GS Cao Xuân Huy - một người thày nước Nam

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dễ đến cả tuần những loanh quanh, hỏi han, lang thang, ngơ ngác, hối tiếc, bực bõ…

Dễ đến cả tuần những loanh quanh, hỏi han, lang thang, ngơ ngác, hối tiếc, bực bõ… Tâm trạng ấy choán chiếm suốt cuộc theo mấy ông bạn tìm về vùng đất cũ Phủ Diễn Châu. Những người bạn hiếu cổ trong chuyến điền dã ngắn ngủi đang cố tìm gặp những nhân mối hiếm hoi (có hơi biết hoặc mang máng) về thời điểm tang thương CCRĐ. Về trang ấp cụ Cao Xuân Dục ở Phủ Diễn đã thành bình địa ra sao. Một trong những thứ tổn thất và đau thương là Thư viện Long Cương (Long Cương tên hiệu của cụ). Một thư viện riêng ở quê nhà Diễn Châu, Nghệ An) nhưng là một thư viện lớn của Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, gồm khoảng 10.000 đầu sách bằng chữ Hán đã bị đốt phá. Thư viện Long Cương quý vì cụ Cao Xuân Dục từng cho sao chép nhiều tài liệu, văn bản công khai lưu trữ ở Quốc Sử quán, Bộ Học đem nhập vào thư viện Long Cương của mình!

Chuyện gặp người, tầm vật như nào xin được nói sau.

Tôi đang nhớ lại cái đêm có hai ông bạn rượu ngủ lại nhà tôi ở Khu tập thể Hàng Trống.

Đó là Nguyễn Trọng Tạo và Đào Thái Tôn.

Ngủ nghê gì! Ngồi lẫn nằm với hai vị ấy thì có ngủ vào… mắt!

Bên nhà nghiên cứu Hán Nôm, PGS TS Đào Thái Tôn, thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo thoắt thành một sử gia đáng nể! Lão đương thao thao về một quá vãng Phủ Diễn -quê mình.

Chuyện loanh quanh xa gần thế nào mà cả hai rốt cuộc tấm tắc đến một người Nghệ. Đó là GS Cao Xuân Huy, nhà Hán học, nhà triết học Đông Phương, vị sư biểu đáng nể…

GS Cao Xuân Huy - một người thày nước Nam ảnh 1

GS. Cao Xuân Huy.

Có thể trong một số cuộc rượu, nhà nghiên cứu (PGS,TS) Đào Thái Tôn thi thoảng bung biêng bỡn cợt nhưng trong học thuật nghiên cứu, TS rất cẩn trọng nghiêm ngắn (TS là anh ruột của ông bạn thân của chúng tôi hồi ấy đang dạy Văn học Pháp ở Khoa Văn ĐHTH là GS Đào Duy Hiệp). Đào Thái Tôn có một lúc ngồi phắt dậy quả quyết rằng, GS Cao Xuân Huy, cháu nội cụ Cao Xuân Dục được thừa hưởng trí thông minh thiên bẩm từ dòng dõi gia tộc, một gia đình 2 đời là Tổng tài Quốc sử quán dưới triều Nguyễn. Rằng từ thuở bé cậu bé Cao Xuân Huy đã từng thơ thẩn rồi được tập ấm rèn cặp quanh cái thư viện Long Cương đồ sộ rộng thênh của ông nội mình. Thời thanh niên lại đi học trường Tây tiếp xúc sớm với tư tưởng và triết học phương Tây nên đã sớm hình thành ở GS kiến thức và phương pháp nghiên cứu cũng như cung cách truyền thụ đặc biệt cho các thế hệ học trò.

Đào Thái Tôn là một trong những học trò ấy.

Hóa ra ông cùng lớp học Hán Nôm đầu tiên thời sơ tán thời chiến tranh phá hoại ở bên sông Cầu Chày với thày Cao Xuân Huy. Lớp ấy có những nghiên cứu gia nổi trội sau này, Trần Thị Băng Thanh, Nguyễn Huệ Chi, Bùi Duy Tân…

Nhà nghiên cứu, học trò Đào Thái Tôn xuýt xoa về một buổi học.

…Lần ấy giảng đến câu “Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an…”, thày viết lên bảng rồi quay lại “Anh nào dịch câu này? Anh kia, dịch!”. Hầu hết ai cũng “Thưa thày, người quân tử ăn không cần no, ở không cần yên ạ”. Thày cười “Quân tử hay tiểu nhân đi chăng nữa thì ăn no ở yên vẫn luôn là điều tốt. Hà tất gì hễ là quân tử lại cứ phải ăn chẳng cần no? Dịch non choẹt!”

Đến đây thì thày luyện cho các trò ngữ pháp một câu văn cổ.

