Hà Nội: Đề xuất miễn lệ phí cho công dân thay đổi giấy tờ tùy thân tại các phường sau sáp nhập

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ trương của thành phố là hỗ trợ tối đa cho công dân khi thay đổi giấy tờ tùy thân, giải quyết các hồ sơ, TTHC có liên quan do thay đổi tên gọi địa giới hành chính.

Thực hiện Kế hoạch số 217/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội, quận Hà Đông thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đối với 3 phường gồm: Quang Trung, Nguyễn Trãi, Yết Kiêu. Theo phương án, 3 phường trên sẽ hợp nhất thành một phường mới với tên mới là phường Quang Trung. Phường Quang Trung mới có diện tích tự nhiên 1,43 km2 (đạt 26% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số 43.957 người (đạt 293,05% so với tiêu chuẩn).

Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính là do 3 phường Yết Kiêu, Nguyễn Trãi, Quang Trung có đường địa giới hành chính liền nhau, có các khu dân cư xen kẽ, thuận lợi về giao thông, đồng bộ về hạ tầng. Khoảng cách các khu vực dân cư trên địa bàn 3 phường phù hợp để thực hiện sáp nhập thành phường mới.

Tại kỳ họp chuyên đề được tổ chức ngày 9/4, HĐND quận Hà Đông đã thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn quận Hà Đông.

Hà Nội: Đề xuất miễn lệ phí cho công dân thay đổi giấy tờ tùy thân tại các phường sau sáp nhập ảnh 1

Cử tri quận Hà Đông xem danh sách niêm yết tại các phường thuộc diện sáp nhập.

Lãnh đạo quận Hà Đông cho rằng, việc sáp nhập đơn vị hành chính sẽ tạo cân đối, hài hòa hơn trong phân bố dân cư, lãnh thổ, hạn chế tình trạng chia cắt, manh mún. Điều này sẽ giúp quận tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, mở rộng không gian phát triển. Từ đó, tạo thuận lợi phát huy các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng văn minh hiện đại. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước tại địa phương và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, một vấn đề người dân tại các phường sáp nhập rất quan tâm đó là làm lại giấy tờ và các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến việc thay đổi địa giới hành chính. Về vấn đề này, trao đổi với Báo Tiền Phong, lãnh đạo quận Hà Đông cho biết quận sẽ thực hiện theo hướng dẫn của thành phố. Ngoài ra, khi triển khai sáp nhập, quận sẽ cử các tổ công tác xuống trực tiếp tổ dân phố để hỗ trợ người dân. “Quan điểm của quận là tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. Vì thế, quận Hà Đông cũng đã đề xuất một số giải pháp hỗ trợ người về dân phí, lệ phí khi làm các thủ tục thay đổi giấy tờ tùy thân, giải quyết các hồ sơ, TTHC liên quan đến việc thay đổi địa giới hành chính. Nếu thành phố thông qua, quận sẽ triển khai ngay”, vị lãnh đạo này nói.

Trưởng phòng Nội vụ quận Hai Bà Trưng Lê Bích Hằng cho biết, về phương án sắp xếp, quận Hai Bà Trưng sẽ sáp nhập 7 phường thành 4 phường. Cụ thể, phường Đồng Nhân sáp nhập với phường Đống Mác thành phường Đồng Nhân. Trong khi đó, một phần của phường Cầu Dền sáp nhập vào phường Bách Khoa lấy tên gọi mới là phường Bách Khoa; phần còn lại sáp nhập vào phường Thanh Nhàn lấy tên gọi mới là phường Thanh Nhàn. Ngoài ra, phường Quỳnh Lôi sáp nhập vào phường Bạch Mai lấy tên gọi mới là phường Bạch Mai. Quận Hai Bà Trưng từ 18 phường hiện đại và sau khi sáp nhập sẽ còn 15 phường.

Nhờ có sự vào cuộc của các cấp trong việc tuyên truyền, tỷ lệ đồng thuận của người dân với phương án sắp xếp đơn vị hành chính đạt 99,61%.

Hà Nội: Đề xuất miễn lệ phí cho công dân thay đổi giấy tờ tùy thân tại các phường sau sáp nhập ảnh 2

Cử tri Hà Nội cho ý kiến về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Liên quan đến việc giải quyết TTHC cho người dân, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng đã chỉ đạo cơ quan công an có kế hoạch triển khai ngay sau khi đề án được thông qua. Theo bà Hằng, về mặt nguyên tắc, Chính phủ đã có Đề án 06/CP nên dữ liệu của người dân đã được cập nhật trên hệ thống nên việc chuyển đổi sẽ thuận lợi. Quận Hai Bà Trưng xác định, các thủ tục hành chính liên quan sẽ được giải quyết trên quan điểm thuận tiện nhất cho người dân, không vì sắp xếp, sáp nhập mà ảnh hưởng đến giải quyết TTHC của người dân.

Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Hồng - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, sau khi đề án đề án được Quốc hội thông qua thì mới có hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc giải quyết các TTHC cho nhân dân. Tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện, Nhà nước nên hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hết sức, trong đó có việc miễn phí và đưa cán bộ xuống từng thôn giúp đỡ dân thay đổi giấy tờ tùy thân.

Trước đó, UBND các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân cũng cho biết, sẽ có nhiều hỗ trợ cho người dân khi thực hiện TTHC liên quan đến thay đổi địa giới hành chính sau khi nhập. Ví như, công an quận sẽ xuống các phường, tổ dân phố để hướng dẫn người dân thực hiện TTHC thay đổi giấy tờ tùy thân và các giấy tờ khác liên quan đến thay đổi địa giới hành chính. Ngoài ra, UBND các quận cũng đề xuất miễn phí, lệ phí cho công dân khi thực hiện thay đổi giấy tờ tùy thân...

Trước đó, tại hội nghị giao ban trực tuyến Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo quận, huyện, thị xã quý I/2024 (diễn ra sáng 26/3), Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, tên gọi là vấn đề được dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm. Vì thế trong quá trình tổ chức thực hiện sắp xếp, các đơn vị xem xét kỹ lưỡng các yếu tố về truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương. Trong đó, ưu tiên sử dụng tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp hoặc tên gọi được sử dụng trong quá trình hình thành và phát triển của đơn vị mình. Đồng thời, có phương án, cách làm phù hợp với thực tiễn tại cơ sở nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết thêm, chủ trương của thành phố là hỗ trợ tối đa cho công dân khi thay đổi giấy tờ tùy thân, giải quyết các hồ sơ, TTHC có liên quan do thay đổi tên gọi địa giới hành chính.

Việc giải quyết chuyển đổi giấy tờ do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã được TP. Hà Nội chỉ đạo Công an thành phố thực hiện giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (về nhân thân) cho người dân theo cơ chế thành phố hỗ trợ toàn bộ.

MỚI - NÓNG