Hà Nội học tập Đức kinh nghiệm xử lý nước thải

Dự án Xử lý nước thải Hồ Tây có công suất 33.000 m3/ngày
Dự án Xử lý nước thải Hồ Tây có công suất 33.000 m3/ngày
TPO - Đại sứ Đức cho biết, trước đây, nước Đức cũng từng trải qua giai đoạn ô nhiễm nặng nề, trong khi đến nay 99,8% các hộ gia đình đã được kết nối với hệ thống xử lý nước thải, tỷ lệ hài lòng của người dân về hệ thống nước thải là trên 90%.

Trên cơ sở thống nhất các nội dung với Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, từ ngày 19-20/3/2019, UBND TP. Hà Nội, Hội Cấp thoát nước Việt Nam và Hội Hợp tác ngành nước Đức phối hợp tổ chức “Diễn đàn ngành nước Đức - Việt tại thành phố Hà Nội” tại Khách sạn Melia (số 44b Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng khẳng định, trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô, TP luôn xác định công tác phát triển hạ tầng kỹ thuật trong đó hệ thống cấp nước sạch, hệ thống cây xanh, công viên, hồ nước, hệ thống thu gom xử lý nước thải, vệ sinh môi trường là nhữngnhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên đáp ứng nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, nhu cầu sử dụng nước sạch của Thủ đô là rất lớn, dự kiến đến năm 2020 là khoảng 2 triệu m3/ngđ; đến năm 2030 là khoảng 3 triệu m3/ngđ; đến năm 2050 là khoảng 3,5 triệu m3/ngđ.

Mục tiêu về nước sạch của TP đến năm 2020 là phấn đấu tỷ lệ người dân nông thôn có nước sạch là 100%.  Đối với việc tiêu thoát nước khu vực đô thị: Hiện nay, hệ thống thoát nước thủ đô Hà Nội mới có lưu vực sông Tô Lịch có diện tích khoảng 77,5 km2.

Để hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom xử lý nước thải đô thị và cung cấp nươc sạch, Hà Nội rất mong muốn, khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có năng lực tài chính, kinh nghiệm tham gia triển khai các dự án thoát nước, xử lý nước thải, cải tạo môi trường Hà Nội, bằng những công nghệ, thiết bị mới nhất của khoa học, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu tiêu chí xây dựng thủ đô Hà Nội văn minh hiện đại.

Hà Nội học tập Đức kinh nghiệm xử lý nước thải ảnh 1 Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại Diễn đàn..
“Hà Nội rất hoan nghênh, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư tham gia triển khai các dự án cấp thoát nước trên địa bàn TP”, ông Nguyễn Thế Hùng nói.

Cùng trao đổi tại Diễn đàn, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam Christian Berger chia sẻ, sau 3 năm tới Việt Nam và trở thành một công dân Hà Nội, ông luôn kỳ vọng vào hình ảnh một Thủ đô phát triển, xanh sạch đẹp. 

Theo Đại sứ, Đức là một trong những đối tác phù hợp giúp đồng hành với Hà Nội trong định hình các chính sách đầu tư trong ngành nước.  “Trước đây, nước Đức cũng từng trải qua giai đoạn ô nhiễm nặng nề, trong khi đến nay 99,8% các hộ gia đình đã được kết nối với hệ thống xử lý nước thải”, Đại sứ cho biết.  

Với 8000 cơ sở xử lý nước thải và cung cấp nước sạch công, cùng công nghệ phát triển và hàng trăm DN trong lĩnh vực chuyên môn, Đức luôn sẵn sàng hỗ trợ các đối tác trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam ở lĩnh vực này.  Đại sứ cũng dẫn hợp tác giữa Việt Nam và Hội hợp tác ngành nước Đức (GWP) - một mạng lưới lớn tập hợp 3 chân kiềng: Nhà nước, Nhà DN, Nhà khoa học, mang lại hợp tác trong ngành nước thông qua liên kết công tư hiệu quả.

Diễn ra trong 2 ngày (19-20/3), Diễn đàn quy tụ các đại biểu trao đổi tham luận về nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực cấp, xử lý môi trường nước; Tiêu chuẩn nước sinh hoạt dùng trong hoạt động thông thường; tiêu chuẩn áp dụng đối với nước dùng để uống trực tiếp (uống tại vòi); Hợp tác phát triển ngành nước tại Việt Nam giữa Hội cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) và hội Hợp tác ngành nước Đức (GWP); các tiêu chuẩn hiện tại đang áp dụng tại Đức về cấp nước, nước uống tại vòi; các giải pháp xử lý nước thải…

MỚI - NÓNG
Bình luận