Thế động từ ở đâu? Dạ thưa thày Thực Cầu ạ! Hê hê. Ông cười vang. Không! Nó ở chữ “Vô” ấy. Các anh chẻ đôi chữ ra mà xem là gì? Vô là bất hữu. Hữu mới là động từ. Còn bấtphó từ. Vậy phải dịch thế này mới rõ. Cái việc ăn của người quân tử ấy không có cái sự (cái mục đích) cầu cho thật no - Nghĩa là ăn no thì càng tốt. Chẳng no cũng không sao. Ăn để mà sống chứ không sống để mà ăn. Nên nhớ rằng chữ “bão” có 2 nghĩa chính là no và chán. Người quân tử xem việc ăn là phụ, không bao giờ có cái khát vọng cái niềm chăm chắm canh cánh vì mục đích no xôi chán chè thừa mứa.

Ở cũng vậy. Ai mà không thích an nhàn thư thả yên ổn. Nhưng gặp bọn tiểu nhân gian manh đạo tặc thì dù biết có lụy đến thân cũng không thể làm ngơ. “Đấng trượng phu tùy ngộ nhi an/ Tố hoạn nạn hoành hồ hoạn nạn” - Người quân tử phải tùy cảnh ngộ mà tự thích nghi, tự tìm lấy cái an lạc của riêng mình. Phải biết “dĩ bất biến ứng vạn biến” để từ trong hoạn nạn vẫn tìm ra được cái “AN” mà vui với chân lý!

GS Cao Xuân Huy - một người thày nước Nam ảnh 2

Từ trái qua phải: GS. Cao Xuân Huy, nhà phê bình Hoài Thanh, GS. Đặng Thai Mai.

Kỹ càng từng chữ như vậy nên thầy không chịu nổi cách hiểu một nghĩa chữ hay một câu văn ang áng, đại khái…

Để ca ngợi ông có lẽ ngoài câu “Giáo nhi bất quyện” (Dạy không biết mệt mỏi) nên chăng phải nói thêm thế này, không dạy thày như mệt mỏi hơn. Không dạy thày như là âm bản của mình với vẻ già nua ốm yếu bên những trang sách câm lặng!

Chỉ khi lên bục giảng, ông mới thực sự là ông. Ở đó ông như cá gặp nước chân dung thần thái của ông mới hiện ra lồ lộ. Ông hoạt bát hẳn lên từ dáng đi, lời giảng sang sảng và tiếng cười hồn nhiên như thơ trẻ.

Dịp khác theo chân TS Đào Thái Tôn đến chơi một người bạn. Đó là Phó GS-TS Nguyễn Đăng Na (Đại học sư phạm I Hà Nội). Thật thú vị, TS Nguyễn Đăng Na cũng là học trò của thày Cao Xuân Huy.

TS có những hồi ức về người thày của mình thật sinh động:

… Đó là năm 1976. Thày Cao Xuân Huy đã 76 tuổi. Chúng tôi lo lắng và quyết định gấp gáp thành lập một lớp học gồm 8 anh chị em gồm những cán bộ giảng dạy thuộc hai Tổ văn học Việt Nam I & II và mời thày Huy đến dạy. Tôi hết sức dùng đủ mẹo mực bịa thêm chứng từ để xin được 5 đồng cho một buổi học phí.

Xin mở ngoặc thời ấy 5 đồng mua được 20 quả trứng gà. Mỗi tuần học 2 buổi. Mỗi buổi học khoảng 3 tiết tại Trường Sư phạm Hà Nội cây số 8 Cầu Giấy. Lại cũng xin được xe để đưa đón thầy. Nhưng anh Tái, tên người lái xe tính tình ngổ ngáo hay văng bậy chửi tục, lái lại rất ẩu. Thầy thì tuổi cao sức yếu chịu không nổi. Tôi van xin thể nào anh cũng chả chịu nghe.

Chúng tôi đành tìm cách chuyển lớp ra Hà Nội.

Tôi tìm đến Văn Miếu và may được Ban quản lý di tích cho đặt lớp. Học chữ của thày Khổng ngay tại Văn Miếu nơi thờ ngài còn gì hơn nữa. Mỗi tuần 2 buổi thuê xích lô đưa đón thày từ 13 Phan Bội Châu đến.

Nhưng chỉ được hơn tháng, Văn Miếu cải tạo trùng tu, lớp học lại bị bật ra. Rồi may có người bạn ở phố Hội Vũ cho mượn nhà anh làm lớp học. Nhưng mới học được hai buổi lại phải thiên di bởi cầu thang nhà anh Long quá dốc bậc cao thày không thể trèo lên được.

GS Cao Xuân Huy - một người thày nước Nam ảnh 3

GS Cao Xuân Huy và các học trò.

Lang thang tìm địa điểm khác may lại gặp được người quen ở 51 Hai Bà Trưng. Chủ nhà đã không lấy tiền lại cho mượn cái góc học tập của 2 đứa con. Lại biện một ấm trà ngon để thày dùng mỗi buổi.

Học chưa được một tháng, đùng cái “trên” cắt kinh phí. Không xin được tiền gửi thày mà cuộc sống 8 anh em chúng tôi thuở ấy rất chật vật. Nỗi buồn 4 lần chuyển địa điểm rốt cục lớp không, kinh phí không. Chúng tôi cũng không ngờ đây là lớp học cuối cùng của thày Cao Xuân Huy.

