GS. Hà Minh Đức kể về người học trò đặc biệt - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ở tuổi 90, GS. Hà Minh Đức vẫn nhớ rõ những lần gặp gỡ, trò chuyện thân tình với học trò - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông thường nhắc đến Tổng Bí thư bằng cách gọi thân mật “anh Trọng”. Ông viết ngay một bài thơ sau khi nhận tin buồn.

GS. NGND, nhà văn Hà Minh Đức thuộc thế hệ giảng viên đầu tiên của Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cùng với các giáo sư, nhà giáo danh tiếng như Nguyễn Tài Cẩn, Đinh Gia Khánh, Lê Hồng Sâm...

Ông chia sẻ với Tiền Phong nhiều kỷ niệm với một trong những học trò xuất sắc nhất của ông - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong lớp Văn 8 (1963-1967), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong số học trò ít tuổi nhất.

GS. Hà Minh Đức kể về người học trò đặc biệt - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp mặt lớp Văn K8 (1963-1967), Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Nhận tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, GS. Hà Minh Đức buồn, đau xót. Ông bảo rằng đó cũng là cảm xúc chung của người dân Việt Nam.

Trong căn phòng nhỏ ở phố Vĩnh Hưng sáng 20/7, GS. Hà Minh Đức nhớ rõ những buổi gặp, trò chuyện thân tình với học trò. Ôn lại thời làm chủ nhiệm lớp Văn K8, GS. Hà Minh Đức nhận định cậu học trò Nguyễn Phú Trọng thời ấy "chăm chỉ, kiệm lời, được nhiều người yêu mến".

“Dù ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng luôn có ý thức là học trò khi về thăm thầy cô giáo cũ. Có lần, trong cuộc họp của đội ngũ sinh viên ra trường sớm để vào miền Nam công tác, đồng chí Nguyễn Phú Trọng không đứng chung hàng với các thầy cô để chụp ảnh. Hàng đầu tiên chỉ có 5-6 thầy cô giáo ngồi ghế, anh Trọng đứng phía sau cùng các sinh viên”, GS. NGND Hà Minh Đức nhớ lại.

GS. Hà Minh Đức từng giữ nhiều chức vụ như Viện trưởng Viện Văn học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Ủy viên Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT T.Ư, thành viên Ủy ban Giáo dục toàn quốc…

Năm 2022, cuộc gặp của lớp Văn K8 (Đại học Tổng hợp Hà Nội) nhân kỷ niệm 55 năm ngày ra trường cũng có sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cuộc gặp được ghi lại trong những thước phim tư liệu quý giá "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ và mẫu mực", phát sóng tối 19/7.

GS. Hà Minh Đức kể về người học trò đặc biệt - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ảnh 2
Nhà giáo Hà Minh Đức gìn giữ cẩn thận tấm ảnh chụp chung với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nguyên Khánh.

Nhà giáo Hà Minh Đức nhớ lại sự kiện lớp Văn 8 gặp gỡ, kỷ niệm 55 năm ra trường, tổ chức tại báo Nhân dân (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sinh viên tụ họp về rất đông, trò chuyện dưới gốc đa trong khuôn viên của báo.

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới sau một chút. Thấy tôi đứng lên, Tổng Bí thư ôm vai, kịp đỡ tay và mời thầy giáo ngồi xuống. Trong cuộc gặp, Tổng Bí thư vẫn nhận ra nhiều bạn học cũ. Phát biểu trước các học trò, tôi khẳng định đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Đảng, Nhân dân tin tưởng, giữ trọng trách lớn nhờ các yếu tố: trí tuệ, tài năng, bản lĩnh và đạo đức", GS. Hà Minh Đức kể.

Gần cuối cuộc gặp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu ngắn gọn, cảm ơn ý kiến của thầy Hà Minh Đức. Tổng Bí thư nhấn mạnh trước sau vẫn là học trò của các thầy, là bạn thân của các sinh viên trong lớp.

Các thành viên lớp Văn K8 ngày ấy tự hào vì có một người bạn dù giữ cương vị cao nhất của Đảng, Nhà nước vẫn đôn hậu, giản dị, nghĩa tình như ngày nào.

Trích bài thơ GS. Hà Minh Đức viết sau khi nhận tin Tổng Bí thư từ trần:

..."Anh là ngọn cây cao

Vươn nhanh tới trời xanh

Anh là ngọn gió mát

Của làng quê yên lành

Nhớ những ngày sơ tán

Quây quần cùng bè bạn

...

Sao anh vội ra đi

Việc nước còn dang dở

Trang sách còn để mở

Chuyện buồn đến bất kỳ".

MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Máy bay không người lái (UAV) do đội ngũ nhà khoa học của Viettel chế tạo, sản xuất được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2024. Ảnh: VHT

Mở rộng không gian sáng tạo cho nhà khoa học

TP - Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có hành lang pháp lý đầy đủ để chấp nhận rủi ro, độ trễ của hoạt động nghiên cứu khoa học, giúp các nhà khoa học mở rộng không gian sáng tạo. Bên cạnh đó, cần bỏ tư tưởng không quản được thì cấm, cho phép thí điểm cơ chế đặc thù với mô hình, sản phẩm công nghệ mới.
Hàng trăm ngọn núi lửa ở Nam Cực có thể phun trào nếu băng tan. Ảnh: Metro.

Nguy cơ 100 núi lửa ở Nam Cực phun trào đe dọa Trái Đất

TPO - Nam Cực – lục địa trắng xóa tưởng chừng như bất động có thể sớm trở thành nơi diễn ra một chuỗi các vụ phun trào núi lửa, đe dọa làm thay đổi hoàn toàn cảnh quan Trái Đất. Đây là cảnh báo từ một nghiên cứu mới, chỉ ra rằng băng tan đang làm tăng nguy cơ kích hoạt hàng trăm núi lửa chìm dưới lớp băng dày.