Hà Nội: 'Chữa bệnh' thờ ơ, thiếu trách nhiệm của một bộ phận công chức

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế xã hội Hà Nội cho biết, có nơi, có lúc người dân còn khó tiếp cận dịch vụ; thái độ làm việc của cán bộ trực tiếp giải quyết hồ sơ còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm.

Sáng 13/12, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính thành phố Hà Nội”.

Khai mạc Hội thảo, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, những năm qua, công tác cải cách hành chính tiếp tục được thành phố xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm.

Từ năm 2019 đến nay, việc triển khai khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố (30 quận, huyện và 22 sở, ngành) được Hà Nội triển khai thường xuyên, liên tục. Thông qua đó, các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc thành phố nắm bắt được nhu cầu, kỳ vọng của người dân để có những giải pháp cải thiện chất lượng phục vụ, cung cấp dịch vụ của mình nhằm nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người dân và tổ chức.

Hà Nội: 'Chữa bệnh' thờ ơ, thiếu trách nhiệm của một bộ phận công chức ảnh 1

Quang cảnh hội thảo khoa học. Ảnh: Tú Linh

Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, thông qua các tham luận tại Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ xây dựng báo cáo, kiến nghị, đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm cải thiện và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội, báo cáo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố để chỉ đạo, điều hành.

Đánh giá về Chỉ số SIPAS (chỉ số kết quả đánh giá của người dân về sự phục vụ trong cơ quan hành chính Nhà nước), Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh cho rằng, chỉ số này của thành phố đạt khá cao, được cải thiện qua từng năm 2020-2022, trong đó năm 2022 tại khối sở và khối huyện đều đạt trên 90%.

Tuy nhiên, dù SIPAS của thành phố đạt cao nhưng chưa có sự ổn định, đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị. Kết quả khảo sát chỉ số này hàng năm tại một số đơn vị vẫn chưa phản ánh đầy đủ, sát thực trạng, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của cơ quan hành chính Nhà nước cũng như sự mong đợi của người dân, tổ chức đối với việc giải quyết TTHC.

“Có nơi, có lúc người dân còn khó tiếp cận dịch vụ; thái độ làm việc của cán bộ trực tiếp giải quyết hồ sơ còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm; tình trạng phải bổ sung hồ sơ nhiều lần để được tiếp nhận, giải quyết vẫn còn. Người dân còn gặp khó khăn trong quá trình góp ý, phản ánh, kiến nghị” - ông Lê Ngọc Anh thông tin.

Trước thực tế đó, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế xã hội Hà Nội đề xuất một số nhóm giải pháp liên quan đến tiếp cận dịch vụ, TTHC, công chức giải quyết TTHC, kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công và tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị. Đặc biệt, các cơ quan đơn vị rất cần cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin và mở rộng hình thức thông tin để người dân, tổ chức biết về cơ quan tiếp nhận, giải quyết TTHC một cách dễ dàng tại trụ sở cơ quan, trên Cổng/Trang thông tin điện tử.

“Cùng với đó, nghiêm túc rà soát, kiến nghị đơn giản hóa những TTHC rườm rà, phức tạp, tránh tình trạng công chức giải quyết tự ý đòi bổ sung những giấy tờ khác ngoài quy định. Tăng tần suất kiểm tra công vụ, kiểm tra cải cách hành chính, nhất là tại cấp xã, nhằm chấn chỉnh kỷ cương hành chính và xử lý ngay những trường hợp vi phạm về thái độ giao tiếp ứng xử. Đặc biệt cần xử lý nghiêm trường hợp cán bộ công chức đòi hỏi giấy tờ sai quy định, tự đặt thêm khâu công việc, nhũng nhiễu, tiêu cực” - ông Lê Ngọc Anh đề nghị.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đề nghị, các cấp, ngành toàn TP tiếp tục triển khai quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, giải pháp đột phá, hiệu quả, trong đó ưu tiên những nội dung người dân, tổ chức quan tâm, kỳ vọng sự đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ của các cấp chính quyền. Đặc biệt, đảm bảo sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân vào hoạt động quản lý của các cấp chính quyền. Tập trung rà soát, đề xuất đưa một số nội dung chính sách thiết yếu, đặc thù vào dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng CNTT, hệ thống thông tin giải quyết TTHC, kênh phản ánh, kiến nghị để nâng cao sự hài lòng của người dân.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, việc quan trọng nhất đối với TP để nâng cao sự hài lòng của người dân hiện nay là phải đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, khi đó các điểm nghẽn sẽ được xử lý. Đồng thời, chú trọng hơn tới yếu tố con người, bởi người dân Thủ đô đang kỳ vọng rất cao vào đội ngũ cán bộ, công chức. Cán bộ, công chức thành phố cần hiểu rõ sứ mệnh của mình để thực hiện tốt 3 nguyên tắc là tự tôn pháp luật, luôn lắng nghe và có thái độ cầu thị, phục vụ tốt; đồng thời hướng tới các mục tiêu gồm nhận thức đầy đủ, tầm nhìn dài hạn, tư duy sáng tạo, giải pháp thông minh, sản phẩm cụ thể…

MỚI - NÓNG