quan tâm tại hội nghị là làm thế nào để du học sinh nhập cảnh vào Việt Nam. Đại diện ĐH RMIT Việt Nam phản ảnh, giảng viên quốc tế hiện khó quay trở lại để làm việc; để được 1 giảng viên quay lại, phải mất hàng tháng với cả chục người chạy đôn chạy đáo.

Không chỉ giảng viên mà sinh viên của trường cũng không quay lại được khi đi học trải nghiệm ở nước ngoài, tốn hàng nghìn USD. Ông Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng đề xuất, cần có cơ chế thông thoáng cấp visa đại biểu cho các hội thảo quốc tế, cấp visa cho sinh viên, giáo viên nước ngoài đến Việt  Nam giao lưu, học tập. Đồng thời, đề nghị hỗ trợ đẩy nhanh nhập cảnh cho sinh viên quốc tế, hiện chỉ có 300/900 sinh viên Lào học ở ĐH Đà Nẵng được nhập cảnh.

Ông Sơn cho rằng, cần có cơ chế yêu cầu các ĐH đưa bao nhiêu sinh viên ra nước ngoài học tập, như thế mới thúc đẩy giao lưu đào tạo quốc tế. Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM nói rằng, khi có công văn của Bộ GD&ĐT về tiếp nhận du học sinh cũng như sinh viên quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM phấn khởi triển khai.

Tuy nhiên, ĐH Việt Nam gặp khó khăn là phải thống nhất với các trường đối tác về việc công nhận hệ thống tín chỉ mới bảo đảm được việc học của lưu học sinh. Mặt khác, nhiều người Việt có nhu cầu học chương trình liên kết quốc tế, hoặc các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, nhưng số này chỉ học tạm thời, khi đủ điều kiện, họ lại sang nước ngoài học, vậy thì lúc đó các trường ĐH Việt Nam lấp đầy số sinh viên này bằng cách nào, ông Tâm đặt vấn đề.

Hôm qua, ĐH VinUni và ĐH Cornell (Mỹ) ký kết hợp tác chương trình “Study Away”.  Đây là một chương trình du học đặc biệt dành riêng cho sinh viên quốc tế của Cornell gặp khó khăn trong việc quay trở lại trường tại Mỹ. Theo đó, các sinh viên này sẽ được ĐH VinUni tiếp nhận, một mặt tiếp tục học chương trình cùng với các giáo sư  của ĐH Cornell trên nền tảng trực tuyến. Mặt khác, được tạo cơ hội theo học chương trình “Khám phá Việt Nam” tại VinUni.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.