Hang đá núi Thị Vải

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ẩn cư là một truyền thống lâu đời của không ít trí thức xưa và người tu hành. Nguyễn Bỉnh Khiêm viết: “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn, người đến chốn lao xao”.

Người trông giữ bãi xe dưới chân núi Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) nói: “Đất đai quê tôi sốt mấy năm rồi, giờ tạm lắng. Người ta tranh nhau mua đất làm nhà, làm khu nghỉ dưỡng, cho thuê homestay làm du lịch, xây chung cư khu đô thị… Ấy thế mà những vị tu hành ẩn dật vẫn chỉ ở trong các am, hang động, không có gì thay đổi”.

Người trông xe chỉ cho tôi một cái am nhỏ nằm cạnh con suối um tùm cây dại, không có đường vào, bảo: “Trong đó một thầy ẩn dật, cả năm không đi ra ngoài. Thầy tự nấu ăn, rồi đọc sách, tụng kinh”.

Tôi men theo khe suối, đường mòn đi quanh ngọn núi cao đột khởi giữa vùng đất đai trù phú, nhưng không thấy bóng người. Đột nhiên, một vị sư mặc áo vàng với y bát đi ra khất thực. Tôi hỏi quý danh, vị sư này nói: “Thầy đã đi ẩn dật thì danh xưng và tên tuổi không còn quan tâm đến nữa. Về đây sống giữa cây cỏ và tự mình rũ bỏ lòng hám danh lợi, để được sống một cuộc đời thảnh thơi”. Thầy cũng nói: “Thầy đi tu nhưng không có đệ tử, không tài sản, không chùa chiền, tự mình lo liệu cuộc sống trong núi này, chẳng làm phiền đến ai”. Thoáng cái, thầy đã chân đất đi khuất vào đám cây cỏ.

Hang đá núi Thị Vải ảnh 1

Một am đá trong núi Thị Vải. Ảnh: Nguyên Anh

Men theo những bậc đá, tôi lên núi Thị Vải. Trời mưa lất phất, những viên đá xanh rêu, phải bước đi dò dẫm. Đâu đó ánh lên những tia nắng sau tán lá và tiếng chim muông líu lo. Tôi gặp ven đường một cái tháp, thờ bà Thị Vải.

Theo sách Gia Định Thành Thông Chí (Trịnh Hoài Đức), bà Lê Thị Nữ tức Ni sư Diệu Thiện là người đầu tiên lên núi này mở am tu hành. Năm 1802, bà nằm mộng thấy vua lạc đường nên đã xuống núi giúp. Sau Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy hiệu là Gia Long, cho người quay lại núi đền ơn thì bà đã qua đời. Nhà vua bèn đặt tên núi là Thị Vải, đặt tên sông là sông Thị Vải để nhớ công ơn bà. Vua cũng sắc phong cho bà là Linh Sơn Thánh mẫu, am nơi bà tu hành cũng được ban sắc Linh Sơn Bửu Thiền tự.

Quanh tháp thờ bà Thị Vải không thấy có nhà cửa, tu viện gì, chỉ thấy cây cỏ và những con đường mòn đẫm sương trong vách đá khổng lồ.

Tôi lại cứ thế leo lên đỉnh núi, thi thoảng xa xa thấy những am nhỏ dựng lên mà không thấy bóng người. Lên gần đỉnh núi, gặp một ngôi chùa nhỏ, hương khói ấm cúng nhưng chỉ có duy nhất một sư thầy. Vị sư nói: “Ngôi mộ chú mới đi qua thờ bà Thị Vải thực ra chỉ là mộ gió, không hài cốt. Sư bà Thị Vải tu thiền trong hang núi rồi mất lúc nào, ở góc nào, không ai tìm ra”.

Sư thầy nói với tôi: “Trên núi này, chùa chính là Linh Sơn Bửu Thiền tự với nhiều nhà sư tu hành và mở cửa đón Phật tử, du khách quanh năm. Ngoài ra, còn vài chục cái am nằm sâu trong núi, ít ai đến được. Các sư tu tập, ai biết việc người đó, hiếm khi ra khỏi am đá”. Đi vào một cái am dựng dưới tảng đá lớn, thấy cửa đóng then cài, mùi hương trầm thoang thoảng, nhưng gọi mãi không ai thưa.

Tôi xuống núi, ghé Linh Sơn Bửu Thiền tự, gặp vị sư trụ trì. Đức hòa thượng trụ trì kể rằng: “Tấm gương tu tập khổ hạnh của bà Thị Vải được nhiều người noi theo. Trước đây, bộ đội về đóng trên núi, đã tìm thấy một bộ hài cốt nhà sư trong hang đá, không rõ mất lúc nào, danh tính là gì. Nhà chùa bèn lập tháp thờ vị sư ấy”.

Đức hòa thượng trụ trì Linh Sơn Bửu Thiền tự lại nói: “Bà Thị Vải đi tu trong núi, thông hiểu Phật pháp, lánh xa cuộc đời ồn ã, nhưng đêm nằm mơ, thấy có việc phải giúp đời liền xuống núi, giúp nhà vua. Xong việc, sư bà quay lên tu tập, không màng danh lợi. Đến nay, tên sư bà được đặt cho núi Thị Vải, cho sông Thị Vải, đời đời dân tưởng nhớ, song bà mất ở hang đá nào thì chưa ai tìm ra được”.

Chia tay với núi Thị Vải, tôi chợt nhớ lời vị sư trẻ đang tu trên đỉnh núi đầy mưa, một mình quanh năm không tiếp xúc ai. Thầy chia sẻ: “Thầy lên núi tu là theo lời khuyên của sư phụ. Khi nào sư phụ bảo xuống núi giúp đời, thầy sẽ xuống ngay. Xong việc, lại xin được lên núi để giữ rừng thiêng, trồng rau, đọc sách”.

MỚI - NÓNG