ICERES là hội nghị thường niên do Khoa Môi trường & Tài nguyên (FENR) trực thuộc trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) tổ chức. Nghiên cứu “The Potential of Earthworm (Perionyx Excavatus) in Food Waste Treatment in Ho Chi Minh City” (Kiểm tra tiềm năng của trùn quế trong việc xử lý rác thải hữu cơ, đặc biệt là rác thực phẩm ở TP. HCM) của hai bạn Trịnh Mai Hoàng Anh và Phạm Kim Khánh sẽ được công bố tại hội nghị này.
Theo Mai Hoàng và Kim Khánh, chủ đề của hội nghị năm nay là “Tích hợp công nghệ môi trường với các giải pháp quản lý trong phát triển bền vững và thích ứng”. Đây là cơ hội để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trẻ, các sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu cơ bản, ứng dụng kiến thức vào trong thực tiễn và tìm kiếm những phương pháp mới mẻ trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên và khoa học trái đất.
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện dự án, Hoàng Anh và Kim Khánh cho biết, từ trước đến nay, công tác xử lý rác thải luôn là nỗi trăn trở của những người quan tâm đến môi trường.
Phạm Kim Khánh và Trịnh Mai Hoàng Anh trong clip giới thiệu về dự án của nhóm. |
“Mỗi ngày, có hàng tấn rác các loại bị thải ra môi trường. Hiện nay, hai phương pháp xử lý truyền thống là chôn lấp và thiêu đốt không còn phù hợp nữa. Điều này đặt ra câu hỏi nhức nhối về giải pháp xử lý an toàn và thân thiện hơn với môi trường. Bên cạnh đó, trong những năm qua, mô hình nuôi trùn quế đang ngày càng phổ biến ở huyện Củ Chi và mang đến lợi ích kinh tế đáng kể cho nhiều hộ dân”.
Với dự án nuôi trùn quế để xử lý rác thải, Hoàng Anh và Kim Khánh từng giành được đồng giải Nhất trong chương trình Năng lực nghiên cứu sinh viên (URI) 2020 dưới sự hướng dẫn của TS. Võ Thanh Hằng (giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên). Nhờ nguồn tài trợ từ chương trình này, nhóm đã tiếp tục nghiên cứu, triển khai và viết thành bài báo khoa học để trình bày tại ICERES 2021.
Anh và Khánh bộc bạch, lúc bắt đầu theo đuổi đề tài, cả hai mới vừa vào năm nhất, đầy những bỡ ngỡ: “Khó khăn nhất lúc đó là thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng cũng như những trở ngại về kỹ thuật, ngôn ngữ. Cả hai chỉ biết sử dụng Word ở mức cơ bản. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu đòi hỏi nhiều hơn thế. Lúc này, những kiến thức của lớp Soft Skills TS Võ Thanh Hằng trực tiếp giảng dạy trở nên vô cùng hữu ích. Cả hai có thể điều chỉnh định dạng và làm Powerpoint sao cho thu hút, hấp dẫn. Chưa hết, nhóm cũng cần đáp ứng những yêu cầu khác như thiết kế poster hoặc xử lý số liệu”.
TS Võ Thanh Hằng (trái) hướng dẫn hai bạn làm nghiên cứu dự án. Ảnh: OISP |
Theo từng năm học, kỹ năng nghiên cứu và đặc biệt là cải thiện khả năng ngoại ngữ giúp cả hai tiếp cận gần hơn với nghiên cứu. Cả hai bạn gần như phải học lại tiếng Anh từ đầu. Việc tìm kiếm thông tin và đọc hiểu bài báo khoa học khiến nhóm mất rất nhiều thời gian. Không chỉ dừng lại ở đó, mọi báo cáo, bài thuyết trình đều phải được viết bằng tiếng Anh. Dần dà, đôi bạn ăn ý từ học kỳ Pre-University đã có thể làm việc nhóm online cực kỳ năng suất, hiệu quả bất chấp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
“Thật ra, trong giai đoạn chỉnh sửa format bài nghiên cứu, tụi mình không dám hy vọng nhiều, bởi các bài viết nếu muốn được công bố tại ICERES cần được xét duyệt rất chặt chẽ, cẩn thận. Cô Hằng đã liên tục động viên nhóm mạnh dạn nộp bài, rằng cứ coi đây là một trải nghiệm bổ ích. Do đó, khi nhận được tin vui rằng bài báo sẽ được công bố, hai đứa đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Tụi mình đạt được thành quả ngọt ngào này nhờ sự giúp đỡ rất lớn của cô Hằng”.
Nói về dự định tương lai, cả hai cho biết: “Dự án trùn quế của tụi mình mới dừng lại ở giai đoạn kiểm tra khả năng phân hủy rác thải hữu cơ của trùn quế. Hy vọng, tụi mình đủ khả năng đánh giá, kiểm tra sinh khối trong giai đoạn tiếp theo. Khi ấy, dự án sẽ bảo vệ môi trường một cách thiết thực hơn, qua đó đóng góp vào công tác xử lý rác thải hữu cơ, nhất là rác thực phẩm. Ngoài ra, sắp tới cả hai sẽ tham gia nhiều dự án thực tế khác mang tính liên ngành hóa học và môi trường”.