Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy:

Hạ tầng cao tốc có chuyển biến tích cực, song mục tiêu vẫn ở phía trước

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ ngành có liên quan, sự nỗ lực của các đơn vị thực hiện dự án, nửa nhiệm kỳ vừa qua, hạ tầng giao thông nói chung và hạ tầng cao tốc nói riêng trên cả nước đã có sự “bứt tốc”, chuyển biến tích cực. Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy cho rằng, mặc dù đạt được một số kết quả bước đầu, song mục tiêu vẫn ở phía trước.
Hạ tầng cao tốc có chuyển biến tích cực, song mục tiêu vẫn ở phía trước ảnh 1

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy

Mục tiêu 5.000 km cao tốc năm 2030: Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Thứ trưởng thông tin cho những nét cơ bản thực trạng phát triển hạ tầng giao thông cả nước hiện nay?

Nhờ được ưu tiên, bố trí nguồn lực cũng như có được sự chỉ đạo, hỗ trợ, sát sao của lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ, ngành GTVT thời gian qua đã nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn và đã đạt được những thành công bước đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ tạo mũi đột phá chiến lược về hạ tầng. Trong đó, trên tất cả các lĩnh vực từ đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường thủy nội địa, hệ thống cảng hàng không... đều có những phát triển, chuyển biến tích cực.

Trên lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tính đến nay, toàn bộ hệ thống đường bộ cả nước dài trên 608 nghìn km; trong đó quốc lộ (154 tuyến) dài 24.885 km; mạng lưới đường bộ cao tốc bước đầu được hình thành với tổng chiều dài 1.729km góp phần tăng cường năng lực vận tải trên các hành lang kinh tế quan trọng; hiện nay, đang tiếp tục triển khai thi công khoảng 1.693km để phấn đấu đến năm 2025 cả nước có trên 3.000km đường bộ cao tốc, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra là đến năm 2025 cả nước có 3.000 km cao tốc, đến 2030 là 5.000 km. Đến nay, mục tiêu này đang được thực hiện ra sao thưa Thứ trưởng?

Tại Phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá, chúng ta đang đứng trước những thời cơ và điều kiện thuận lợi để hoàn thành mục tiêu: đến năm 2025 cả nước có 3.000 km cao tốc, đến 2030 là 5.000 km. Hiện chúng ta đã hoàn thành 29 tuyến/đoạn tuyến cao tốc, tổng chiều dài 1.729km và đang tiếp tục triển khai thi công khoảng 1.693km.

Bên cạnh các tuyến cao tốc đang được triển khai thi công, Bộ GTVT đang gấp rút hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công khoảng 636km, trong đó hoàn thành đến năm 2025 khoảng 262km (Hòa Liên - Túy Loan, Chơn Thành - Đức Hòa, Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Chợ Mới - Bắc Kạn), nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc nước ta trên 3.000km đến năm 2025.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các địa phương để khởi công, triển khai theo đúng tiến độ nhiều dự án giao thông quan trọng. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, huy động vốn đầu tư cho khoảng 928km đường cao tốc dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030. Nếu các dự án nói trên được hoàn thành đúng kế hoạch, đến năm 2030 cả nước sẽ có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, đạt mục tiêu Nghị quyết đại hội XIII đề ra.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, đây vẫn là nhiệm vụ, trách nhiệm rất lớn. Vì vậy, toàn hệ thống chính trị cần phải nhận thức và quyết tâm hành động để thực hiện thành công nhiệm vụ này, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực cho đầu tư các dự án mới. Trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn trong thời gian qua, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách, thể chế có tính chất đột phá về phân cấp phân quyền, huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng…

Hạ tầng cao tốc có chuyển biến tích cực, song mục tiêu vẫn ở phía trước ảnh 2

Chỉ trong gần nửa nhiệm kỳ vừa qua, Bộ GTVT đã đưa vào sử dụng đến hơn 560 km cao tốc, tạo thuận lợi đi lại giữa các vùng miền. Con số này bằng 1/2 số lượng của 20 năm phát triển trước đó. Ảnh: Trọng Đảng

Khơi thông các điểm nghẽn huy động các nguồn lực đầu tư

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tuy nhiên trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, Bộ GTVT đã hoàn thành hơn 560 km cao tốc, bằng 1/2 số lượng của 20 năm trước đó, Thứ trưởng cho biết bài học “khơi thông” ở đây là gì?

