Hà Nội thiết kế đô thị riêng tuyến phố Lý Thường Kiệt dài 1,8km

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Quyết định số 3344, diện tích lập đồ án nghiên cứu Thiết kế đô thị riêng tuyến phố Lý Thường Kiệt khoảng 41,16 ha; Diện tích khu đất lập đồ án khoảng 30,26 ha, chiều dài tuyến là 1,8 km.

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt nhiệm vụ Thiết kế đô thị riêng tuyến phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tỷ lệ 1/500.

Theo đó, vị trí khu đất nghiên cứu thuộc địa giới hành chính của các phường Cửa Nam, Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Phan Chu Trinh (thuộc quận Hoàn Kiếm);

Ranh giới nghiên cứu đồ án có điểm đầu là nút giao thông với phố Lê Duẩn (phía Tây); điểm cuối là nút giao thông với phố Lê Thánh Tông (phía Đông). Cụ thể:

Phía Bắc, phía Nam lấy hết ranh giới quản lý sử dụng của các ô đất lớn tiếp giáp tuyến phố Lý Thường Kiệt, lòng đường các tuyến phố giao cắt với phố Lý Thường Kiệt và ranh giới ô phố liên quan.

Phía Tây, trên cơ sở ranh giới phía Bắc và phía Nam (hai bên tuyến phố Lý Thường Kiệt), lấy đến hết ranh giới hành chính quận Hoàn Kiếm trên tuyến phố Lê Duẩn.

Phía Đông, trên cơ sở ranh giới phía Bắc và phía Nam (hai bên tuyến phố Lý Thường Kiệt), lấy đến ranh giới hè phố Lê Thánh Tông và ranh giới sử dụng nhà hoặc đất của trường Đại học Dược Hà Nội, trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia.

Về quy mô, diện tích lập đồ án nghiên cứu khoảng 41,16 ha; diện tích khu đất lập đồ án Thiết kế đô thị khoảng 30,26 ha; chiều dài tuyến khoảng 1,8 km.

Mục tiêu của Đồ án nhằm cụ thể hoá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011; Quy hoạch phân khu đô thị H1-1C đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1357/QĐ-UBND ngày 19/3/2021; phù hợp các quy hoạch đã được phê duyệt và bám sát, cập nhật các quy hoạch đang nghiên cứu trong khu vực.

Đồng thời, đề xuất giải pháp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hài hòa giữa khu vực xây mới và khu vực cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị, không phá vỡ cấu trúc không gian kiến trúc tuyến phố Pháp cũ; kết nối hài hòa không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh, đặc biệt tại các khu vực tiếp giáp với các nút giao thông, các khu vực có ý nghĩa quan trọng.

Ngoài ra, kết hợp giữa bảo tồn phát huy các giá trị lịch sử, kiến trúc đô thị, cảnh quan môi trường với cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị phù hợp với các đặc trưng về lịch sử, văn hóa, xã hội. Từ đó, đề xuất các giải pháp chỉnh trang đô thị khu vực hiện hữu, định hướng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các công trình có giá trị.

MỚI - NÓNG