Một lần đi qua vườn hoa Mê Linh. Gọi là vườn hoa cho sang chứ chỉ là chỗ ba con phố Hỏa Lò, Bông Nhuộm và Hai Bà Trưng giao nhau làm thành một rẻo đất hình tam giác nho nhỏ. Bất ngờ tôi thấy thày Huy đội mũ phớt, áo măng tô, hai tay đặt trên đầu chiếc ba-tong lặng lẽ đắm chìm trong suy tưởng…

Hỏi han thì được biết thày hay ra đây ngồi… Và tại đây trên mấy chiếc ghế đá sứt mẻ này thày tiếp tục trang bị cho tôi hành trang Hán học mà tôi bị bỏ dở. Thày đã dạy cho tôi hết Tứ thư và một phần Trang Tử. Không chỉ dạy chữ mà qua phần nghĩa thày dạy thêm về triết học.

Lần ấy tôi mạo muội dẫn một luận điểm của một học giả Trung Hoa là Dương Bá Tuấn. Thầy đọc, tay run lên vì tức rồi cau mặt gắt “Dốt quá!’’. Rồi thày bình tĩnh trở lại điềm tĩnh giảng giải cho tôi sai lầm của học giả họ Dương.

Đến bây giờ không hiểu bằng phương cách gì trong thời gian ngắn ngủi ở Vườn hoa Mê Linh mà thày lại dạy cho tôi được nhiều điều như thế?

Hồi ấy tôi nghèo lắm. Nhưng rất muốn được học mãi với thày Huy. Không bao giờ thày hỏi tiền tôi mà đưa bao nhiêu thày lấy bấy nhiêu. Tôi quyết định không đến vườn hoa Mê Linh nữa mà dự định mua một cái cát xét để thu băng bài giảng của thày. Nhưng nấn ná mãi. Nhiều khó bó cái khôn. Rồi nghe tin thày vào Nam với con trai. Rồi đột ngột nghe tin năm 1983 thày mất (thọ 83 tuổi)!

Bây giờ tôi có được những gì để truyền thụ cho học trò và hoàn thành một số công trình nghiên cứu cũng từ cái ơn bảo ban dạy dỗ của thày! - Phó GS-TS Nguyễn Đăng Na ngậm ngùi kể…

Thày viết rất ít. Suốt đời chỉ chăm chắm cái việc đọc tích lũy, hệ thống kiến thức để các giờ giảng thêm sinh động sâu sắc.

Sinh thời Khổng Tử không hề biết rằng nhờ có học trò mà ông đã để lại cho hậu thế cuốn Luận Ngữ khủng! Khủng vì Luận Ngữ là cuốn sách gối đầu giường, một trong những Tứ thư của triết học Phương Đông.

Lạ kỳ ở nước Việt, trong số học trò của GS Cao Xuân Huy có một vị dong dỏng gày gò đã bỏ thời gian công sức để sưu tầm tập hợp chỉnh lý chú giải một số trước tác của thày mình. Đó là cuốn Tư tưởng phương Đông, những góc nhìn tham chiếu của GS Nguyễn Huệ Chi.

Tiếc thay! Và cũng kính sợ thay! Chỉ nhõn mỗi cuốn ấy tạm coi là trước tác của GS Cao Xuân Huy đã được các thế hệ học giả Việt làm cuốn gối đầu giường. Và năm 1996, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ đã được trao cho công trình Tư tưởng phương Đông, những góc nhìn tham chiếu.

Một lần hiếm hoi được hầu chuyện GS Nguyễn Huệ Chi, nhân khi hỏi về công trình ấy, tôi mang máng đọc được, ngoài cái tình cảm thày trò còn là sự gặp nhau giữa hai tư tưởng lớn?

… Những thu xếp, đắn đo này khác mà vẫn chưa có duyên, dịp để ngồi với nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ. Nghe đâu thày Nguyễn Hùng Vĩ từng có cái duyên quen biết và đã từng được tập ấm với vị sư biểu GS Cao Xuân Huy? Một lần gặp vội, hỏi về GS Cao Xuân Huy, thày Vĩ nghiêm sắc mặt dẫn câu của cổ nhân ca ngợi Khổng Tử để nói về ông thày mình - vị sư biểu Cao Xuân Huy như này:

“Ngưỡng chi di cao, toàn chi di kiên, chiêm chi tại tiền, hốt yên tại hậu” (càng ngửng lên trông càng thấy cao, càng đục càng thấy cứng, mới thấy ở trước mặt, bỗng hiện ở sau lưng).

Rồi thày cười “Viết về cụ Huy cũng ví như bẻ… que để đo… giời vậy”.

Người viết bài này đâu có ý định nghiên cứu gì. Gặp may, biết thêm vài chuyện đời thường này khác chép ra đây càng dày càng nhiều thêm lên những thương kính cùng chút ngậm ngùi về một người THẦY nước Nam mình!


MỚI - NÓNG