Gỡ khó homestay

0:00 / 0:00
0:00
TP - Homestay đang phát triển khá nhanh tại nhiều địa phương. Hiện chưa có thống kê chính xác về số hộ dân tham gia vào loại hình kinh doanh dịch vụ này nhưng những ai ham thích du lịch gắn với văn hóa bản địa, gắn với hoạt động cộng đồng nhất là tại các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên... đều cảm nhận rất rõ về sự gia tăng mạnh số lượng hộ dân và nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Từ những căn nhà sàn mái lá nhỏ lẻ ban đầu cách đây 5-10 năm trước trong các bản, nhiều nơi nay đã hình thành những điểm du lịch cộng đồng với cả chục căn nhà, thậm chí cả bản, cả làng tham gia được du khách yêu thích như tại Mai Châu (Hòa Bình), Mộc Châu (Sơn La), Sapa (Lào Cai). Nhiều homestay quy mô có thể đủ cho vài chục đến cả trăm người lưu trú trong 1 đêm, có đủ cả dịch vụ ăn uống, lửa trại, nhẩy múa...

Theo nhiều chuyên gia về du lịch, homestay đúng nghĩa là loại hình du lịch mà du khách sẽ ở chung và sinh hoạt chung với người dân địa phương như thành viên trong gia đình, thông qua hoạt động tập thể đó để trải nghiệm các giá trị sống và văn hoá của mảnh đất mà du khách đặt chân đến. Bởi thế, “homestay” là một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh chứ không chỉ là dịch vụ lưu trú. Chỉ khi nào du khách thực sự hoà vào cuộc sống bản địa từ ăn ở đến sinh hoạt, lao động thì họ mới thực sự được trải nghiệm loại hình du lịch homestay.

Thực tế hiện nay, việc lưu trú tại nhà dân, hoặc ăn uống tại nhà dân cũng chỉ là giống như tìm chỗ nghỉ trọ nhưng bình dân và gần gũi với dân cư bản địa hơn. Song hoạt động này không giúp cho du khách có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về phong tục tập quán, nền nếp sinh hoạt, các giá trị cốt lõi của vùng đất mà họ đang khám phá...

Homestay phát triển và đang đặt ra nhiều yêu cầu về quản lý, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại nhiều địa phương tình trạng xây dựng homestay vẫn cơ bản là tự phát, thiếu sự quan tâm quy hoạch, đầu tư, hỗ trợ cho người dân về kinh nghiệm làm du lịch, về giao thông, viễn thông, về quản lý phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm...Thực tế, đã có không ít địa phương buông lỏng quản lý dẫn đến homestay phát triển thiếu định hướng, vi phạm quy hoạch, xây dựng, lấn chiếm đất rừng, đất canh tác như tại Vĩnh Phúc, Lào Cai, Sơn La...

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết: Nhiều năm qua, homestay phát triển tự phát. Nhu cầu của du khách trong và ngoài nước ngày càng cao trong khi bà con vùng dân tộc thiểu số vốn liếng ít ỏi, có gì làm nấy, không được đào tạo nên rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Hiện nay nguồn vốn đầu tư phát triển loại hình du lịch này rất hạn chế, chủ yếu là từ nguồn của địa phương.

“Tỉnh Hòa Bình đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển loại hình du lịch này. Homestay đang góp phần rất hiệu quả vào cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo và phát triển văn hóa bản địa. Do vậy đây là lĩnh vực rất cần sự quan tâm hỗ trợ của cả trung ương và địa phương”, bà Niềm chia sẻ.

Về phần mình, đại diện lãnh đạo Tổng Cục Du lịch cho rằng, phát triển homestay đang có nhiều vướng mắc, nhất là về vấn đề đất đai cần sớm được tháo gỡ...

MỚI - NÓNG