Hà Nội: Đề xuất hàng loạt phố đi bộ, cần số lượng hay chất lượng?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo nhiều chuyên gia, sự thành công của không gian công cộng nằm ở việc lắng nghe nhu cầu của người dân và thiết kế phù hợp với nó. Điều thành phố nên quan tâm không phải số lượng phố đi bộ hình thành, mà là chất lượng kết nối không gian và tạo ra giá trị của các tuyến phố đó.

Dịp 30/4 và 1/5 tới đây, không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây sẽ chính thức đi vào hoạt động. Và tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây là không gian đi bộ thứ 4 của Hà Nội được hình thành, sau không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ khu Phố cổ Hà Nội (Hàng Đào – Đồng Xuân, khu bảo tồn cấp 1 Phố cổ Hà Nội, khu vực mở rộng phía Nam khu Phố cổ Hà Nội) và không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn.

Cùng với đó, hàng loạt khu phố đi bộ khác cũng đang được đề xuất đi vào hoạt động, như phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh, hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình); Phố đi bộ Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 (quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì); Phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng)...

Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội đang “bội thực” với quá nhiều phố đi bộ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Vương Thuỳ Dương, Chuyên gia cao cấp về Quy hoạch & Thiết kế đô thị, Cty tư vấn enCity, cũng là một kiến trúc sư có nhiều năm học tập tại Ý cho biết: Phố đi bộ, thường được gọi trong tiếng Anh bằng “walking street” hay “pedestrian zone”, là cách phát huy vai trò của không gian công cộng nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đời sống hàng ngày của cộng đồng dân cư địa phương.

Nói về mô hình không gian đi bộ tại các nước trên thế giới, bà Dương cho biết, tại các thành phố châu Á, nhất là các khu đô thị mới, nhu cầu sử dụng không gian công cộng quá lớn của người dân khiến cho việc hình thành các khu “phố đi bộ” ra đời. Thông thường các khu phố này sẽ được bố trí ven sông (như Clarke Quay của Singapore nơi người ta đi bộ, mua sắm, ăn uống ven sông), ven hồ (như phố đi bộ Hồ Gươm), hoặc ven một địa danh nổi tiếng (như quảng trường SeJong gần cung đình Gyeongbokgung tại trung tâm Seoul của Hàn Quốc). Các nước này khai thác các khu phố đi bộ để người du lịch có thể nhìn ngắm, thăm thú và chụp ảnh.

Hà Nội: Đề xuất hàng loạt phố đi bộ, cần số lượng hay chất lượng? ảnh 1

Quảng trường Thời Đại (Time Square, Mỹ) là một mô hình không gian đi bộ thành công trên thế giới

Nếu nói về trường hợp thiết kế không gian công cộng thành công thì đó là quảng trường Thời Đại (Time Square, Mỹ). Mỹ là quốc gia nổi tiếng với việc thiết kế đường dành cho giao thông cơ giới (car-dependency design). Tuy nhiên riêng quảng trường Thời Đại thì đã được thiết kế thành nơi tổ chức rất nhiều sự kiện nổi tiếng, khai thác biển bảng quảng cáo thương mại và thu hút lượng khách du lịch khổng lồ từ khắp thế giới.

Theo chuyên gia Vương Thùy Dương, ở Việt Nam có 2 mô hình thành công là phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) và phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM). Lí do thành công nằm ở: Vị trí đắc địa ở trung tâm thành phố vốn là điểm đến có sẵn của người dân, nhu cầu người dân rất lớn trong việc chia sẻ không gian công cộng. Điều được tạo thêm là phần không gian mềm và các hoạt động văn hóa nghệ thuật sáng tạo, vui chơi, giao lưu cộng đồng.

Sau khi đã có 2 mô hình thành công này, chúng ta có thể thấy nhu cầu sử dụng không gian công cộng trong thành phố là rất lớn. Khi lượng ô tô xe máy đã trở nên quá tải và rất thiếu không gian xanh, người dân luôn luôn có nhu cầu đi bộ, hoạt động ngoài trời, chia sẻ thời gian với gia đình. Thông thường các mô hình phố đi bộ ở Việt Nam sẽ được thiết kế để kết nối, đi kèm tốt với các không gian mở chính và quan trọng của thành phố. Điểm đến có thể là không gian xanh, thương mại điểm nhấn, hay công trình có giá trị văn hóa lịch sử. Ai cũng có quyền tiếp cận không gian xanh và không gian mở này, vì thế việc quan trọng là thiết kế phố đi bộ như thế nào để kết nối với nhau và khiến cho người dân có trải nghiệm tốt nhất, đồng thời khai thác hiệu quả về thương mại và các lợi ích kinh tế.

Hà Nội: Đề xuất hàng loạt phố đi bộ, cần số lượng hay chất lượng? ảnh 2

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn học hỏi mô hình từ phố đi bộ Hoàn Kiếm nhưng không thu hút được du khách. Dịp 30/4 tới đây, Hà Nội đã quyết định mở lại phố đi bộ này.

Các tiêu chí để thiết kế phố đi bộ nên ưu tiên đó là tính tiện lợi: An toàn, trải nghiệm đi bộ dễ chịu, vừa có không gian mở, vừa có không gian thương mại, hàng quán, mua bán. Cộng thêm việc chú ý bổ sung chuỗi trải nghiệm, nhất là tận dụng các điểm nhấn đô thị vốn có. Thậm chí có thể thiết kế để ngày thường vẫn sử dụng cho giao thông, và cuối tuần sẽ mở ra phố đi bộ (như phố đi bộ Hồ Gươm).

Tiếp đó là những trải nghiệm khám phá điểm đến mới. Vì thế cần thiết kế để phố đi bộ là nơi kết nối các điểm đến ấy. Đây cũng là cách tận dụng các giá trị văn hóa – kinh tế - không gian chưa được khai phá hết của đô thị hiện hữu.

Sự thành công của không gian công cộng nằm ở việc lắng nghe nhu cầu của người dân và thiết kế phù hợp với nó. “Cá nhân tôi cho rằng để phát huy tiềm năng du lịch của thủ đô Hà Nội, điều chúng ta nên quan tâm không phải số lượng phố đi bộ hình thành, mà là chất lượng kết nối không gian và tạo ra giá trị của các tuyến phố đó”, vị chuyên gia nhận định.

MỚI - NÓNG