Hải Phòng: Dự phòng thuốc, viên xông cho trẻ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hải Phòng đã ghi nhận hơn 9.600 học sinh và giáo viên mắc COVID-19. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sau Tết, nhiều phụ huynh ngại cho con tới trường học trực tiếp. Nhiều người mua dự phòng một số thiết bị y tế, thuốc điều trị COVID-19 tại nhà.

Xin cho con học trực tuyến

Hôm nay (14/2), trường học các cấp ở Hải Phòng mở cửa trở lại dạy học trực tiếp. Sở GD&ĐT TP Hải Phòng đã yêu cầu các cơ sở giáo dục chuẩn bị các điều kiện đảm bảo dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến an toàn phòng chống dịch. Đồng thời, hoàn tất việc tập huấn kịch bản hướng dẫn, điều trị, xử lý tình huống phát sinh F0 trong quá trình giảng dạy.

Hải Phòng: Dự phòng thuốc, viên xông cho trẻ ảnh 1
Học sinh các cấp ở Hải Phòng trở lại trường học trực tiếp

Trước ngày cho con tới trường học trực tiếp, nhiều phụ huynh ở Hải Phòng tỏ ra lo ngại. Chị Trang (35 tuổi, trú quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết, con gái lớn học lớp 4, con nhỏ học mẫu giáo. Trước Tết, lớp của con gái chị có F0 nên nhà trường cho các cháu học trực tuyến tại nhà. Dù công việc bận rộn và không có người thân hỗ trợ nhưng chị cố gắng sắp xếp công việc, bám sát các buổi học của con. Sau Tết, chị nhận được thông báo của giáo viên sẽ cho học sinh học trực tiếp trở lại.

“Nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế, kịch bản dạy trực tiếp đảm bảo an toàn phòng dịch. Tuy nhiên, tôi vẫn e ngại vì con gái chưa được tiêm vắc xin, trong khi đó số ca mắc COVID-19 là học sinh và giáo viên liên tiếp tăng cao. Nếu con gái trở thành F0, tôi sẽ phải tạm nghỉ làm để chăm sóc, điều trị cho con. Do đó, tôi xin cho con gái học trực tuyến tại nhà thêm vài ngày”, chị Trang nói.

Chị Trinh (29 tuổi) chia sẻ, sau thời gian dài con gái chị (học lớp mầm non 3 tuổi) được nghỉ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nay nhà trường tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy trực tiếp trở lại. Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 trong trường học tăng cao sau Tết, gia đình chị xin cô chủ nhiệm tạm thời chưa đưa con tới trường. Chị gửi con gái về nhờ ông bà trông giúp để đảm bảo công việc hằng ngày.

Không có trường hợp chuyển nặng

Chiều 13/2, ông Trần Tiến Chinh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hải Phòng thông tin, qua báo cáo cho thấy có 9.649 học sinh, giáo viên là F0. Trong đó, có hơn 1.500 trường hợp là trẻ mầm non, tiểu học chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Tuy nhiên, hiện không có trường hợp nhập viện chuyển biến xấu. Địa phương khuyến cáo trẻ mầm non, học sinh các cấp có bệnh nền, biểu hiện sức khỏe ốm, sốt, ho… không nên đến trường. Các trường học sẽ tổ chức dạy học trực tuyến cho các trường hợp này. Riêng bậc mầm non, ngày 12/2, Sở GD&ĐT đã có thông báo, phụ huynh đưa con đến trường trên nguyên tắc cha mẹ có nhu cầu, tự nguyện. Trường học chuẩn bị mọi kịch bản để ứng phó, trường hợp dịch xảy ra, đánh giá nguy cơ theo từng lớp học. Lớp không có yếu tố dịch tễ vẫn tổ chức dạy học bình thường.

Hà Linh

Chuẩn bị thuốc, que test nhanh

Ghi nhận của phóng viên ngày 13/2, hàng loạt cửa hàng bán thuốc, thiết bị y tế tại các tuyến phố: Hai Bà Trưng, Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân), Lãn Ông (quận Hồng Bàng)… có đông người đến mua que test nhanh, viên xông, thuốc điều trị cảm cúm, ho, sốt.

Một nhân viên tiệm thuốc 303 (phố Hai Bà Trưng, quận Lê Chân) cho biết, sau Tết ngày nào cửa hàng cũng chật khách, đa số mua que test nhanh, thuốc hạ sốt, viên xông… để điều trị tại nhà hoặc dự phòng cho người thân. Nhiều thời điểm, cửa hàng phải bố trí nhân viên đứng trên vỉa hè hỗ trợ khách.

Anh Trí Thọ (40 tuổi, trú quận Hải An) chia sẻ, trước ngày con trai tới trường học trực tiếp, anh ra cửa hàng thuốc mua que test nhanh để làm xét nghiệm cho con. Ngoài ra, anh cũng mua thêm viên xông, kháng sinh, thuốc hạ sốt, vitamin… để sẵn ở nhà phòng trường hợp cần thiết. “Dù cả gia đình đã tiêm vắc xin, nhưng số ca mắc COVID-19 trong trường học tăng cao. Do đó, tôi mua sẵn một số thiết bị y tế, thuốc điều trị để chủ động với tình huống phát sinh F0 tại nhà”, anh Thọ nói.

Anh Tân (33 tuổi, trú quận Hồng Bàng, Hải Phòng) cho biết, sau Tết, vợ chồng anh và 2 con trai đều trở thành F0, do đó cả gia đình cách ly, điều trị tại nhà. Ngoài thời gian làm việc ở nhà, anh dành thời gian còn lại chăm sóc sức khỏe người thân, bám sát chương trình học trực tuyến của con trai. “Sức khỏe các con đều ổn định, tham gia đầy đủ các buổi học trực tuyến với các bạn. Khi khỏi COVID-19, tôi cho con trai học trực tuyến thêm vài ngày sau đó mới đưa tới lớp học trực tiếp nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân, cô giáo và các bạn khác”, anh Tân nói.

MỚI - NÓNG
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
TPO - Sau khi 3 đối tượng mạo danh công an liên hệ yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân trên ứng dụng dịch vụ công, chị H. (trú tại Hà Nội) cài đặt ứng dụng giả mạo theo đường link các đối tượng gửi và bị chiếm hoàn toàn quyền điều khiển điện thoại, "hack" tài khoản Facebook, Zalo...