Từ kinh nghiệm thực tiễn triển khai các dự án cao tốc vừa qua, Bộ GTVT rút ra được nhiều kinh nghiệm rất quý báu; có thể nhắc đến 4 bài học quan trọng như sau:

Trước hết, muốn triển khai thành công cần có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương; đặc biệt là vai trò, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo nhà nước các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT do Thủ tướng làm trưởng ban. Thủ tướng và các phó thủ tướng cũng dành nhiều thời gian kiểm tra hiện trường để đôn đốc tiến độ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tiến độ và chất lượng các dự án.

Thứ hai là phải quyết liệt, mạnh dạn, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về thể chế và các thủ tục hành chính vì mục tiêu chung. Đó là việc mạnh dạn ban hành và áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá vì mục tiêu chung, thể hiện cụ thể đó là các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn về nguồn nguyên vật liệu xây dựng thông thường; cũng như cho phép triển khai đồng thời các thủ tục liên quan để rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ từ khâu chuẩn bị đầu tư cho đến giai đoạn triển khai thi công các dự án;

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu và đồng thuận chủ trương của Đảng, Nhà nước; cần phải quan tâm đến đời sống của nhân dân, chú trọng công tác bố trí tái định cư cho người dân, đảm bảo nơi ở mới phải tốt hơn hoặc ít nhất bằng nơi ở cũ.

“Để đạt được mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra trong việc phát triển đường cao tốc từ nay đến năm 2025 và 2030, Bộ GTVT còn rất nhiều việc phải làm, phải tháo gỡ, thậm chí là phải thay đổi cả tư duy, công tác điều hành, quản trị”.

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy

Sau 10 năm kêu gọi đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP) thì hiện nay việc này đang gặp nhiều khó khăn. Thứ trưởng cho biết nguyên nhân vì sao thời gian qua lại ít các dự án giao thông được đầu tư theo PPP? Bộ GTVT có giải pháp gì cho việc này?

Bộ GTVT đồng tình với quan điểm cần tiếp tục kêu gọi các nguồn vốn ngoài ngân sách để tham gia đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Về lý do trong thời gian qua có ít dự án giao thông được đầu tư theo phương thức PPP, có nhiều nguyên nhân tác động, trong đó nổi bật là việc nguồn thu chủ yếu để hoàn vốn từ thu phí trên đầu phương tiện (xe ô tô). Tại Việt Nam tổng số phương tiện đăng ký lưu hành hiện nay khoảng 5,2 triệu (so với các quốc gia trong khu vực cũng là rất thấp), phân bổ không đồng đều, tập trung hơn một nửa tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, số còn lại phân bổ cho 61 tỉnh thành. Do vậy sự hấp dẫn, khả thi hoàn vốn của các dự án không đồng đều.

Trên thực tế, trước đây Bộ đã kêu gọi đầu tư thành công trên 70 dự án PPP, tập trung mở rộng QL1 và một số tuyến QL quan trọng khác, với hình thức thu phí hở (theo lượt). Các dự án đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả đầu tư, tuy nhiên còn tồn tại hạn chế. Những tồn tại, hạn chế đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát đánh giá, chỉ ra tại Nghị quyết 437. Hiện nay đang tiếp tục xử lý, chưa giải quyết được dứt điểm (như chưa được tăng giá phí theo hợp đồng, có dự án chưa được thu phí hoàn vốn…) nên các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng đánh giá đây là lĩnh vực đầu tư không hấp dẫn và tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Trong thời gian tới, Bộ GTVT vẫn tiếp tục coi nguồn lực xã hội hóa là hình thức huy động quan trọng để thực hiện thành công chiến lược, quy hoạch ngành GTVT. Trong đó, tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật như xây dựng các cơ chế, chính sách để tăng tính hấp dẫn và hiệu quả đầu tư của các dự án PPP thông qua các cơ chế cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp.

Ngoài ra, thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để cho các địa phương có năng lực kinh nghiệm nhằm chủ động huy động, sử dụng các nguồn lực của địa phương.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

MỚI - NÓNG