Hài hòa lợi ích

0:00 / 0:00
0:00
TP - Lo ngại là tâm trạng chung của cộng đồng khi giá điện tăng 4,5% vào ngày 9/11 vừa qua và khoảng cách giữa hai lần tăng giá rất gần, cách nhau chỉ 6 tháng. Lần tăng giá điện gần đây nhất vào tháng 5/2023, với mức tăng 3% so với trước đó.

Người dân lo ngại vì chi tiêu gia đình sẽ đội lên. Một mặt, chi phí tăng trực tiếp từ giá điện, mặt khác các mặt hàng tăng vì hiệu ứng dây chuyền từ tác động của giá điện. Từ mớ rau, con cá trong bữa ăn hằng ngày đến các khoản chi khác như học hành, khám chữa bệnh… sẽ tăng lên. Trong khi đó, thu nhập của người dân không tăng theo, thậm chí nhiều người còn bị giảm sút vì mất hoặc thiếu việc làm, hoặc được trả công lao động với giá rẻ mạt. Chưa kể, chi tiêu gia đình còn thiếu hụt vì giá trị đồng tiền mất đi phần nào do mặt bằng giá cuối năm đang đà tăng mạnh.

Doanh nghiệp lo lắng vì chi phí sản xuất gia tăng, trong khi không thể tăng giá sản phẩm, dịch vụ; đồng thời mãi lực kém, thị trường thiếu đầu ra, đơn hàng khan hiếm, doanh thu và lợi nhuận đều tụt giảm mạnh. Đối với những doanh nghiệp có mức tiêu thụ điện cao, chi phí điện chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu giá thành sản phẩm sẽ càng thêm lo lắng.

Sự tăng giá trong thực tế lẫn kỳ vọng kể trên sẽ không tránh khỏi tác động gia tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô. Và vì vậy, sự lo lắng của cộng đồng là hết sức dễ hiểu và chính đáng.

Tuy nhiên, thử nhìn từ một góc khác, ta sẽ thấy vấn đề tăng giá điện cũng khác đi. Giá bán điện, do Nhà nước quản lý, từ lâu vẫn được xác định là chưa phản ánh đúng thực chất giá thị trường, không tính đúng, tính đủ chí phí đầu vào; đồng thời chưa tách bạch giá kinh doanh và giá công ích. Việc không rõ ràng, minh bạch đó khiến giá điện luôn trong cảnh “tù mù”, và đó là điều khiến người tiêu dùng điện cảm thấy hoang mang, chứ không phải vì chuyện tăng giảm bao nhiêu. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước.

Từ góc độ của ngành điện, là một doanh nghiệp, thì vẫn phải đảm bảo nguyên tắc lợi nhuận. Muốn làm được điều đó, lẽ thường doanh nghiệp phải tự quyết đầu vào lẫn đầu ra. Song, thực tế doanh nghiệp ngành điện không được tự quyết định giá điện, cũng không được tự quyết định đầu tư hay không đầu tư phát triển điện ở đâu đó nếu thấy kém hiệu quả, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa. Thậm chí, vùng càng, sâu càng xa thì càng phải ưu tiên đầu tư, dù hiệu quả đầu tư tỉ lệ nghịch và chênh lệch rất lớn đối với suất đầu tư. Vừa phải có hiệu quả, lợi nhuận cao, vừa phải làm thật tốt nhiệm vụ công ích, quả là quá khó đối với một đơn vị kinh doanh.

Việc sản xuất, kinh doanh điện đã phá thế độc quyền. Hiện cơ cấu nguồn điện Việt Nam đã có sự thay đổi lớn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ còn nắm giữ khoảng 37% nguồn điện. Nhu cầu điện dự báo ngày càng tăng cao, nên sẽ cần rất nhiều vốn đầu tư phát triển nguồn điện trong tương lai.

Muốn tiếp tục thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nguồn điện, buộc phải tăng giá mua bán điện, đưa giá điện vào quỹ đạo thị trường. Hài hòa lợi ích các bên tham gia thị trường điện là cách tốt nhất để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia một cách bền vững.

MỚI - NÓNG